Ra nước ngoài làm phim

27/05/2012 11:19 GMT+7

Dù thường hay than vãn tình hình tài chính khó khăn, nhưng các hãng phim truyền hình hiện nay xem ra lại rất “chịu chơi” khi ra nước ngoài làm phim.

Nếu chỉ gắn yếu tố hình ảnh ngoại, có thể kể tên khá nhiều phim truyền hình: Bước chân hoàn vũ, Sáu mặt rubic, Tiếng dương cầm trên biển, Đôla trắng... có cảnh quay ở Thái Lan; Tình ca phố quay ở Hong Kong; Đua nhau làm giàu quay ở Mỹ; Mùi ngò gai có vài cảnh quay tại Hàn Quốc... Tuy nhiên, yếu tố ngoại của những bộ phim này mới chỉ mang tính chất “hương hoa”, chưa thật sự ghi dấu trong lòng khán giả.

 Ra nước ngoài làm phim
Cảnh trong phim Máu của tuyết: các cảnh quay ở nước ngoài là gia vị cho những bộ phim có nội dung khai thác đời sống người Việt tại nước ngoài - Ảnh: VFC

Khai thác đời sống người Việt ở nước ngoài

Vào đầu năm 2012, khán giả truyền hình khá bất ngờ và thú vị khi xem bộ phim truyền hình Trở về (HTV7). Chuyện tình yêu của cô gái người Campuchia gốc Việt với anh chàng người Việt vì phạm tội phải trốn qua Campuchia được tô điểm thêm bởi những hình ảnh về thiên nhiên, chùa chiền của nước bạn khiến Trở về chiếm được cảm tình của người xem.

Thừa thắng xông lên, Hãng phim Sena cùng đạo diễn Việt Trinh tiếp tục sản xuất Trở về 2. Lần này là hình ảnh thiên nhiên còn khá hoang sơ và hùng vĩ của nước Lào - khung cảnh cho mối tình thơ mộng của một cô gái Lào và chàng trai Việt sang Lào lập nghiệp...

Bộ phim dài 40 tập Bí mật tam giác vàng (đạo diễn Nguyễn Dương thực hiện cho Hãng phim Lasta) ngoài những cảnh quay tại VN còn du hành sang tận Thái Lan, Lào. Phim đề cập đến những vụ án buôn lậu ma túy tại khu vực “tam giác vàng” với những cuộc đấu trí căng thẳng của cảnh sát VN, Lào, Thái Lan và băng nhóm buôn bán ma túy đa quốc gia. Dự kiến từ đầu tháng 7, đoàn phim với 45 thành viên cùng khoảng 10 diễn viên sẽ ghi hình tại Lào trong khoảng 20 ngày và tại Thái khoảng 10 ngày.

Ở khu vực phía Bắc đã có một số bộ phim truyền hình được hợp tác sản xuất giữa VN và Trung Quốc, Thái Lan. Tuy nhiên, hầu hết có sự tham gia sản xuất cả hai êkip, thời gian quay ở nước ngoài không dài và thành phần sản xuất sang nước ngoài quay cũng hạn chế. Cưỡi ngựa xem hoa rồi cũng phải đến lúc tính toán những đề tài sâu, lâu dài và quan trọng là phía ta được hoàn toàn chủ động.

Năm nay dự án phim truyền hình mang tên Máu của tuyết (34 tập, đạo diễn Trần Quốc Trọng và Vũ Trường Khoa) do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VN (VFC) thực hiện đánh dấu sự xuất hiện của đề tài phim đào sâu vào đời sống, số phận người Việt đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài.

Để chuẩn bị, VFC đã cử hai biên kịch Trần Hoài Văn và Phạm Ngọc Tiến sang CH Czech, Ba Lan đi thực tế, gặp gỡ cộng đồng gần một tháng trước khi bắt tay viết kịch bản. Sau đó lại cử một đoàn đi tiền trạm và quyết định sẽ quay chủ yếu ở CH Czech trong vòng hai tháng.

Thủ tục, thời tiết và kinh phí

Với hầu hết nội dung phim có các bối cảnh phải quay ở nước ngoài, việc tính toán kỹ lưỡng đến cả vấn đề... thời tiết là không bỏ qua được. Với một bộ phim muốn quay ở châu u như Máu của tuyết, để góp phần mô tả cuộc sống vất vả của người Việt trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đoàn phim đã phải tính toán để có mặt tại CH Czech đúng vào thời gian giao mùa, từ đông sang hè (bắt đầu quay từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 5).

Các cảnh phim phải có những gam màu trắng xóa của tuyết, màu xanh rực rỡ của mùa xuân, màu vàng của những cánh đồng hoa cải khi trời vào hè để nội dung câu chuyện thuyết phục hơn.

Để bê nguyên một êkip làm phim ra nước ngoài, các đoàn phim phải “tổng động viên” tất cả các mối quan hệ mình có, như Máu của tuyết - dự án phim quan trọng và tốn kém hơn nhiều dự án phim thông thường của VFC - phải nhờ đến sự giúp đỡ của Đại sứ quán VN tại CH Czech, Hội người VN tại CH Czech và đông đảo cộng đồng người Việt tại đây.

Êkip cũng tranh thủ cộng tác với “người quen” như NSƯT Lê Vy - hiện sinh sống ở Pháp, diễn viên Việt kiều Đức Lâm Vissa, các diễn viên nước ngoài và một số diễn viên khác đang sinh sống tại CH Czech...

Đạo diễn Xuân Phước - người từng tổ chức quay phim Bước chân hoàn vũ, Sáu mặt rubic ở Thái Lan cho biết: “Thường thì đoàn phim nhờ đến công ty du lịch Việt có chi nhánh ở Thái Lan lo phần giấy phép. Việc này thật ra lại đơn giản hơn so với việc tính toán như thế nào để đủ chi phí cho phim”. Chính vì thế mà thông thường êkip ra nước ngoài của nhiều bộ phim chỉ gồm vài người cần thiết và diễn viên.

Gặp nhiều khó khăn về thủ tục khi xin giấy phép nhưng rồi cũng êm xuôi, nhớ lại những ngày quay phim tại Campuchia, đạo diễn Việt Trinh vẫn không giấu nổi cảm xúc hồi hộp: “Kinh phí hạn hẹp nên chúng tôi phải gấp rút quay 10 ngày trong các đền đài với khối lượng hơn 10 tập phim, êkip đoàn phim luôn phải dậy từ 5g sáng và ăn sáng luôn trong rừng, luôn cầu khẩn để ông trời đừng mưa lớn”.

Ra nước ngoài quay phim với kinh phí không thoải mái, rõ ràng các nhà làm phim phải đương đầu với nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên mở rộng đề tài ra ngoài biên giới và quay phim tại nước ngoài là một lựa chọn ít nhiều giúp làm mới cho phim Việt.

* Bây giờ phim truyền hình đang làm một cách ồ ạt, đi đâu cũng gặp đoàn quay phim. Một số bối cảnh trong nước bị cày nát. Vì thế việc Hãng phim Sena ra nước ngoài quay phim nhằm tạo ra món ăn lạ cho truyền hình để thu hút khán giả ngoài câu chuyện hấp dẫn. Bối cảnh đẹp và lạ sẽ khiến khán giả thích thú và chờ đợi.

Bà Bích Thủy (giám đốc Hãng phim Sena)

* Bộ phim Bí mật tam giác vàng đề cập vụ án liên quan đến đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia nằm trong khu vực “tam giác vàng” nên dĩ nhiên phải quay tại Thái Lan, Lào mới có thể thuyết phục khán giả. Nhưng trên hết đây là cách chúng tôi muốn đẩy mạnh chất lượng phim truyền hình trong thời gian qua bị phê phán là chất lượng kém.

Ông Trần Minh Tiến (giám đốc Hãng phim Lasta)

* Các cảnh quay đẹp hay vẻ ngoài hình thức chỉ là gia vị thêm vào để gây chú ý. Một bộ phim dài tập sẽ thuyết phục, thu hút khán giả nhiều nhất khi bối cảnh và nội dung thống nhất với nhau, thẳng thắn động chạm đến những vấn đề gai góc, như vén lên bức màn đằng sau cuộc sống người Việt ở nước ngoài...

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải (giám đốc VFC)

Theo Tuổi Trẻ

>> Làm phim nông thôn vì “dốt” đề tài thành thị
>> Ba nam sinh lớp 6 "đóng" phim sex
>> Phim "Bẫy cấp 3" không được duyệt chiếu rạp
>> Phim truyền hình thời mì ăn liền
>> Ba phim dành cho teen Việt sắp ra mắt
>> Zac Efron không ngại đóng cảnh nóng
>> Phim Việt 2012: Đa dạng, nhưng vẫn chông chênh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.