Bất ngờ Dấu ấn giao thời

25/12/2007 00:31 GMT+7

Liên hoan Sân khấu dành cho đạo diễn trẻ đang diễn ra tại TP.HCM chợt xuất hiện một vở cải lương đem lại bất ngờ cho khán giả. Đó là vở Dấu ấn giao thời của Nhà hát cải lương Việt Nam. Trong lúc nhiều đạo diễn khác dàn dựng kịch nói dễ có ưu thế về đề tài, tiết tấu, âm nhạc, cảnh trí hiện đại, dễ phả vào đó sắc màu tươi trẻ hơn, thì đạo diễn Triệu Trung Kiên lại chọn cải lương, mà lại là cải lương lịch sử, làm sao khỏi bị ràng buộc trong áo mão cân đai, trong trình thức, vũ đạo. Thế nhưng, khán phòng đã im phăng phắc dõi theo vở diễn, không cần giải lao, và chen vào đó là những tràng pháo tay liên tiếp.

Cải lương đất Bắc sao mà tuyệt vời đến vậy! Những giọng ca cũng "mùi" như ai, còn diễn xuất thì chỉn chu, chuẩn mực. Lâu lắm rồi mới được xem một vở cải lương như thế, không lai căng, pha tạp, nhưng cũng không khô khan, nặng nề. Tiết tấu nhanh, thể hiện được cái bi kịch hoàng cung đang hồi gay cấn, và thiết kế hoành tráng mà vẫn gọn nhẹ, thoát khỏi lối "bục bệ" quá nhàm chán hiện nay, rất phù hợp cho việc thể hiện những số phận mong manh của những con người cuối triều Lý suy tàn, từ Lý Huệ Tông cho tới Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ, Hoàng Thái hậu.

Đó là cái trẻ và đẹp mà đạo diễn Triệu Trung Kiên đem tới liên hoan. Từng nhân vật được anh khắc họa không sai chính sử nhưng lý giải nhân văn hơn, tâm lý hơn. Nhiều câu ca, lời thoại rất đẹp và sang trọng, giải oan cho cải lương hai chữ "quê mùa". Xem suốt vở diễn, cứ bồi hồi về thân phận con người giữa thời tao loạn và gánh nặng giang san. Bức tranh lịch sử hiện ra thật gần gũi, nhân hậu, là bài học thật sinh động và cảm động.

Muốn nói một lời cảm ơn những nghệ sĩ, và cũng muốn nói một lời... trách những nhà quản lý tại sao không đem lịch sử tới cho lớp trẻ bằng con đường như thế này? Ngay trong liên hoan, khán phòng còn trống rất nhiều chỗ, mà dường như sinh viên không mấy ai được vé vào xem.       

H.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.