Nguy cơ bùng nổ dịch cúm gia cầm

09/11/2005 23:09 GMT+7

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng: “Tốn bao nhiêu tiền cũng phải ra sức chống dịch !” Ngày 9/11, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM về tình hình phòng chống dịch cúm gia cầm. Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Cúm gia cầm và đại dịch cúm trên người đang hiển hiện trước mắt chúng ta". Nếu đại dịch xảy ra, ít nhất 10% dân số sẽ nhiễm bệnh, 10% trong số đó sẽ thiệt mạng.

Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: "Các tổ chức y tế, các lãnh sự quán nước ngoài tại Việt Nam luôn cảnh báo và hối thúc Việt Nam đẩy mạnh công tác phòng chống cúm gia cầm bởi vi-rút H5N1 hiện nay có những cấu trúc rất giống vi-rút H1N1, vốn đã gây ra đại dịch làm hơn 40 triệu người chết trên thế giới vào năm 1918. Thế giới cũng dự báo sẽ có khoảng 10% dân số tại Việt Nam nhiễm bệnh và 10% trong số đó sẽ tử vong, có


Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo phòng chống dịch tại cuộc họp sáng 9/11(ảnh: Q.T)

nghĩa là trên 800.000 người chết. Đó là xét trên tỷ lệ của đại dịch năm 1918 còn thực tế tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong có khả năng sẽ cao hơn bởi từ khi xuất hiện dịch cúm gia cầm đến nay, đã có 92 người nhiễm bệnh và trong số đó đã có 42 người chết, một tỷ lệ gần như là 50%". Phó thủ tướng âu lo: "Đáng ngại là một phần lớn người dân vẫn chưa nhận thức được mối nguy hại này và vẫn còn thờ ơ với việc phòng chống. Nếu xảy ra dịch cúm, không chỉ nông nghiệp mà hầu như tất cả các lĩnh vực của đất nước đều bị ảnh hưởng".

Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến cũng thừa nhận: "Nếu để dịch xảy ra, hậu quả chúng ta gánh chịu là rất nặng nề. Chính vì vậy, tốt nhất là phải phòng trước khi dịch tràn đến". Theo bà, hiện công tác phòng dịch đang gặp những khó khăn như: "Một khi bệnh cúm lây từ người sang người, chúng ta sẽ không biết được nó đã trở thành vi-rút gì, cơ chế lây lan ra sao, lại chưa có thuốc đặc trị nên công

Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến: "Người dân không  cần thiết phải đổ xô đi mua Tamiflu bởi đây không phải là thuốc đặc trị, không nên dự trữ mà chỉ sử dụng khi có yêu cầu của bác sĩ".

tác điều trị chắc chắn sẽ vất vả. Về thuốc, hiện nay hàng trăm quốc gia đang đặt hàng thuốc nên công ty sản xuất không thể đáp ứng được, thuốc trong nước cũng rất thiếu nhưng đến lúc xảy ra dịch, chúng tôi sẽ làm mọi cách để có đủ thuốc điều trị. Về vắc-xin, chúng tôi đang thương thuyết với một số nhà sản xuất độc quyền để vừa bán, vừa mua, vừa tự sản xuất, đảm bảo cung ứng cho nhân dân". Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến cho biết: "Khi bệnh nhân cúm A cần chuyển lên tuyến trên thì không thể sử dụng xe cứu thương thông thường mà phải sử dụng xe đặc chủng để tránh lây lan, nhưng việc nhập xe đặc chủng để vận chuyển bệnh nhân cũng gặp khó vì quá đắt".

Trước những khó khăn trên, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Dù cho tốn kém bao nhiêu tiền, dù phải điều chỉnh lại tốc độ tăng trưởng cả nước thì vẫn phải ra sức chống dịch". Phó thủ tướng chỉ đạo: "Tất cả mọi người dân phải thấy được nguy cơ này và tự phòng chống trước. Phải huy động tất cả mọi nguồn lực có thể, mọi biện pháp có thể để chống dịch. Các trung tâm y tế điều trị bệnh nhân cúm A phải được thiết lập đến cấp xã, và các bác sĩ, y sĩ ở đó đều phải biết sử dụng thuốc để điều trị bệnh nhân".

2 bệnh nhân được xác định nhiễm cúm H5N1

Ngày 9/11, ông Nguyễn Ngọc Đính - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, 2 ca nghi nhiễm H5N1 là N.V.M (68 tuổi, Quảng Trị) đã tử vong và T.T.H (Bắc Giang) đang điều trị tại Viện Y học lâm sàng nhiệt đới đều cho kết quả âm tính với vi-rút cúm H5N1. Sở Y tế Hải Phòng cũng cho biết: bệnh nhân Vũ Vạn Nhật tử vong ngày 2/11 đã được chính thức kết luận là do nhiễm cúm type A H3 (không nguy hiểm như H5N1).

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng đã có văn bản thông báo Hãng Roche sẽ cung cấp nguyên liệu để sản xuất Tamiflu tại Việt Nam nếu cơ sở sản xuất đủ tiêu chuẩn và 25 triệu viên thuốc do Việt Nam đặt mua cũng sẽ được cung ứng đầy đủ.

Liên Châu - Phạm Hải Sâm

TP Hồ Chí Minh: Thời hạn chấm dứt nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố từ ngày 15/11 đang đến gần, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm TP.HCM cho biết các cơ quan chức năng cũng đang lập ra những kế hoạch kiểm soát 100% lượng gia cầm lưu thông. Dự kiến, tại 4 khu vực cửa ngõ vào TP sẽ tăng cường lực lượng liên ngành gồm công an, thú y, quản lý thị trường, thanh niên xung phong chốt chặn, tuần tra lưu động để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm trái phép, không qua kiểm dịch thú y từ các tỉnh chuyển vào. Trong tuần này, TP sẽ tổ chức 6 đoàn kiểm tra tình hình chấm dứt nuôi gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố. Về tình hình dự trữ thực phẩm thay thế gia cầm, ngoài số gia cầm được các công ty Phú An Sinh, Huỳnh Gia Huynh Đệ thu mua, giết mổ và đưa vào dự trữ, Sở Thương mại TP.HCM đã lập kế hoạch dự trữ nguồn thực phẩm phục vụ cho người dân, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Dự kiến, nguồn thực phẩm thay thế sẽ vào khoảng 2.873 tấn, trong đó thịt heo, thịt bò là 1.750 tấn, thực phẩm chế biến 528 tấn; thịt cá và hải sản các loại: 592 tấn. Tổng kinh phí dự trữ lượng thực phẩm này khoảng 154 tỉ đồng từ nguồn ngân sách để các doanh nghiệp thực hiện.

Cần Thơ: UBND TP đã thông báo chỉ cho phép buôn bán gia cầm sau khi đã giết mổ, chế biến bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ nội thị, nội thành. Cần Thơ đang tiến hành tiêm vắc-xin cúm gia cầm với tổng lực lượng tham gia lên trên 1.000 người, phấn đấu tiêm đạt trên 92% so với tổng đàn gần 1,4 triệu con.

Bến Tre: Nghiêm cấm mọi hình thức chăn nuôi gia cầm, chim cảnh (gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, chim yến, chim sáo...) trong khu dân cư, thị xã, thị trấn, thị tứ kể từ ngày 15/11; nghiêm cấm tất cả các hoạt động vận chuyển, xuất nhập, chế biến, kinh doanh gia cầm, chim cảnh, sản phẩm gia cầm dưới bất kỳ hình thức nào kể từ ngày 30/11.

Ông Nguyễn Bá Thành, Giám đốc Trung tâm thú y vùng ĐBSCL tại Cần Thơ cho biết: Các trường hợp vận chuyển gia cầm không có giấy kiểm dịch sẽ bị tịch thu tiêu hủy, gia cầm giết mổ phải được kiểm tra trước 15 ngày và có giấy xác nhận của cán bộ thú y. 

Quảng Ngãi: 450 con vịt của ông Nguyễn Hữu Thanh ở xã Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn đã chết trong mấy ngày qua mà không rõ nguyên nhân. Hiện cơ quan thú y đã tiêu hủy tại chỗ, khử trùng và lấy mẫu xét nghiệm.

Huế: Ngừng nuôi, mua bán, giết mổ và vận chuyển gia cầm từ ngày 25/11. UBND TP Huế đã có quyết định như trên. Việc tổ chức chọi gà, mua bán chim cảnh cũng bị cấm từ ngày 15/11.

Quảng Nam: 840.000 liều vắc-xin H5N1 đã được Cục Thú y chuyển cho địa phương để tiêm phòng cho gia cầm. Sắp tới tỉnh sẽ nhận thêm 400.000 liều vắc-xin H5N2 và hơn 1 triệu liều vắc-xin dự trữ. Như vậy, Quảng Nam đã đủ số lượng vắc-xin để tiêm phòng cúm gia cầm.

Thanh Hóa: Hiện tượng gia cầm chết hàng loạt đã xuất hiện sáng 9/11, tại xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương, nâng số điểm có gia cầm chết hàng loạt lên 4 điểm; 3 điểm còn lại ngoài Quảng Thịnh là các xã Thành Lộc, Đa Lộc, Lộc Sơn, huyện Hậu Lộc.


Nhóm PV ĐBSCL - Q.T - Th.Anh - B.N.Long - H.X.H - Ng.Minh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.