Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Kỳ 3

25/11/2010 23:38 GMT+7

4. Ngày nào tôi cũng chạy qua nhà con Mận Tâm trạng nặng nề, lại không chia sẻ được với ai khiến mặt tôi cứ dàu dàu. Có khi cả ngày tôi không cười một tiếng.

Thằng Tường tò mò:

- Anh đang buồn chuyện gì hả, anh Hai?

- Đâu có.

Tôi chối phắt, những chuyện như thế này tôi biết tôi không thể tâm sự với thằng Tường.

Ngày nào tôi cũng chạy qua nhà con Mận. Có ngày tôi qua nhà nó hai, ba lần. Chỉ để hỏi vu vơ:

- Hôm nay có đứa nào trong lớp tới đây chơi không hở mày?

Lúc đầu con Mận nói “không”, về sau thấy tôi cứ hỏi đi hỏi lại mãi một câu, nó cười khúc khích:

- Thiều làm sao thế?

Tôi chép miệng, bối rối:

- Tao có làm sao đâu. Hỏi chơi vậy thôi.

Như vậy thằng Sơn vẫn chưa hành động. Chắc nó đang chờ cơ hội thuận tiện. Tôi thở phào và tìm cách lảng xa đề tài khó nói này:

- Lúc này mày có còn phơi những ngón tay bên ngoài cửa sổ không?

- Ngày nào mình cũng phơi.

Tôi nhớ đến những giọt nước mắt của nó:

- Thế còn gương mặt, mày có phơi không?

- Có.

- Mày vẫn bị ăn đòn của mẹ mày à?

Con Mận không trả lời nhưng mặt nó buồn xo.

- Tại sao mẹ mày hay đánh mày vậy? - Tôi nhíu mày, đột nhiên thấy lòng se lại - Tao thấy mày siêng việc nhà lắm mà. Điểm học tập của mày tháng này cũng đâu có tệ.

Ngay câu hỏi này, có vẻ con Mận cũng không muốn trả lời. Chỉ đến khi tôi khẽ đụng tay vào tay nó tỏ ý giục, nó mới ấp úng đáp:

- Mẹ mình đánh mình không có lý do gì hết á. Thấy ngứa mắt thì đánh thôi.

- Thấy ngứa mắt? Là sao? - Tôi tròn xoe mắt.

- Mình cũng chẳng hiểu. - Con Mận lắc đầu, giọng đã chớm sụt sịt - Mẹ mình bảo thế.

Vừa nói con Mận vừa quay mặt đi, cố tình đưa lưng về phía tôi. Chỉ nhìn thấy nó từ phía sau, tôi vẫn có cảm giác nó vừa nuốt vào một tiếng nấc.

- Dạo này mẹ mình lúc nào cũng buồn bực. - Vẫn không xoay người lại, con Mận u uẩn nói thêm, nghe buồn rười rượi.

Chắc là mẹ nó buồn bực chuyện gia đình! Tôi nghĩ bụng. Ờ, ba nó như thế, mẹ nó chắc phiền não lắm. Có đủ thứ để lo lắng. Lo chạy bữa hàng ngày cho cả nhà. Lo chăm sóc cho ba nó. Lo bí mật vỡ lở. Có lẽ vì vậy mà mẹ nó trở nên cáu gắt, động một tí là thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nó.

Tự nhiên tôi thấy thương con Mận quá. Tôi muốn nói với nó mày nên đề phòng thằng Sơn. Nhưng cuối cùng tôi giấu nhẹm chuyện đó. Tôi không muốn con Mận thêm rối trí.

Bữa đó trước khi ra về, tôi đứng dưới gốc bời lời, cầm tay nó an ủi:

- Mày đừng buồn nữa. Khi nào ba mày hết bệnh, nhà mày sẽ lại vui vẻ như xưa.

Tôi nói, nhưng tôi biết tôi không tin vào lời nói của mình. Tôi không rõ ba con Mận có bị bệnh phong thật không, nhưng nếu là bệnh phong thì không thể chữa được. Tôi nghe người làng nói thế. Họ bảo những người bệnh phong thường chọn cách bỏ đi thật xa, vào tận rừng sâu núi thẳm. Họ sống quần tụ với nhau ở một thế giới hiu quạnh, cách biệt hẳn với loài người trong khi chờ tử thần tới rước đi. Ôi, buồn quá!

5. Căn gác nhà con Mận

Tôi cầu cho thằng Sơn bị chết cháy, nếu nó không ngã xuống sông xuống suối làm mồi cho Hà Bá.

Nhưng nhà bị cháy là nhà con Mận.

Hôm đó là buổi học cuối cùng trước khi bế giảng. Thực ra chúng tôi đến lớp là để dự liên hoan.

Bọn học trò khệ nệ khiêng bàn quây thành hình chữ nhật rồi bày ra bánh kẹo, trái cây, nước ngọt, xúm lại ăn uống, giành giật và cãi vã, sau đó là ca hát, tức là thi nhau cố rống cho thật to và vỗ tay cho thật lớn. Khi đã căng bụng, cả bọn chạy ra sân xem các lớp thi thả diều.

Trong khi tôi và con Mận đang ngước mắt mê mải dõi theo những cánh diều sặc sỡ đang uốn lượn trên không, thằng Ghế con ông Năm Ve không biết từ đâu chạy tới, thắng xe đạp ngay cạnh hàng rào, chõ miệng vô trong sân kêu lớn:

- Chị Mận ơi, nhà chị đang cháy. Chị về ngay đi!

Con Mận mặt cắt không còn hột máu, ba chân bốn cẳng tuôn ra cổng. Trông nó như đang bay trên mặt đất.

Tôi cũng tức tốc chạy theo, mặt mày nhớn nhác, ruột gan đau thắt từng chặp.

Thằng Ghế chở con Mận vọt đi trước, tôi lẽo đẽo chạy bộ phía sau.

Đang chạy, nghe tiếng chân nện thậm thịch, tôi quay lại thấy bốn, năm đứa khác nối đuôi phía sau. Đây là những đứa tình cờ nghe chuyện, hiếu kỳ chạy đi xem, bộ tịch hớn hở như đi ăn cỗ chứ không phải đi xem cháy nhà.

Khi tôi tới nơi thì ngọn lửa đã được dập tắt. Hàng xóm đang túm tụm xì xào, người xách thùng, kẻ xách gàu, người bưng xô, tôi thấy có cả mẹ tôi và thằng Tường đứng lẫn trong đó, quần áo nhàu nhò và xốc xếch thảm hại.

Tôi không thấy con Mận đâu, liền len lén đi quanh nhà, lần ra sau hè, cố không để mẹ tôi bắt gặp.

Căn gác phía sau bị thiêu rụi hoàn toàn. Trong đám khói đen lơ lửng, con Mận và mẹ nó, cùng một vài người khác đang loay hoay bới tìm, nhặt nhạnh những thứ còn sót lại sau trận hỏa hoạn. Hai mẹ con vừa lom khom bươi móc vừa khóc như ri.

Tôi nấp sau bụi chuối, nhè nhẹ thở ra: May quá, nếu mọi người không đến kịp, chắc ngọn lửa sẽ lan rộng và gia sản nhà con Mận sẽ hóa thành tro bụi trong nháy mắt.

Đang thở ra tôi lập tức hít hơi vào khi sực nhớ tới ba con Mận. Chết rồi, ba con Mận bị nhốt trong căn gác, không biết có kịp chạy thoát không. Mẹ con nó khóc như thế có lẽ ba nó gặp chuyện gì rồi. Tôi thót bụng lại, mường tượng đến người đàn ông hiền lành và gầy gò từng cắt tóc cho tôi suốt những năm niên thiếu, tự dưng nước mắt chảy quanh.

Một bàn tay nắm lấy tay tôi, và một giọng nói dịu dàng nhưng nghiêm khắc vang lên:

- Đi về nhà đi, con?

Tôi níu lại:

- Mẹ, con muốn gặp con Mận. Con muốn hỏi xem...

- Mai mốt gặp. Đây không phải là chỗ của con nít.

Vừa nói mẹ tôi vừa lôi tôi ra cổng, với thằng Tường làm cái đuôi lếch thếch phía sau.

(Còn tiếp)

Nguyễn Nhật Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.