Bình chọn sản phẩm để nhận 30.000 đồng, bị lừa đảo 630 triệu đồng

13/06/2023 19:46 GMT+7

Bị dụ dỗ tham gia bình chọn sản phẩm thời trang để nhận tiền lì xì 30.000 đồng, 1 phụ nữ ở Tây Ninh bị lừa đảo 630 triệu đồng.

Ngày 13.6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh cho biết vừa tiếp nhận trình báo về vụ lừa đảo trên không gian mạng. Thủ đoạn lừa đảo online "tặng quà tri ân" đã bị cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có thêm nạn nhân sập bẫy.

Tây Ninh: Tham gia bình chọn sản phẩm, mất trắng 630 triệu đồng   - Ảnh 1.

Nạn nhân đến trình báo bị sập bẫy, lừa đảo qua mạng

NGỌC HÀ

Nhận lì xì 30.000 đồng, mất ... 630 triệu đồng !

Theo trình bày của chị N.T.T.T. (ngụ TP.Tây Ninh), chị là khách hàng của nhiều thương hiệu thời trang uy tín nên khi có người gọi điện tự xưng hãng thời trang G. đề nghị tham gia chương trình tri ân khách hàng, chị không mấy nghi ngờ.

"Họ xưng là nhân viên cửa hàng G., giới thiệu đang có chương trình tri ân 500 khách hàng, bao gồm tặng 2 bộ quần áo miễn phí và lì xì 30.000 đồng. Đồng thời xin số điện thoại để kết bạn Zalo, tạo nhóm trên mạng xã hội Telegram nhằm liên hệ với nhân viên đại lý của G. để nhận quà. Sau đó, tôi được hướng dẫn chọn mẫu sản phẩm (tặng miễn phí) và cung cấp số tài khoản để họ chuyển khoản 30.000 đồng lì xì", chị T. trình bày.

Tiếp đó, chị T. được đưa vào nhóm Telegram (gồm 23 thành viên), tham gia đánh giá sản phẩm của G. để nhận lì xì. "Họ đưa ra quy định, mỗi người chỉ được đánh giá 4 sản phẩm. Nếu muốn tham gia thì phải chuyển khoản số tiền tương ứng với sản phẩm đánh giá. Toàn bộ số tiền chuyển khoản tham gia sẽ được Công ty G. hoàn trả lại đầy đủ cộng với tiền lì xì ngay sau đó. Ban đầu, tôi cũng nghi ngờ nhưng khi hỏi thăm những người chung nhóm Telegram thì đều được cho biết, họ đã được công ty tất toán tiền gốc và nhận tiền lì xì nhiều lần", chị T. trình bày thêm.

Tây Ninh: Tham gia bình chọn sản phẩm, mất trắng 630 triệu đồng   - Ảnh 2.

Nghi can lừa đảo hướng dẫn chị T. thực hiện thao tác đánh giá sản phẩm

NGỌC HÀ

Không mấy nghi ngờ, chị T. chuyển khoản 100 triệu đồng để đánh giá 4 sản phẩm với hy vọng nhận được lì xì với số tiền trên 4 triệu đồng. "Lúc này, tôi nói muốn nhận lại số tiền gốc và tiền lì xì, thì đối tượng hướng dẫn tôi phải chuyển khoản thêm tiền thì mới giải ngân được. Chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, tôi liên tiếp chuyển khoản thêm 530 triệu đồng theo sự hướng dẫn. Do vẫn không nhận được tiền, tôi nghi ngờ nên điện thoại đến Công ty G. hỏi thăm thì mới biết mình bị lừa đảo", chị T. nói.

Đã cảnh báo rất nhiều lần

Trung tá Huỳnh Văn Sửu, Đội trưởng Đội chuyên đề nghiệp vụ cơ bản (thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh) cho biết, những phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng đã được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, cũng như lực lượng chức năng cảnh báo trên mạng xã hội rất nhiều lần để người dân chủ động phòng ngừa.

"Chúng ta không nên truy cập vào những đường link lạ trên mạng bởi vì nguy cơ bị rò rỉ thông tin để chiếm đoạt tài sản rất lớn. Tuyệt đối không nghe theo những lời dụ dỗ trên mạng, trên điện thoại di động; không nghe những người tự xưng các cơ quan chức năng mời làm việc, thông báo liên quan đến các vụ án để yêu cầu chuyển tiền, đó là các dấu hiệu, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo. Ngoài ra, không cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho người lạ vì dễ bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo", trung tá Sửu khuyến cáo

Khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ bị lừa đảo thì nhanh chóng đến cơ quan công an gần nhất để trình báo, để tránh bị thiệt hại.

Ngoài trường hợp trên, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh còn nhận được trình báo của chị L.T.H (ngụ H.Châu Thành) bị lừa đảo 154 triệu đồng. Theo trình báo, chị H. có con gái đang định cư tại Úc. Cách đây vài ngày, con gái điện thoại qua Zalo kêu chị H. gửi sang 10.000 đô la Úc để mua xe đi làm.

Trong lúc trao đổi về việc chuyển khoản tiền sang Úc, chị T. làm theo nội dung tin nhắn trên Facebook, ra ngân hàng chuyển khoản số tiền mà con gái yêu cầu (154 triệu đồng). Đến khi gọi điện hỏi lại thì phát hiện thì số tiền đã mất. Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh, trường hợp của chị H. có thể đã tội phạm lừa đảo hack Facebook, chiếm quyền sử dụng. Do đó, người dân phải đề cao cảnh giác nên xác thực lại thông tin bằng cách gọi điện thoại (không nên gọi trên Facebook vì cũng bị lừa) để hỏi lại cho chính xác trước khi chuyển tiền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.