Ngưỡng mộ 'bà mẹ trẻ' Xê Đăng

11/09/2013 10:15 GMT+7

Đứa bé Xê Đăng suýt bị chôn sống ở vùng cao Quảng Nam được đặt tên theo lễ quốc khánh (ngày 2.9) vừa tròn 2 tuổi, và câu chuyện nữ y sĩ vượt qua lời nguyền để cứu cháu bé sau khi đăng tải trên Thanh Niên đã khiến những bạn trẻ cách xa hàng ngàn cây số ngưỡng mộ…

Đứa bé Xê Đăng suýt bị chôn sống ở vùng cao Quảng Nam được đặt tên theo lễ quốc khánh (ngày 2.9) vừa tròn 2 tuổi, và câu chuyện nữ y sĩ vượt qua lời nguyền để cứu cháu bé sau khi đăng tải trên Thanh Niên đã khiến những bạn trẻ cách xa hàng ngàn cây số ngưỡng mộ…

Ngưỡng mộ
“Mẹ” Hiếu và cháu Hồ Quốc Khánh tại ngôi nhà nhỏ ở thôn 4 xã Trà Cang -  ẢNH: H.X.H

Năm ngoái, Hồ Thị Hiếu - Trưởng trạm y tế xã Trà Cang, H.Nam Trà My người Xê Đăng - lại cứu sống mẹ con sản phụ trẻ Hồ Thị Diêm ở thôn 4 cùng xã, vốn không xa nơi mẹ con Hiếu đang ở. Nhưng cái tên Hồ Thị Hiếu (26 tuổi, chưa lập gia đình) được biết đến nhiều kể từ dịp cứu sống đứa bé suýt bị chôn theo mẹ ở làng Tăk Giang, thôn 6 Trà Cang. Cháu bé được cứu đúng vào dịp nghỉ lễ 2.9, nên sau này được “mẹ Hiếu” đặt tên Hồ Quốc Khánh như một kỷ niệm lớn. Kỷ niệm này càng đặc biệt hơn sau khi Thanh Niên đăng bài “Ám ảnh ma làng” (trong loạt bài dài kỳ Những tập tục kỳ lạ). Không ít lá thư của những cô trò ở TP.Hồ Chí Minh gửi đến cho chị Hiếu bày tỏ sự ngưỡng mộ…

Tăk Giang (thôn 6 Trà Cang) cách nhà cũ của Hồ Thị Hiếu ở thôn 7 không quá xa, là nóc có đến 2 người được chị cứu sống trong những hoàn cảnh khác nhau. Hiếu can thiệp cứu sống cháu Quốc Khánh tháng 9.2011 khi vụ việc xảy ra ở thôn 6, giữa lúc chị đang nghỉ lễ ở dưới xã Trà Mai. Còn vụ cứu mẹ con Hồ Thị Diêm hồi tháng 7.2012, khi sản phụ trẻ này đã đuổi ra khỏi làng, phải xuống dưới thôn 4 tá túc.

“Chỉ có trong phim ảnh”

“Em thật sợ hãi khi biết đến một tục lệ kinh hoàng, đó là người mẹ chết thì đứa con cũng sẽ bị chôn sống theo. Em cứ nghĩ những thứ này chỉ có thể có trong quá khứ hay trong phim ảnh, không thể tồn tại ngay trong cuộc sống hiện tại” - Phạm Thị Thanh Hảo, học sinh chuyên Văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) viết trong thư gửi đến Hồ Thị Hiếu. Đây là những lá thư viết sau khi đọc loạt bài trên báo Thanh Niên của học sinh lớp 11 và 12 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Hành động dũng cảm của Hồ Thị Hiếu đã thực sự gây xúc động với những bạn trẻ ở TP.HCM. Tạ Huỳnh Tiểu Linh (lớp 12 chuyên Văn) hy vọng lá thư của mình trở thành nguồn động viên, giúp chị Hiếu vượt qua những khó khăn sẽ còn gặp phải “trên con đường bước qua những ám ảnh lời nguyền về ma làng”. Tiểu Linh tâm sự, dù chưa được trực tiếp nói chuyện nhưng em vẫn rất rất khâm phục sự dũng cảm, tấm lòng cao thượng của chị Hiếu: “Chị sẵn sàng cưu mang một đứa trẻ xa lạ, bỏ ngoài tai những luật lệ hủ tục, những lời dị nghị đàm tiếu hay đe dọa từ những dân làng. Tuy chưa từng sống trong hoàn cảnh ấy, nhưng em hiểu việc cưu mang, nuôi nấng một đứa trẻ như vậy đối với một cô gái trong độ tuổi như chị là điều vô cùng khó khăn, vô cùng đáng quý. Vì có rất ít người dám đưa ra tiếng nói riêng, tìm con đường riêng thoát khỏi những điều vốn dĩ như một lẽ hiển nhiên xưa nay”.

Cảm xúc khác nhau cũng đã đến với nhóm bạn cùng lớp 12. Nguyễn Lan Anh nhận thấy tâm hồn mình như được soi sáng khi đọc bài báo viết về Hiếu: “Bản thân tự hỏi liệu bấy lâu mình quá thờ ờ với cuộc sống, tại sao chị ấy lại có nghị lực đến vậy? Em tin, chị sẽ không còn đơn độc khi chống lại những hủ tục ấy nữa”. Thùy Linh không giấu giếm chuyện đã nhiều lần xấu hổ với những cái lắc đầu của mình trước những tiếng gọi giúp đỡ của người xung quanh. Và Gia Bảo bày tỏ lời cảm ơn “vì chị đã cho em và mọi người được cảm nhận thấy cuộc đời này vẫn còn có những người tốt sẵn sàng hy sinh cho người khác”.

Mỗi ngày, y sĩ Hồ Thị Hiếu vẫn phải chạy xe máy gần 1,5 giờ đồng hồ từ nhà đến trạm y tế, vượt qua quãng đường dốc đá lởm chởm. “Mẹ Hiếu” và bé Quốc Khánh  ở trong ngôi nhà nhỏ ven đường dưới thôn 4 Trà Cang. Thông cảm với hoàn cảnh này, trong số những người gửi quà tặng, có cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền (trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) tặng 1 triệu đồng kèm theo lá thư khá ngắn gọn nhưng ấm áp: “Tôi rất cảm động và suy nghĩ nhiều về lòng dũng cảm và tình thương người của chị. Sau lưng chị có rất nhiều người ủng hộ và cảm kích”.

Tặng “người dũng cảm” 5 triệu đồng

Sau khi Thanh Niên đăng bài “Ám ảnh ma làng”, có 20 lá thư của các bạn trẻ gửi đến tòa soạn nhờ chuyển đến y sĩ Xê Đăng Hồ Thị Hiếu. Tòa soạn cũng tiếp nhận 5 triệu đồng từ bạn đọc gửi tặng mẹ con Hồ Thị Hiếu - Hồ Quốc Khánh. Để nuôi nấng cháu bé, Hồ Thị Hiếu hiện phải thuê người trông nom với tiền công 500.000 đồng/tháng, chưa kể khoản ăn uống, quần áo… Từ năm 2010-2011, khi  mới được nhận mức lương dưới 1 triệu đồng/tháng thì Hiếu đã phải cáng đáng thêm “đứa con” này.

Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.