Năm 2009, sẽ bỏ một trong hai kỳ thi: tốt nghiệp THPT hoặc đại học

16/12/2005 21:45 GMT+7

Sáng 16/12, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức cuộc họp báo cáo kết quả làm việc giữa GS Archie Lapointe - chuyên viên cao cấp Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) và Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Nội dung cuộc họp này xoay quanh các vấn đề về cuộc thi trắc nghiệm khách quan môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm 2006.

Cho đến thời điểm này, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD đã tiến hành các cuộc thi thử trắc nghiệm khách quan đối với môn ngoại ngữ tại 14 tỉnh thành trong cả nước, trong đó có TP Hải Phòng và tỉnh Nghệ An triển khai thi trên quy mô toàn địa bàn. Ninh Bình là địa phương cuối cùng cũng tiến hành thi toàn tỉnh vào ngày 19/12, với 11.125 học sinh dự thi. Theo nhận xét sơ bộ của ông Nguyễn An Ninh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, các địa phương thực hiện thi thử trắc nghiệm  triển khai đúng yêu cầu của Bộ. Giáo viên và học sinh được phổ biến và tập huấn đầy đủ. Các hội đồng thi thực hiện đúng quy trình hướng dẫn. Không có sự cố, không có sai sót đáng kể. Học sinh nắm vấn đề nhanh, phần lớn làm đúng yêu cầu bài thi. Qua thống kê đã xác định được yêu cầu về thời gian và độ khó của đề thi chính thức. Ông Ninh cũng cho biết, các cuộc thi thử đã chứng minh được tính hiệu quả của thi trắc nghiệm khách quan là không có trường hợp nào quay cóp bài của nhau. Có một số chi tiết phải điều chỉnh so với dự kiến ban đầu, ví dụ, ban đầu dự kiến thời gian làm bài của học sinh 45 phút, nhưng sẽ kéo dài

Lịch thi thử trắc nghiệm môn ngoại ngữ đối với học sinh lớp 12 trên toàn quốc vào ngày 14/1/2006:

Từ 14 giờ đến 14 giờ 20: Thí sinh vào phòng thi, phát phiếu trả lời trắc nghiệm, học sinh điền vào các mục từ 1 đến 9 trên phiếu TLTN.

Từ 14 giờ 20 đến 14 giờ 30: Kiểm tra niêm phong túi đề thi, mở túi đề thi, phát đề cho thí sinh, thí sinh kiểm tra đề và ghi mã đề thi

14 giờ 30: Bắt đầu làm bài

14 giờ 45: Thu đề thi và phiếu TLTN còn dư tại phòng

15 giờ 30: Hết giờ làm bài thi.

60 phút. 

"Nhiệm vụ" quan trọng của GS Archie Lapointe trong chuyến làm việc 5 ngày tại Việt Nam lần này là tư vấn cho Cục Khảo thí quy trình tổ chức thi trắc nghiệm có làm đúng theo quy trình chuẩn không. Trả lời phỏng vấn Thanh Niên chiều ngày 15/12, GS Archie cho biết ông rất ngạc nhiên về vốn kinh nghiệm thi trắc nghiệm của TS Nguyễn An Ninh. "Tôi đã đọc tất cả các quy trình thi trắc nghiệm mà Cục Khảo thí và Kiểm định đang thực hiện. Tôi đã kiểm tra các quy trình này và thấy rằng các quy trình đó đã đạt được trình độ cao như ETS đã từng làm trong 50 năm qua. Cách duy nhất để đánh giá chính xác bài thi trắc nghiệm khách quan là phải làm test kiểm tra thử trên quy mô rộng. Việc này Cục Khảo thí đã và đang thực hiện, điều này cho phép đánh giá mức độ chính xác và mức độ khó, dễ của các câu hỏi. Các tài liệu của Cục Khảo thí cũng nêu chi tiết và chính xác các quy trình cần phải được tuân thủ để có thể bảo mật nội dung của các bài thi và độ chính xác trong bài làm của thí sinh" - GS Archie nói.

Ông Nguyễn An Ninh cho biết: theo lộ trình, ngày 14/1/2006 Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thi thử trắc nghiệm môn ngoại ngữ (gồm Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung) đối với học sinh lớp 12 trên toàn quốc nhằm tập dượt cho học sinh và các trường trước khi bước vào kỳ thi chính thức vào tháng 6, tháng 7 năm 2006. Điểm của kỳ thi thử không tính vào kết quả học tập của học sinh. Tiếp theo, sẽ tiến hành thi trắc nghiệm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh vật năm 2007. Các môn còn lại như Lịch sử, Địa Lý, Toán sẽ thi trắc nghiệm năm 2008. Riêng môn Văn dự kiến sẽ kết hợp cả hai hình thức thi trắc nghiệm và thi tự luận. Cụ thể: Phần ngôn ngữ sẽ thi trắc nghiệm, các bài phân tích văn chương sẽ thi tự luận. Dự kiến năm 2009 sẽ bớt 1 trong 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học như hiện nay, chỉ duy trì một kỳ thi trắc nghiệm để lấy điểm xét vào đại học. Tuy nhiên, vấn đề đang làm Bộ GD-ĐT băn khoăn là một kỳ thi liệu có đánh giá được chính xác năng lực học tập của học sinh không vì 2 mục đích thi khác nhau. Và thi đại học là thi vào nhiều ngành nghề khác nhau...

Đây cũng là vấn đề được Bộ GD-ĐT đưa ra nhờ sự tư vấn của GS Archie. GS Archie cho rằng: "Câu hỏi liệu một kỳ thi có thể phục vụ 2 mục đích không, đối với Việt Nam câu trả lời là có. Bài thi tốt nghiệp PTTH ở Việt Nam là công cụ đo lường kết quả của học sinh, tức là kết quả học tập trong nhà trường. Do đó, công cụ này là cơ sở dự đoán thành công trong tương lai phù hợp ở các trường đại học của Việt Nam". Có vẻ như trong cuộc họp này, câu hỏi về việc tổ chức một kỳ thi "2 trong 1" chỉ nhằm mục đích “xới xáo" cho dư luận biết... dần, bởi giữa việc nói (như nhận xét của GS Archie) và việc làm (trong thực tế hoàn cảnh Việt Nam) là một khoảng cách, nếu như không nói khoảng cách ấy rất xa.

Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.