"Người nổi tiếng", xin bình tĩnh!

01/01/2010 11:09 GMT+7

(TNTT>) Chúng ta thường gọi người này người kia là "người nổi tiếng", là "sao", "ngôi sao", nhiều người còn tự gọi mình như thế. Có quá nhiều chuyện xung quanh những tên gọi này. TT TT> thử làm một cuộc mổ xẻ. Mời bạn đọc tham gia thảo luận

Bây giờ ở ta cái gì cũng được phong thành "sao", nhất là những người nổi tiếng trong các lĩnh vực giải trí và văn học nghệ thuật. Gọi như thế thì đúng với những ai thực sự là sao, nhưng sẽ lạm dụng với những ai chưa được như  vậy dù muốn được như vậy.

Ngày xưa, người nổi tiếng là do sự công nhận của người khác, của công chúng, chứ người ấy không có ý thức và chưa biết “cách” để khiến mình nổi tiếng. Bây giờ thì có nhiều kỹ thuật, kể cả "kỹ xảo" để trợ giúp cho sự nổi tiếng, làm cho người muốn nổi tiếng mau nổi tiếng hơn. Có lẽ vì thế nên bây giờ sự nổi tiếng đến nhanh hơn, hoành tráng hơn so với thực lực của họ. Người nổi tiếng ngày càng được “soi” đến ở rất nhiều mặt của đời sống, kể cả đời sống riêng tư, chứ không đơn giản chỉ là những cống hiến, tác phẩm, sự trình diễn, tài năng thực... của chính họ.

Điều ấy, ta phải chấp nhận, vì xã hội bây giờ có những quan niệm khác, những nhu cầu khác, những kỳ vọng và cả những ảo vọng, những kiểu “thần tượng hóa” khác với ngày xưa.

Tôi mới đọc bài phỏng vấn nhạc sĩ Dương Thụ - một người rất nổi tiếng trong làng ca nhạc Việt đương đại - ông nói: “Hiện nay cái sự nổi tiếng ở ta nó hão huyền lắm. Nhiều khi nổi tiếng chỉ nhờ dư luận lặp đi lặp lại ba cái chuyện giật gân phù phiếm, chứ chẳng phải tài năng hay cống hiến đặc biệt gì”. Đúng là như thế, nhưng sẽ công bằng hơn nếu nói thêm: có nhiều sự nổi tiếng, nhiều lĩnh vực để người ta nổi tiếng, và chúng rất khác nhau, thậm chí không thể so sánh với nhau. Một nhà toán học hay nhà thơ, một nhạc sĩ chuyên sáng tác khí nhạc nổi tiếng, lẽ dĩ nhiên sẽ khác với những người nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí hay truyền thông, những ca sĩ nhạc thời trang, những nhạc sĩ của những dòng nhạc “thị trường”. Đừng so sánh cái nổi tiếng nào hơn, thực chất hơn, hay được “bầu chọn” nhiều hơn, vì đơn giản là chúng không có những tiêu chí chung để so sánh.

Và cũng không nên so sánh. Người nổi tiếng ở lĩnh vực giải trí hay truyền thông cũng chẳng có gì phải mặc cảm với người nổi tiếng ở những lĩnh vực “bác học”, và ngược lại, một nhà toán học như Ngô Bảo Châu thì cũng không bao giờ băn khoăn về sự “quảng bá” tên tuổi mình để được biết tới một cách rộng rãi nhất, “pop” nhất.

Sinh thời, Albert Einstein từng nói “Thuyết tương đối” của ông họa may chỉ được dăm bảy người đương thời hiểu và chia sẻ, trong khi một ca sĩ nhạc sĩ như Michael Jackson được hàng triệu người trên thế giới biết đến. Cả hai, Einstein và Jackson đều là thiên tài, và đều là người nổi tiếng. Họ nổi tiếng một cách thực chất.

Chỉ có lĩnh vực để nổi tiếng và phương cách để nổi tiếng là khác nhau. Trở lại với người nổi tiếng ở Việt Nam. Đúng là lâu nay ở ta hơi bị lạm phát nhiều ngôn từ, trong đó có từ “ngôi sao” hay “sao”. Người ta, nhất là những người làm truyền thông, thường vô tư và dễ dãi gán từ “sao” cho những người mà như nhạc sĩ Dương Thụ nói, hơi bị “hão huyền” trong sự nghiệp, hoặc sự nghiệp chưa đạt tới mức như sự phong tặng, dù là phong tặng... mồm, hay trên báo chí, tivi, nhất là trên tivi. Có cảm giác nhiều khi người dẫn chương trình hay biên tập viên truyền hình phong “sao” cho đối tượng mình giới thiệu một cách dễ dàng quá, mau mắn quá, và cũng... hời hợt quá.

Cứ như nói xong là thôi, nghe qua rồi bỏ. Nhưng ở ta, quả thật có rất nhiều người bình thường thật thà “tin vào tivi”. Với họ, không có chuyện “nói dzậy mà không phải dzậy”, không phải chuyện chơi! Không thể trách người xem hay người nghe vì ngây thơ được các phương tiện nghe-nhìn dẫn dắt đã vui vẻ gọi tất cả những người tương đối được biết đến là “sao”. Và cũng đừng trách những người thành “sao” một cách hơi dễ dàng ngộ nhận mình là “sao” thứ thiệt. Và tìm mọi cách để mình nổi tiếng thêm, kể cả những cách không mấy hay ho như gây “xì-căng-đan” nhằm thu hút sự chú ý.

Trong xã hội hiện đại, hào quang của sự nổi tiếng là vô cùng hấp dẫn với nhiều người. Sự nổi tiếng cũng mang lại, không chỉ sự ngưỡng mộ về mặt tinh thần, mà còn là rất nhiều lợi ích vật chất kèm theo. Không hấp dẫn sao được! Không mê man sao được! Nhưng sự tỉnh táo bao giờ cũng cần thiết trong nhiều thứ, nhất là trong một thế giới khó tỉnh táo như thế giới của sự nổi tiếng này. Bây giờ, ta lại thường nghe những lời ca thán cố tình của những người nổi tiếng: “Nổi tiếng khổ quá!” hay “Tôi phải mang gánh nặng của sự nổi tiếng như vác cây thập giá…”(!?).

Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng bảo đảm những người phát biểu như thế sẽ càng... nổi tiếng hơn. Vì thế họ rất sẵn sàng ca thán về sự nổi tiếng của mình, kể cả nổi tiếng một cách hơi “mì ăn liền”. Khuyên những người ấy về sự bình tĩnh sẽ là lời khuyên ít được chấp nhận. Nhưng dù sao, vẫn xin được chia sẻ với những người nổi tiếng ở ta lời khuyên này: Xin bình tĩnh! Và hết sức  kiềm chế!

Chuẩn của sao

* Trước tiên là chỉ số Q (Q score) do công ty Marketing Evaluations, Inc của Mỹ phát triển năm 1963 có trụ sở đặt tại New York. Theo chỉ số này các sao được phân hạng theo tỷ lệ ưa thích của dân chúng mà MEI thống kê khảo sát được trên mức 100% dân số với thang điểm 1.000 để cho ra các thứ hạng A (nhiều người ưa thích) dần hạ xuống theo mức B,C,D,E và cuối cùng là F.

* Có một ngôi sao đá gắn trên Đại lộ danh vọng Hollywood. Mỗi năm có chừng 200 ứng viên được bình bầu. 10% trong số họ sẽ có ngôi sao và là sao thực sự.

* Hollywood còn dùng chuẩn Ulmer Scale, một phương pháp 100 điểm để định giá trị sao màn bạc từng năm. Theo chuẩn này, các sao được chấm dựa vào tính chuyên nghiệp, đa dạng vai diễn, khả năng thích ứng, ảnh hưởng trên doanh thu và có sức cổ động cho tác phẩm điện ảnh mà người đó tham gia. Từ đó phân ra hạng A: được ái mộ và có sức hút xã hội; hạng B: sao vụt nổi chớp nhoáng gây xôn xao giới truyền thông; hạng C: những cái tên xuất hiện đều đặn ở làng giải trí; và D là các khuôn mặt gây ấn tượng ở game show hay truyền hình thực tế.

* Thu nhập, lượng đĩa bán ra, cát-sê mỗi phim, tần số xuất hiện ở sân khấu Broadway, trên bìa các tạp chí giải trí nổi tiếng như OK, Hello, Bazaar... và lượng các paparazzi săn đuổi cũng là những chuẩn bất thành văn để được gọi là sao hiện nay. Về cát-sê, mỗi phim của họ phải nằm trong khoảng 10 đến 30 triệu USD. Ra thị trường âm nhạc, là sao chí ít phải có đĩa vàng. _La Nghi

Một cách chặn thói háo danh

Tại nước Mỹ, những người nổi tiếng “khó sống” hơn người bình thường, không phải chỉ vì họ bị công chúng làm phiền hà mà còn bị luật pháp thẳng tay “phân biệt đối xử”.

Một người bình thường ở Mỹ nếu bị báo chí phê phán, người đó có thể kiện báo chí, nếu chứng minh được sự phê phán đó là sai sự thật thì sẽ thắng kiện, cơ quan báo chí phải bồi thường. Nhưng đối với người nổi tiếng thì việc kiện cáo không hề đơn giản. Từ một vụ án lịch sử - vụ New York Times kiện Sullivan năm 1964, Tối cao pháp viện đã ra một phán quyết và phán quyết đó trở thành một án lệ mở rộng: Khi một người nổi tiếng bị báo chí phê phán, nếu người đó kiện báo chí và chứng minh là sự phê phán đó sai sự thật, cũng không đủ để thắng kiện. Muốn thắng kiện, ngoài việc chứng minh nội dung phê phán đó là sai sự thật, người nổi tiếng còn phải chứng minh rằng những người đưa tin sai sự thật này “có ác ý”.

Cần biết, tại Mỹ, phán quyết của Tối cao pháp viện có giá trị như một điều luật, thậm chí nó có giá trị ngang với một điều khoản trong Hiến pháp. Việc áp dụng án lệ này có tác dụng ngăn chặn thói háo danh.

Người nổi tiếng & những bức thư

Những người nổi tiếng thường nhận được nhiều thư từ người hâm mộ. Tùy lĩnh vực chuyên môn mà người này có số lượng người hâm mộ nhiều hơn người kia, cho nên số lượng thư từ không phải là thước đo giá trị của sự nổi tiếng. Một nhà toán học có ít công chúng hơn nhiều so với một ngôi sao nhạc rock, một họa sĩ bao giờ cũng nhận được ít thư hơn là một diễn viên…

Tôi không biết những người nổi tiếng “sống” như thế nào với những bức thư, có lẽ mỗi người mỗi cách. Nhưng tôi đã chứng kiến hai trường hợp:

Có lần xem truyền hình, nghe một người dẫn chương trình khá nổi tiếng nói về mình, anh ta khoe thư từ khán giả gửi về cho anh ta nhiều đến mức phải bỏ vào những bao tải, đưa xuống gầm giường chứ không thể đọc được.

Trong khi nhà báo Trường Phước, một ngôi sao truyền hình thực sự, sinh thời trong một lần trả lời phỏng vấn, khi phóng viên hỏi anh có nhận được nhiều thư khán giả không, anh bảo anh nhận được không nhiều, mỗi tuần có dăm bảy bức, anh đọc rất kỹ và nâng niu từng bức thư. Đối với anh mỗi bức thư là một tấm lòng, nó giúp anh vượt qua nhiều nỗi cam go trong cuộc sống.

Chuyện đã diễn ra nhiều năm rồi nhưng mỗi lần nghĩ đến người dẫn chương trình nổi tiếng kia tôi vẫn còn thấy choáng. Còn nghĩ đến anh Trường Phước thì thấy lòng dịu lại.

Hoàng Nam

Ý kiến...

Ở tuổi này rồi, tôi không còn trẻ để nghĩ đến hào quang nữa. Tôi cũng
Đỗ Trung Quân (nhà thơ)
không nghĩ mình là "người nổi tiếng". 30 năm viết lách, cái được lớn nhất của tôi là có nhiều tác phẩm được độc giả nhớ và yêu thích. Thỉnh thoảng ra đường có người nhận ra mình, cũng vui. Nhưng khó khăn nhất đối với cầm bút là phải sáng tạo không ngừng. Những tác phẩm sau của tôi thường mất nhiều thời gian hơn tác phẩm trước, vì độc giả sẽ yêu cầu cao hơn, tôi phải lao động và sáng tạo nhiều hơn. Tôi chưa thấy mình mất gì, chỉ sợ một ngày nào đó bị mất khả năng sáng tạo, độc giả không còn thấy bất ngờ với tác phẩm của mình nữa.

Ngọc Giàu (NSƯT)
Trong cuộc sống không có gì là tuyệt đối nên tôi không quan trọng chuyện được gì mất gì, mà chỉ cần mình sống được với nghề bằng sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề và cái duyên với nghệ thuật mà tổ nghiệp đã trao. Được khán giả nhớ tới đã là hạnh phúc. Để có ngày hôm nay, hơn 50 năm qua tôi đã phải khổ luyện rất nhiều. Thích làm người nổi tiếng thì phải biết chấp nhận.

Khi chọn con đường nghệ thuật, tôi không nghĩ mình sẽ được gì mất gì
Linh Nga (nghệ sĩ múa)
mà chỉ biết đó là đam mê không thể từ bỏ. Có người cho rằng múa là nghề gian khổ, vậy xiếc còn gian khổ hơn gấp ngàn lần thì sao? Nên tôi không thấy mình "mất" gì khi chọn nghệ thuật mà chỉ thấy "được". Được khán giả yêu mến, được theo nghề mình thích, các lời mời – show diễn đến với mình ngày càng nhiều... Nhưng như thế chưa đủ để gọi là ngôi sao. Tôi cần thêm nhiều năm phấn đấu nữa.

Đàm Vĩnh Hưng (ca sĩ)
Nghề hát đem lại cho Hưng rất nhiều thứ, tình thương của khán giả, sự vinh quang, tiền bạc và cả địa vị xã hội. Nhưng tất cả đều không tự nhiên mà có. Bạn thấy đó, Hưng đã hy sinh cả một khoảng trời tuổi trẻ chỉ để hát, hát và hát. Rất nhiều mồ hôi và nước mắt đổ xuống. Mất luôn cả cái hạnh phúc bình thường là được ở bên gia đình những ngày lễ Tết. Chưa kể bao nhiêu "bầm giập" khác, không "lì" thì không trụ nổi. Khi bạn dám hy sinh tất cả chỉ vì nghệ thuật, khi đó hãy mơ tưởng đến chuyện ngôi sao!

Trước đây, Trang chỉ có mơ ước làm
Đoan Trang (ca sĩ )
cô giáo, chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành ca sĩ như bây giờ. Nhìn lại sau 10 năm ca hát, Trang thấy mình được nhiều hơn mất. Nghệ thuật làm Trang mạnh mẽ và tự tin hơn. Mình được mọi người quan tâm, chờ đợi, cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa chứ không phí hoài. Cái mất, nếu có thì chỉ là bị mất chút tự do, thời gian dành cho cuộc sống riêng tư bị thu hẹp tối đa. Đối với Trang, danh hiệu ngôi sao phải để cho khán giả đánh giá thì sẽ khách quan nhất, chứ chặng đường trước mắt của Trang còn dài lắm, chưa dám tự khẳng định điều gì.

Đình Phi - Kim Anh (ghi)

Thanh Thảo

Bạn đọc có góp ý, phản hồi về nội dung trên, xin gửi về địa chỉ: vanhoanghethuat@thanhnien.com.vn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.