Cuộc đời kỳ lạ của một người Mỹ ở Trung Quốc

03/12/2006 22:19 GMT+7

Ở tuổi 80, Sidney Rittenberg vẫn đi về giữa Bắc Kinh và Seattle với tư cách là nhà tư vấn kinh doanh bận rộn, như rất nhiều đồng nghiệp khác đổ xô về làm ăn tại đất nước Trung Hoa thời mở cửa. Nhưng khác với ông, chẳng ai trong số họ có thể nói mình đã từng chơi bài với Mao Trạch Đông và Chu n Lai trong Chiến khu Diên An, hay từng viết xã luận trên trang nhất Nhân dân nhật báo thời "Cách mạng văn hóa"...

Trong cuốn hồi ký nhan đề Người ở lại phía sau (được đăng dài kỳ trên tờ Thượng Hải hối báo), Rittenberg đã kể lại cuộc đời kỳ lạ của mình. Sinh ra trong một gia đình luật sư gốc Do Thái, chàng trai Sidney có tư tưởng cấp tiến từ sớm. Từ chối một học bổng đại học toàn phần của Trường Princeton danh giá, Sidney gia nhập đảng Cộng sản Mỹ khi đang học khoa Triết tại trường ĐH của tiểu bang Nam Carolina. Năm 1942, Mỹ tham gia Thế chiến II, Rittenberg gia nhập quân đội. Anh được cử đi học tiếng Nhật để phục vụ cho mặt trận Viễn Đông, nhưng xin chuyển sang học tiếng Trung, rồi được điều sang Trung Quốc năm 1944.

Thế chiến II kết thúc, được sự giúp đỡ của bà Tống Khánh Linh - vợ góa Chủ tịch Tôn Trung Sơn, Rittenberg quyết định ở lại làm việc cho chương trình cứu trợ của LHQ mà không về nước. Chính công việc này đã dẫn anh tới quen biết những người cộng sản Trung Quốc ở Diên An.

Điều khiến anh ngạc nhiên nhất không phải là điều kiện sinh hoạt cực kỳ khó khăn ở chiến khu, mà là quan hệ bình đẳng và thân ái giữa hàng ngũ lãnh đạo và các chiến sĩ. Lớn lên ở một nước Mỹ vào thời kỳ mà anh kể là "chưa một người da trắng nào ở Nam Carolina từng bị kết án vì giết chết hay hãm hiếp người da đen - họ không được coi là người", Rittenberg bị ấn tượng mạnh. "Tôi cảm thấy một thế giới như thế không thể nào chấp nhận được. Khi đến Trung Quốc, tôi nghĩ mình đã có câu trả lời...". Có lẽ đó là lý do khiến anh gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ở Diên An, Rittenberg làm việc ở đài phát thanh của quân giải phóng, đồng thời là người phiên dịch tiếng Anh cho Mao Trạch Đông. Đã có thời điểm nhà lãnh đạo này muốn đặt quan hệ thân thiện với Mỹ, hai bức điện "hòa giải" của Mao được Rittenberg dịch và gửi tới tổng thống Mỹ nhưng không được Washington đáp lại. Theo Rittenberg, nếu người Mỹ khi đó thức thời hơn, họ đã tránh được hai cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam.


Sidney Rittenberg ngày nay

Nhưng rồi đúng vào năm những người cộng sản giành quyền kiểm soát đất nước (1949), Rittenberg bị bắt giam vì bị tình nghi là gián điệp trong một lưới tình báo quốc tế bị phát giác ra ở Liên Xô. Đến năm 1955, Rittenberg mới được minh oan và trở lại công tác tại Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc.

Đến thời kỳ nổ ra "Cách mạng văn hóa", Rittenberg trở thành người đứng đầu một nhóm cực tả có đến 70 thành viên. Rittenberg tham gia tích cực vào các cuộc đấu đá ở Đại học Thanh Hoa, tấn công cả sinh viên nước ngoài. Cơn gió chính trị xoay chiều: năm 1968, đến lượt chính Rittenberg bị kết tội là "gián điệp quốc tế" và bị bắt. Rittenberg bị cáo buộc liên quan đến "Khruschev của Trung Quốc" là Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ. Vương Ngọc Lâm, vợ của Rittenberg cũng bị đưa đi cải tạo.  

Vào giai đoạn cuối của "Cách mạng văn hóa", hầu hết phạm nhân nước ngoài được trả tự do, trừ Rittenberg. Trong một buổi chiêu đãi ở Đại lễ đường Nhân dân năm 1973, Thủ tướng Chu n Lai phát biểu xin lỗi những người nước ngoài bị xử lý oan sai, nhưng vẫn khẳng định Rittenberg là phần tử phản cách mạng. Một buổi sáng trong trại giam, Rittenberg chợt nghe thấy tiếng Giang Thanh  -  thủ lĩnh tối cao của "Cách mạng văn hóa". "Tôi nghe tiếng bà ta và rất vui mừng. Tôi biết rằng nếu bà ta vào tù thì tôi sẽ sớm được ra" - ông nhớ lại. Tháng 11.1977, Sidney Rittenberg được thả và phục hồi danh dự. 3 năm sau, ông hồi hương về Mỹ, nhưng vẫn không ngừng quan tâm và đóng góp cho đất nước đã làm ông hạnh phúc và đau khổ.

Trường Khanh
(CSM, Wikipedia)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.