Nếu có thể tha thứ, hãy đừng cố chấp

31/12/2004 14:52 GMT+7

Điều cốt yếu là thuận vợ thuận chồng, nuôi nấng con cái thành người chứ không phải là bắt ghen, trị tội, làm cho ra lẽ, chẳng ích lợi gì...". Đó là lời khuyên của một người đã trở thành bà nội đối với con cháu mình. Câu chuyện được kể như sau:

Tôi và vợ tôi là sinh viên học cùng khoa Xây dựng Trường ĐH Bách khoa. Sau 2 năm tìm hiểu, chúng tôi đã yêu nhau. Ra trường, cả hai đều có việc làm ổn định, rồi kết hôn. Cô con gái xinh xắn ra đời càng làm cho cuộc sống vợ chồng tôi thêm hạnh phúc.

Tuy nhiên, do yêu cầu công việc (cả hai đều là kỹ sư xây dựng) nên chúng tôi thường xuyên phải xa nhà để theo những công trình. Có khi con gái được nội, ngoại giữ suốt mấy tháng trời mà chẳng gặp ba mẹ. Vì vậy những giây phút bên nhau của chúng tôi cực kỳ quý báu. Tôi tận dụng thời gian đó để chăm sóc vợ, dạy bảo con. Trong thời gian xa cách, dẫu có nhiều cám dỗ nhưng tôi vẫn luôn giữ mình để xứng đáng với lòng tin yêu của vợ.

Thế nhưng vợ tôi lại không làm được như vậy, cô ấy đã sa ngã khi theo một công trình xây dựng ở tỉnh nọ. Trong những tháng ngày tham gia giám sát thi công, cô đã được người thầu quan tâm, chăm sóc. Trước, ông ta làm thế chỉ để lấy cảm tình của vợ tôi, giúp nghiệm thu công trình dễ dàng hơn. Nhưng dần dà, sự tán tỉnh quá mức của hắn đã khiến vợ tôi mê đắm. Cô ấy trở thành tình nhân của hắn mà tôi không hề hay biết.

Dù nghe nhiều người xì xào về đức hạnh của vợ mình, tôi vẫn luôn minh oan cho vợ, vẫn một mực cho rằng vợ mình vô tội. Cho đến một ngày, chính anh ruột tôi đến thẳng nơi làm việc tìm tôi, đưa cho tôi một vé máy bay kêu đi theo anh ấy về nhà, có việc cần. Vừa xuống máy bay, anh đưa tôi đến thẳng khách sạn, lên một phòng, gọi cửa. Khi cửa vừa hé mở, anh xông thẳng vào và chỉ cho tôi thấy người vợ thân yêu đang ở trong đó cùng ông chủ thầu. Hắn nhanh chóng chuồn khỏi, để lại vợ tôi cúi gằm mặt không nói được lời nào.

Anh trai tôi dằn mặt cô ấy... Tôi cảm thấy thật nhục nhã. Tôi muốn làm một cái gì đó để xả giận nhưng tay chân tôi như cứng đờ. Đột nhiên, cô ấy quỳ xuống, khóc lóc, xin tôi tha thứ - hãy vì con mà tha thứ cho cô ấy. Nhưng anh tôi lại xen vào: "Thế lúc cô phản bội chồng, cô có nghĩ đến con không?".

Tôi lẳng lặng viết đơn ly dị đưa cho cô ấy. Trong thời gian chờ tòa xử, gia đình tôi đã thóa mạ, mắng chửi cô ấy thậm tệ, cấm cô ấy không được về thăm con. Những lần cãi vã, đứa con gái bé bỏng của chúng tôi mắt ngơ ngác hết nhìn ba rồi quay sang mẹ, miệng mếu máo nhưng chẳng ai để ý, vì chúng tôi còn mải chì triết, trách móc lẫn nhau. Ngày xưa, chỉ cần cháu sụt vài trăm gam là cả nhà đã lo sốt vó. Lúc này cháu gầy trơ xương, tối nào ngủ cũng giật mình khóc thét, lại hay cáu gắt, đôi lúc lại trầm tư chẳng muốn nói chuyện với ai...

Sau hai, ba lần hòa giải không thành, tòa án đã quyết định cho chúng tôi ly hôn, giao cho cô ấy được nuôi con.

Hôm ấy, tôi đang cho cháu ăn sáng, nghe tiếng xe mẹ về, cháu chạy vội ra, hai bàn tay bé xíu vỗ vỗ vào nhau, miệng cười thật tươi: "A, mẹ về, mẹ về". Ngày xưa, những lúc ấy, tôi thường chạy lại đỡ xe cho vợ để cô ấy ôm con. Nhưng lúc đó tôi tỉnh bơ nhìn cô ấy khó nhọc dắt xe lên cái bục cao, mặc con bé giơ tay đòi mẹ ẵm. Cô ấy vào nhà, lấy mấy bộ đồ của con cho vào túi rồi dắt nó đi. Con bé một tay ôm con gấu bông, một tay nắm tay mẹ, vừa đi vừa nhìn lại phía sau xem tôi có đi theo không.

Cháu đi được một quãng rồi chạy trở lại, ôm lấy tôi hôn. Tôi rơi nước mắt, siết cháu vào lòng. Tôi ngước nhìn vợ, cô ấy xanh xao, hốc hác, mắt thâm quầng, chắc đã nhiều đêm không ngủ. Về với cô ấy con tôi sẽ ra sao khi không có cha? Còn nếu ở với tôi mà không có mẹ thì ai sẽ chăm sóc, vỗ về con? Trong lúc cô ấy đến nắm tay con để dắt đi, tôi chụp tay con lại thì vô tình chạm vào tay cô ấy. Bàn tay mềm mại ngày nào tôi đã siết để đặt lên lời thề suốt đời có nhau. Tôi khó nhọc bảo:

- Hay là thôi, em ở lại chăm sóc con cùng anh.

Đôi mắt cô ấy sáng lên nhưng rồi cụp ngay xuống. Mãi khi tôi nhắc đến lần thứ ba cô ấy mới quăng túi đồ, ôm lấy tôi mà khóc.

Tha thứ thì dễ, nhưng quên đi thì quá khó. Tôi đã rất đau đớn mỗi khi nhớ lại sự việc và càng đau đớn hơn khi luôn bị gia đình dằn vặt. Tôi đã sống trong sự bức bối như vậy suốt một thời gian dài. Đã có lúc tôi bị khủng hoảng tưởng như không thể chịu đựng nổi, nhưng khi nhìn con vui vẻ, hạnh phúc, nằm ngủ ngon lành với ba một bên, mẹ một bên thì mọi chuyện lại vơi đi. Vợ tôi sau đó đã xin về gần nhà làm công tác hành chính để có thời gian chăm sóc tôi và con chu đáo hơn. Giờ đây, cuộc sống của tôi chẳng có gì đáng phàn nàn. Trong một lần về quê, bà nội tôi đã la rầy anh tôi:

- Vợ chồng nó hòa hợp lại với nhau là điều đáng mừng, sao tụi bây cứ mong cho chúng xào xáo? Lẽ ra khi hay vợ nó làm bậy, tụi bây phải khuyên răn để nó quay về với chồng nó. Đằng này đứa nào cũng chỉ muốn bắt quả tang, muốn quậy cho gia đình nó tan đàn xẻ nghé. Điều cốt yếu là thuận vợ thuận chồng, nuôi nấng con cái thành người chứ không phải là bắt ghen, trị tội, làm cho ra lẽ, chẳng ích lợi gì.

Nội tuy già nhưng sáng suốt hơn nhiều người trẻ. Nghe lời nội, tôi cố quên và dần dần cảm nhận được niềm hạnh phúc ngọt ngào của gia đình. Tôi viết bài này với mong ước thành thật: khi xảy ra điều lầm lỗi, nếu vợ chồng còn có thể tha thứ được, hãy vui vẻ tha thứ cho nhau. Bởi vì sự tha thứ là nền móng vững chắc nhất để xây dựng gia đình. Có nó, thì dù sóng to, bão lớn nào cũng có thể qua đi...

(Từ PN TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.