Thư bạn đọc tuần qua

07/11/2005 09:03 GMT+7

Dự án tăng học phí của Bộ Giáo dục – Đào tạo trình Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong tuần qua. Lo lắng là tâm trạng chung của đa số phụ huynh và sinh viên. Chúng tôi xin ghi nhận một số ý kiến tiêu biểu sau của bạn đọc xung quanh nội dung này, như một cách gửi ý kiến phản hồi của người dân đến những người có trách nhiệm và cơ quan chức năng:

Bạn Kim Hòa (thôn lô 13, xã Draybhang, Krongana, Đắk Lắk): “Khi nghe tin mức học phí đại học tăng quá cao, một số gia đình đã có xu hướng không cho con em đi học nữa, một số thành viên lớn trong nhóm sinh viên chúng tôi cũng cảm thấy thất vọng vô cùng. Những mong ước để trở thành giáo viên, kỹ sư, bác sĩ… những ước mơ thay đổi cuộc sống vất vả lao động chân tay đang đứng trước một bức tường lớn. Chẳng lẽ phải bỏ cuộc sao? Tôi xin đại diện các em nói lên tâm tình tha thiết muốn được đi học và theo đuổi ước mơ của mình. Xin giúp chúng tôi”.

Bạn Anh Khoa: “Thử nghĩ xem, lương của công nhân viên chức không quá 1 triệu đồng/tháng. Một gia đình có một người con học đại học bây giời phải đóng học phí đến 900.000đ/tháng, đi đứt cả tháng lương của một người, còn đâu nữa để chi tiêu những việc khác cho gia đình, chưa kể gia đình có đông con và thuộc diện khó khăn. Xã hội hóa giáo dục là tốt, là để xã hội cùng tham gia phát triển giáo dục chứ không phải đổ cả một gánh lo nặng nề như thế xuống gia đình được. Đề nghị Bộ GD cần phải xem xét lại”.

Bạn Ho Thi Le Nhu - 5-138 Trần Phú (Huế): “Những lý do mà Bộ GD-ĐT đưa ra cho việc tăng học phí, tôi cho là chính đáng, nhưng với điều kiện như nước ta hiện nay thì e rằng chưa hợp lý. Tôi hiện là một sinh viên, gia đình ở nông thôn. Đối với tôi và gia đình, mức học phí như hiện nay đã là cao rồi. Nhưng năm tôi đi học, cả gia dình phải dè xẻn ăn tiêu mới đủ cho tôi theo học. Nếu tăng học phí theo quyết đinh mới này chắc tôi và những bạn đồng cảnh ngộ như tôi phải bỏ học giữa chừng. Làm như vậy thì những người nghèo như chúng tôi liệu có cơ hội học đại học nữa không? Tôi mong rằng Bộ sẽ xem xét lại vấn đề này”.

Bạn Quốc Anh - Hà Nội: “Chẳng biết các bác trên Bộ nghĩ gì mà lại tăng học phí nhiều đến thế trong khi mình đang cố gắng phổ cập tất cả các cấp học. Theo tôi, các bác ấy chả phải tính toán nhiều làm gì cứ lấy thu nhập bình quân đầu người hàng năm của ta ra mà tính, như vậy thì còn rất rất nhiều người thu nhập dưới mức bình quân ấy, vậy họ lấy đâu ra tiền cho con đi học. Những 900 nghìn một tháng với sinh viên ĐH trong khi mỗi sinh viên từ quê ra TP học 1 tháng chỉ được cho có 500 nghìn bao gồm cả tiền ăn ở”.

Bạn Hoang Thanh - 4 Phạm Ngũ Lão (TP.HCM): “Trong khi nền giáo dục của nước ta còn rất nhiều yếu kém (như vấn đề sách giáo khoa, tổ chức tuyển sinh ĐH-CĐ…) Bộ GD-ĐT vẫn chưa đưa ra được ý tưởng gì hiệu quả để khắc phục, lại lo việc tăng học phí đến vượt quá mức chịu đựng của người dân. Nếu áp dụng thì một bộ phận lớn con em nhân dân ở khu vực miền núi, trung du và đặc biệt là miền Trung sẽ không đủ điều kiện để theo học, chỉ có người thành phố, người giàu có mới học đại học được. Điều đó sẽ càng làm xã hội phân hóa. Bộ nên chuyển hướng tư duy sang vấn đề chuyên môn nhiều hơn thì hơn”.

Bạn Phùng Thanh Bình - ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh: “Tôi cũng nghĩ như tác giả của bài viết "Tăng học phí, nên suy nghĩ cho thấu đáo !". Đó là một vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến riêng ai mà là đối với toàn xã hội. Tăng sao để người dân có thể nuôi con mình đi học "đến nơi đến chốn", chứ không phải tăng để cho đôi vai của những phụ huynh phải "oằn" xuống chỉ vì học phí tăng cao. Bộ có đưa ra những biện pháp về học bổng sẽ tăng đến 600.000đồng/tháng (bậc đại học). Nhưng có bao nhiêu chỉ tiêu để được nhận học bổng đó là điều cần phải xem xét. Để đưa ra những mức tăng học phí như thế, Bộ đã đi khảo sát thực tế ngoài xã hội hay chưa? Bao nhiêu phần trăm ý kiến đồng ý? Tôi đồng ý tăng học phí sẽ tạo điều kiện cho việc học có chất lượng hơn. Nhưng chất lượng đâu chưa thấy chỉ thấy toàn nỗi lo lắng của người dân. Để nuôi một đứa con học đại học tại thành phố thì chi phí tối thiểu là 1.500.000 đồng (với mức học phí mới), trong khi nhập một tháng của những người "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" đã đến 1.500.000 đồng chưa mà Bộ lại nghĩ đến mức học phí nhiều đến thế? Với mức học phí như thế chắc nhiều gia đình sẽ nhịn đói để cho con "ăn chữ". Phương án tăng học phí sao để giáo dục còn mang tính xã hội hóa, còn có thể xóa mù. Chứ tăng kiểu này nhiều người sẽ phải nghỉ học mất thôi. Vì thế, trước khi tăng học phí, Bộ nên nghĩ đến những gia đình "top dưới", chứ đừng chỉ xét đến một số gia đình "top trên". Mà xã hội Việt Nam có bao nhiêu gia đình thuộc "top trên"? Cho nên, trước khi tăng học phí Bộ nên xem xét kỹ!”.

Bạn Pham Thu Hien - 310E4 Bách Khoa, Hai Bà Trưng (Hà Nội): “Tôi thấy rằng đề án tăng học phí của Bộ Giáo dục không thể thực hiện trong lúc này, tôi nghĩ nó có thể thực hiện trong vòng 10 năm tới. Một đề án như vậy khi được trình lên Chính phủ cần được xem xét một cách tổng thể, không thể phiến diện. Không thể nhìn vào một bộ phận người dân có thu nhập cao mà nói rằng đời sống của tất cả người dân Việt Nam đều đạt tới mức sống như vậy. Tôi nghĩ rằng những người được giao làm ra bản đề án đó toàn sống trong phòng kín, ngồi dưới máy lạnh, không hiểu được nỗi khổ của đại đa số người dân Việt Nam. Trước đây dân ta có tới 90% là nông dân, bây giờ con số đó có giảm nhưng thực tế dân ta còn nghèo lắm. Những người nông dân cố gắng lăn lưng nuôi con ăn học để hy vọng đời con mình không khổ như mình, nếu bây giờ đề án tăng học phí thông qua thì con em nông dân suốt kiếp không bao giờ bước chân được vào cổng trường đại học, những sinh viên từ nông thôn đang học đại học có lẽ cũng không thể theo học tiếp. Thiết nghĩ, xã hội hóa giáo dục không có nghĩa là dồn mọi thứ lên đầu người đi học”. 

Bạn Bùi Đăng Thuần - 10a/11 ấp Bình Dương 2, An Bình, Dĩ An (Bình Dương): “Bộ Giáo dục đề ra việc muốn nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo hiện nay thì là một điều rất mới và đáng trân trọng. Song phương hướng mà Bộ cũng như ông Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đưa ra thì thật là không thỏa đáng chút nào. Bản thân tôi cùng bao nhiêu sinh viên khác cũng có cùng hoàn cảnh sinh ra và lớn lên ở những vùng nông thôn đồng chiêm đất trũng Thái Bình và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, cha mẹ cố gắng cho con ăn học để thoát khỏi cảnh nghèo. Khi con vào học, nhà chẳng có gì ngoài ít thóc bán đi cho con lấy tiền nhập trường. Bình thường mỗi khi đến tháng mà chưa có tiền gửi cho tôi thì nhà lại sốt vó lên đi vay mượn hàng xóm để tôi có tiền chi trả nhà trọ và tiền ăn, mỗi lần như vậy mẹ tôi gửi cho tôi 450.000 đồng – cả một số tiền lớn đối với cả tôi và gia đình. Còn có nhiều bạn sinh viên khác không có tiền chu cấp của gia đình, họ phải lăn lộn với đủ việc để có tiền đóng học phí, sinh hoạt hằng ngày, chi phí cho học hành… Hiện tại, việc học của chúng tôi đã là cả một gánh nặng đối với gia đình. Nay lại dự định tăng học phí. Mức học phí mới sẽ trở thành một bức tường chắn ngang con đường học hành của chúng tôi, những sinh viên nông thôn. Kính mong Bộ Giáo dục và các ban ngành có liên quan hãy xem xét kỹ lưỡng hơn việc này”.

Bạn Pham Hung Dung – Q.10: “Nếu Bộ Giáo dục áp dụng mức học phí mới thì trước hết nên đề nghị Chính phủ điều chỉnh tiền lương của CB-CNV. Có như vậy chúng tôi mới đủ điều kiện cho con em đi học đại học được”.

Bạn Nguyen Van Tuan (TP.HCM): “Có thể dựa vào cơ sở nào đó để tăng học phí nhưng tăng gấp ba lần là điều không thể chấp nhận được. Chắc chắn là mọi người dân đều phản đối.  Cần trưng cầu dân ý trước khi tăng học phí. Tăng học phí nhưng chắc gì chất lượng giáo dục sẽ tăng. Chất lượng tăng đến đâu lấy gì để đánh giá trong khi bằng cấp do Bộ Giáo dục cấp không được quốc tế công nhận, nghành giáo dục nước ta còn quá kém so với khu vực và thế giới?”.

Bạn Phạm Văn Hữu - Lớp ĐTVTK28 - ĐH Khoa học Huế: “Em biết rằng vấn đề xã hội hóa giáo dục là rất quan trọng, để tăng chất lượng giáo dục nhưng phải tìm cách khác chứ không nên đổ gánh nặng lên gia đình học sinh – sinh viên. Em nghĩ với mức học phí mới sẽ có rất nhiều học sinh – sinh viên phải bỏ học vì hoàn cảnh không cho phép. Một số ít người có thể đi làm thêm để phụ giúp gia đình nhưng có lẽ số tiền kiếm được sẽ trở nên nhỏ nhé trước mức học phí mới và việc đi làm thêm sẽ ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập của họ. Em mong Bộ Giáo dục và các cơ quan, ban, ngành có biện pháp phù hợp với thực tế để tạo điều kiện cho học sinh – sinh viên có thể yên tâm học tập”.

Bạn Thanh Nam: “Với mức học phí mới, đi học đại học tốn kém mỗi tháng trên dưới 1,5 triệu đồng, đến khi ra trường nếu được vào làm ở cơ quan nhà nước với mức lương bằng khoảng một nửa. Giả sử phải đi vay để học đại học thì một cử nhân ra trường, nếu nhịn đói cũng phải mất hàng chục năm mới trả được nợ! Nếu mức học phí mới này dược áp dụng, bạn hãy thử dự đoán trong vòng 5 năm tới trình độ dân trí của người VN sẽ như thế nào?”.
 
Bạn Nguyễn Bạch Dương  - Q5, TP.HCM: “Tôi thực sự thấy "choáng" với mức học phí dự kiến tăng của Bộ GD-ĐT. Hiện báo chí vẫn thường đăng tải nhưng SV nghèo phải bỏ học giữa chừng vì học phí, vậy mà nay còn tiếp tục tăng như vậy thì tương lai những người nghèo (là đa số) sẽ đi đến đâu nhỉ ? Xin báo chí hãy lên tiếng và mọi người cùng nhau phân tích cho kỹ hơn để mức tăng học phí sao cho hợp lý và có thể chấp nhận đươc. Hãy tính trên thu nhập của phần đông người dân để tính toán chứ đừng tính kiểu trên trời như vậy”.

Một bạn đọc ở Hải Phòng: "Hiện nay ở Việt nam đã có sự tham gia của đông đảo các tổ chức, cá nhân vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo dưới hình thức là các trường dân lập, tư thục, bán công v.v... để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng cao của người dân. Ta chưa vội bàn đến chất lượng của các trường này vội mà chỉ cần biết một thực tế là các trường này đang hoạt động rất hiệu quả về mặt kinh doanh trong khi họ không thu học phí cao hơn mức quy định của Bộ giáo dục. Thử hỏi lãnh đạo các trường này họ đã làm gì để có thể vẫn đào tạo được, vẫn có lãi mà không cần đến ngân sách của nhà nước đầu tư cho họ. Không biết khi chuẩn bị đề án nói trên các tác giả có nghĩ đến thực tế này không?".

Đề nghị Bộ GD-ĐT cũng như các cơ quan chức năng khác xem xét lại một cách thấu đáo tính khả thi của dự án này cũng là nội dung thư của các bạn: Lê Công Hoàn - lớp Dược 3, trường ĐH Y Huế; Đình Hạnh - Vinh (Nghệ An); Đỗ Chí Nghĩa – 0912048883; Võ Thành; Nguyễn Ngọc Hùng; Nguyễn Thị Dung (Kon Tum); Phạm Thị Diễm Hương; Nguyễn Khánh Luyện (thôn Trung Hòa, Krongana, Đắk Lắk); Hoang Mai…

Các vấn đề khác qua thư bạn đọc trong tuần qua:

Thư bạn Võ Quốc Thống (Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM): “Nhân đọc bài khắc tinh của xe buýt, tôi thấy còn thiếu biện pháp chống ô nhiễm môi trường do khói xả của xe buýt gây ra. Tất cả xe buýt đều là xe dầu, mặc dầu xuất xưởng chưa bao lâu nhưng đến nay hầu như đa số xe buýt đều xả khói đen mù mịt. Vậy tại sao không có quy định xe dầu chạy trong TP phải thiết kế ống xả hướng cao lên trời để không làm ảnh hưởng tới người đi đường”.

Bạn Nguyễn Hoài Trung (788/31C Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM) phản ảnh: Gần đây chuyện nước máy bẩn mới rộ lên ở nhiều nơi, chứ thực ra tại khu vực nhà tôi ở (P.3, Q.Gò Vấp) nước máy đã bẩn từ lâu rồi. Kể từ khi khu vực nhà tôi được lắp đồng hồ nước vào năm 2002 đã thấy nước máy lúc vàng, lúc trong rồi. Hiện nay tình hình vẫn như vậy chứ có thấy cải thiện được chút nào đâu dù cho công ty cấp nước đã súc xả đường ống vài lần. Tôi cho rằng nguyên nhân của nước máy đục không phải do đường ống cũ hay đất cát lọt vào đường ống khi thi công mà nguyên nhân có thể liên quan đến chất lượng nước hoặc công nghệ xử lý nước, hay là một quá trình phản ứng hóa học nào đó giữa những thành phần hóa học nào đó trong nước với các chất xử lý hay với đường ống”.

Tiếp tục phản ánh tình trạng kém chất lượng của đường truyền ADSL của NETSOFT, bạn Nguyễn Gia Hùng (66 Nguyễn Thông, P.9, Q.3, TP.HCM) có thư: “Đường dây cung cấp mạng ADSL của Công ty Tin hoc bưu điện NETSOFT ban ngày không chạy được. 16 ngày qua chúng tôi rất bực mình vì ADSL thuê bao MAXI mà chạy LOW. Điện thoại hỗ trợ kỹ thuật không gọi được, họ làm việc thiếu trách nhiệm quá”.

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.