Cứu ai?

05/06/2012 03:33 GMT+7

Cứu doanh nghiệp (DN) hay cứu ngân hàng, đó là câu hỏi của nhiều người trước đề xuất thành lập công ty mua bán nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tất nhiên, mục đích công khai của việc này là cứu DN. Bởi nợ xấu, được xác định là nguyên nhân gây tắc nghẽn dòng vốn chảy từ hệ thống NH tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Minh chứng rõ ràng là cung có (NH đang ứ vốn, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm vẫn âm), cầu có (DN khát vốn) nhưng lại không thể gặp nhau vì chưa giải quyết được nợ xấu, các NH không dám cho vay. Nên nếu Chính phủ đứng ra mua lại khoản nợ xấu này, NH lập tức sẽ đẩy mạnh cho vay, DN sẽ tiếp cận được vốn, sản xuất sẽ được kích hoạt, đà giảm phát sẽ được chặn lại... "Nhìn" trực diện thì rõ ràng, việc nhà nước đứng ra mua nợ xấu là tín hiệu rất tốt, rất khả quan và hợp lý để giải quyết "nút thắt" vốn cho nền kinh tế trong thời điểm hiện tại. Nhưng nếu đi sâu vào bản chất vấn đề cũng như hoạt động của hệ thống NH trong suốt thời gian qua sẽ thấy, DN được cứu hay không chưa biết nhưng đối tượng được cứu trước hết, chính là các NH.

Chúng ta đều biết, chiếm tỷ lệ lớn trong nợ xấu của các NH là bất động sản và chứng khoán. Việc chạy đua cho vay vào 2 lĩnh vực nóng này trong những năm trước đã mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các NH. Tuy nhiên, việc sụt giảm mạnh và kéo dài của 2 thị trường này đã kéo theo tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NH tăng cao. Đây là nguyên tắc tất yếu của thị trường, lợi nhuận luôn tỷ  lệ thuận với rủi ro. Các NH đã hốt bạc khi các thị trường này tăng trưởng mạnh thì đến thời điểm hiện tại, họ phải gánh chịu những rủi ro trong hoạt động kinh doanh của mình. Nếu Chính phủ đứng ra "gánh" lấy rủi ro này cho các NH, hay nói thẳng ra là, nếu chúng ta lấy tiền thuế của dân để cứu NH, để họ có thể cho vay kiếm lợi trở lại là điều không thể chấp nhận được. Đó là chưa kể, câu chuyện NH lãi lớn, lãi khủng bất chấp khó khăn của DN, khó khăn của nền kinh tế gây bức xúc trong xã hội lâu nay. Trên tất cả, không ai đảm bảo rằng, khi nợ xấu được "bảo lãnh" mua lại, DN sản xuất kinh doanh có thể tiếp cận được vốn với lãi suất rẻ. Bởi khi cầu còn áp đảo cung, khi NH vẫn chiếm vị trí độc quyền trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế thì việc cho ai vay, cho vay với lãi suất bao nhiêu... vẫn hoàn toàn do họ quyết định.

Nhìn xuyên suốt một thời gian qua, không khó để nhận thấy, chính sách luôn mang lại cơ hội kiếm lợi cho NH. Khi chúng ta siết chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát, các NH ngay lập tức tận dụng chạy đua lãi suất, đẩy lãi vay có thời điểm lên tới 25 -  28% kiếm lợi nhuận, gây xáo trộn, bất ổn trên thị trường tài chính. Trước tình trạng DN kiệt quệ vì không tiếp cận được vốn và vì giá vốn quá cao, để kéo lãi suất xuống, thay vì áp trần cho vay NHNN lại áp trần huy động, một lần nữa tạo cửa cho các NH kiếm lợi. Từ đầu năm tới nay, khi tăng trưởng tín dụng trong hệ thống NH âm, một loạt chính sách đã được đưa ra nhằm giúp các NH đẩy mạnh cho vay trở lại. Khi các chính sách này bị "ngáng đường" bởi nợ xấu, đề xuất thành lập công ty mua bán nợ xấu được đặt ra... Nếu cứ được "cứu" thế này, việc tái cấu trúc hệ thống NH e rằng, khó thực hiện.

Phải khẳng định rằng, cứu DN, khơi thông vốn cho sản xuất là hết sức cần thiết và cấp thiết. Nhưng trước đó ta "cân đo" kỹ lưỡng việc giảm thuế, miễn thuế để hỗ trợ DN thì việc "hào phóng" đề xuất bỏ ra cả 100.000 tỉ đồng để mua nợ xấu NH với mục đích "cứu" DN nghe không thuyết phục.

Nguyên Hằng

>> Bí đầu ra, doanh nghiệp gạo có nguy cơ lỗ nặng
>> Lỗ hổng tập đoàn, tổng công ty: “Bức tranh nợ” rất đáng báo động
>> 500.000 tỉ đồng sẽ được “bơm” vào bất động sản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.