Bóng chuyền nữ Việt Nam tiến ra biển lớn

Hoàng Quỳnh
Hoàng Quỳnh
27/06/2023 05:08 GMT+7

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam rất bận rộn từ nay đến cuối năm 2023, trong đó thử thách lớn nhất là Cúp bóng chuyền Challenge thế giới tại Pháp vào tháng 7 và Cúp bóng chuyền các CLB nữ thế giới tại Trung Quốc vào tháng 12.


NGUY CƠ QUÁ TẢI

Sau khi đánh bại đội Indonesia 3-2 để lên ngôi vô địch Cúp bóng chuyền Challenge châu Á cùng tấm vé tham dự Cúp Challenge thế giới, hôm qua (26.6), thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt lên đường về nước. Các tuyển thủ chỉ được nghỉ ngơi vài ngày trước khi hội quân trở lại tại Quảng Ninh nhằm chuẩn bị cho Cúp bóng chuyền Challenge thế giới vào tháng 7 tại Pháp.

Bóng chuyền nữ Việt Nam tiến ra biển lớn
 - Ảnh 1.

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam chuẩn bị tranh tài ở nhiều giải đấu đẳng cấp

VIỆT TRÍ

"Nhiều giải đấu quá, thở không kịp", HLV Nguyễn Tuấn Kiệt nói đùa, nhưng đó là sự thật bởi từ đầu năm 2023 đến nay đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thi đấu liên tục, từ giải các CLB nữ châu Á (cuối tháng 4), SEA Games 32 (tháng 5) đến Cúp bóng chuyền Challenge châu Á vừa qua và chỉ còn 1 tháng nữa là bước vào tranh tài ở Cúp bóng chuyền Challenge thế giới. Đội trưởng Trần Thị Thanh Thúy có mật độ thi đấu quá dày, bởi trước khi về nước khoác áo đội tuyển nữ Việt Nam, cô còn thi đấu liên tục tại giải vô địch Nhật Bản, trong màu áo CLB PFU BlueCats.

Từ nay đến cuối năm 2023, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam còn tham dự rất nhiều giải như VTV Cup (tháng 8), 4 đội mạnh Đông Nam Á (tháng 8), ASIAD (tháng 9), vô địch châu Á (tháng 9), Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á (tháng 10), Cúp các CLB nữ thế giới (tháng 12). Chưa kể các tuyển thủ còn phải trở về thi đấu cho CLB ở các giải đấu trong nước, vì thế nguy cơ quá tải rất cao khiến các HLV không khỏi lo lắng.

Tính toán lực lượng phù hợp

Hôm qua, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường cho biết nhằm tránh nguy cơ quá tải cho các tuyển thủ và hài hòa các mục tiêu, BHL đội tuyển Việt Nam cùng liên đoàn đã tính toán phân bổ lực lượng phù hợp. Theo đó, ở các giải trọng tâm như ASIAD 19 (tháng 9 tại Hàng Châu, Trung Quốc) sẽ tham dự với lực lượng mạnh nhất, các giải quốc tế còn lại, trong đó có Cúp bóng chuyền Challenge thế giới, Cúp bóng chuyền các CLB nữ thế giới, sẽ có điều chỉnh lực lượng, trao cơ hội nhiều hơn cho các tuyển thủ trẻ để cọ xát, trui rèn bản lĩnh, kinh nghiệm trận mạc nhằm hướng đến những mùa giải tiếp theo.

Chạm trán các đội mạnh tại Pháp

Cúp bóng chuyền Challenge thế giới 2023 diễn ra tại Pháp từ ngày 27 - 30.7 với sự góp mặt của 8 đội, trong đó đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu góp mặt. Hiện đã xác định được 5 đội giành quyền tham dự giải đấu này là Puerto Rico (hạng 16 thế giới), Colombia (hạng 19 thế giới), Pháp (hạng 21 thế giới), Kenya (hạng 30 thế giới) và đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam (hạng 49 thế giới). Đội vô địch sẽ giành quyền tham dự Nations League là giải đấu cấp độ đội tuyển hấp dẫn nhất của Liên đoàn Bóng chuyền thế giới (FIVB).

Một trong những khó khăn lớn mà bóng chuyền Việt Nam vấp phải là vấn đề kinh phí để tham dự các giải quốc tế. Đơn cử, chi phí di chuyển cho đội đến Pháp tham dự Cúp bóng chuyền Challenge thế giới vào tháng 7 tới sẽ rất tốn kém. Với lịch trình thi đấu quốc tế dày cùng các giải đấu phát sinh khiến kinh phí phát sinh và ban tài chính của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam lại phải "đau đầu" xoay xở. "Hy vọng thành công của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vừa qua sẽ giúp bóng chuyền nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ xã hội và có thêm các nhà trợ để có thêm kinh phí lo cho đội tuyển tập huấn, dinh dưỡng, thi đấu quốc tế nhằm nâng cao trình độ", ông Lê Trí Trường chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.