Cô giáo câm

22/03/2012 03:38 GMT+7

Như rơi xuống địa ngục khi bất ngờ trở thành người câm vĩnh viễn, cô Lê Thị Thu Xương đã gượng dậy và trở thành một cô giáo cần mẫn mang ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) đến gần hơn với cộng đồng.

Như rơi xuống địa ngục khi bất ngờ trở thành người câm vĩnh viễn, cô Lê Thị Thu Xương đã gượng dậy và trở thành một cô giáo cần mẫn mang ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) đến gần hơn với cộng đồng.

>> Trà đá miễn phí giữa Sài Gòn

Trả ơn cuộc đời

Những câu nói nhọc nhằn khi phải kèm chiếc máy trợ thanh đặt ngay dưới cổ nhưng lại vang lên rất dứt khoát khi cô kể về cuộc đời mình.

Cuộc đời đã ưu ái cho tôi rất nhiều, những việc tôi đã làm chỉ mong tỏ chút lòng thành với cái ơn to lớn ấy

Lê Thị Thu Xương

“Nếu nói đời tôi thay đổi phải kể đến bước ngoặt lúc 33 tuổi, bao nhiêu nước mắt bi thương tôi khóc hết cho ngày ấy”, cô Thu Xương bồi hồi nhớ lại. Lúc đó, cô gái Thu Xương đang còn là giáo viên dạy mầm non tại Q.4, công việc gõ đầu trẻ luôn khiến cô vui sống mỗi ngày. Họa vô đơn chí khi cô bỗng nhiên mất tiếng nói, đi khám thì bác sĩ kết luận cô bị mất thanh vĩnh viễn, đau đớn hơn cô phải nghỉ việc vì trở thành người câm. Chưa hết, bệnh tật lại kéo đến, cô qua hết bệnh viện này đến bệnh viện khác với căn bệnh lao phổi. “Tôi cứ ngỡ mọi thứ đều sụp đổ, về nhà tôi nhốt mình trong phòng và chỉ biết khóc, khóc vì không tin nổi mình mất tiếng nói, khóc vì phải nghỉ việc. Ngày ấy, tôi cứ nghĩ cuộc đời mình như vậy là đã hết...”, cô Xương tâm sự.

Thế nhưng, sau gần 1 năm trời vắt kiệt mình trong chán chường và nước mắt, cô Xương nhủ mình phải đứng dậy. Ngừng khóc than cuộc đời, cô biết rằng mình vẫn còn đoạn đường dài để đi. Cô dần chấp nhận cụm từ “cô giáo câm” mà nhiều người gọi mình.

Một lần, chứng kiến nhiều đứa trẻ câm, điếc sống lang thang vất vả mưu sinh trên đường, cô thấy chạnh lòng khi nghĩ đến phận mình. Sẵn kinh nghiệm từng là cô giáo dạy trẻ, cô Xương quyết tâm nối lại duyên với nghề giáo bằng suy nghĩ học NNKH để dạy lại cho trẻ khiếm thính.

Thế rồi cô Xương gõ cửa trường Anh Minh (gần cầu Thị Nghè, Q.Bình Thạnh) để xin vào học NNKH trong CLB Khiếm thính TP.HCM.

Ban đầu, việc học rất khó khăn đối với cô vì lớp học toàn người câm, điếc chỉ biết giao tiếp bằng động tác, cử chỉ. Cô cố gắng ghi nhớ và tìm sách về NNKH để đọc thêm. Một lần, khi cô giáo vắng tiết, cô Xương được giao đứng lớp với nhiệm vụ viết bài cho cả lớp (vì cô viết chữ đẹp). Những ngày đầu trở về với bục giảng, cảm xúc của cô vui buồn khó tả. Những cái quay tay của người khiếm thính khen cô viết chữ đẹp đã làm cô thật sự hạnh phúc. Cũng từ đó, cô giáo Xương lại tiếp tục nghiệp đưa đò của mình trong âm thầm.

Đáp lại sự khâm phục của mọi người, cô chỉ bảo rằng, mình đã mang ơn và có trách nhiệm phải trả lại cho đời. Hơn 20 năm trước, sau ca phẫu thuật sỏi mật, bác sĩ bảo cô chỉ còn sống được 6 tháng, nhưng điều kỳ diệu là 6 tháng ấy đã được nhân lên gấp nhiều lần. Cô Xương đã qua tuổi 60, giọng nói của cô những tưởng cũng vĩnh viễn ra đi nhưng số phận đã mỉm cười với cô khi một người nước ngoài đã tặng cô chiếc máy trợ thanh để cảm ơn cô giúp anh ta hoãn chuyến bay khi cô còn làm tạp vụ ở Hãng hàng không Singapore Airline. “Cuộc đời đã ưu ái cho tôi rất nhiều, những việc tôi đã làm chỉ mong tỏ chút lòng thành với cái ơn to lớn ấy”, cô Xương xúc động nói.

Điều ít ai biết, ròng rã mười mấy năm dạy NNKH miễn phí cũng là chừng ấy năm cô Xương phải đi giặt đồ, dọn nhà thuê và giữ trẻ để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Dù số tiền kiếm được mỗi tháng chỉ trên dưới 1 triệu đồng, nhưng cô tâm niệm: “Cuộc sống có thể khó khăn nhưng rồi cũng qua. Với tôi, hạnh phúc là được đứng trên bục giảng, được mang NNKH đến với mọi người để họ hiểu được những gì mà người khiếm thính muốn chia sẻ. Tôi mang ơn cuộc đời cho mình trải qua những đau khổ, mất mát để biết quý trọng từng ngày được sống”.


Cô Lê Thị Thu Xương (phải) - Ảnh: Hà Minh

Người kết nối ngôn ngữ

Vầng trán rộng, mái tóc dài bạc trắng và đôi mắt sáng, cô Thu Xương khiến người đối diện có cảm giác mình đang nói chuyện với một bà tiên.

Theo cô Xương đến phòng tranh dành cho người khuyết tật của vợ chồng họa sĩ Nguyễn Tiến Kiên và Nguyễn Thị Kim Cúc (nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.1), tôi thấy nhóm bạn trẻ vừa đưa từng nét cọ vừa chăm chú quan sát cô Xương thông dịch để hiểu bài học mà họa sĩ Kiên hướng dẫn. Hơn 2 năm nay, cứ mỗi sáng thứ ba, năm, bảy hằng tuần cô Xương lại dành thời gian đến đây làm người kết nối ngôn ngữ đến các bạn khiếm thính say mê học vẽ tranh.

Cũng gần 5 năm qua, nhiều thế hệ sinh viên Đại học (ĐH) Y Dược TP.HCM đã quen thuộc với hình ảnh cô giáo già dạy môn thổ ngữ say mê với từng bài giảng mỗi lần lên lớp tối thứ năm, sáu. Ước mơ học y khoa tuy không thành hiện thực nhưng giờ đây cô Xương lại được đứng trên bục giảng dạy NNKH cho các bác sĩ tương lai.

Cô nói đùa: “Chắc không cô giáo nào chạy sô nhiều như tôi”. Bởi, ngoài thời gian dành cho phòng tranh trẻ khiếm thính, ĐH Y Dược TP.HCM thì sáng chủ nhật nào cô Xương cũng ghé Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM để dạy NNKH cho các sinh viên Khoa Tâm lý. Cô cũng là thông dịch viên cho Hội Giữ gìn và phát triển văn hóa châu Á (tổ chức của Nhật Bản) giao lưu với người khiếm thính. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM làm phim tài liệu về ngôn ngữ kỳ diệu của đôi tay cũng có sự giúp sức của cô. Những đạo diễn có nhân vật là người khiếm thính cũng đến nhờ cô dạy ký hiệu cho diễn viên.

Say mê đem NNKH đến với nhiều người, cô Xương bộc bạch: “Đơn giản tôi chỉ muốn làm sao đem được ngôn ngữ khiếm thính đến với thật nhiều người, để người khác có thể hiểu, thông cảm, sẻ chia nhiều hơn với người khuyết tật khi họ không còn giọng nói”.

“Linh hồn” của CLB Khiếm thính TP.HCM

Cô Xương được nhiều người nhắc đến trong vai trò là “linh hồn” của CLB Khiếm thính TP.HCM. Làm người đứng lớp tại CLB từ năm 2001 (tại trường Anh Minh), chủ nhiệm CLB từ năm 2003 đến 2009 là hành trình không mệt mỏi của người trả ơn cuộc đời. “Ấn tượng của tôi về cô là một cô giáo già mái tóc bạc trắng có những cử chỉ, biểu lộ cảm xúc giải thích ký hiệu ngôn ngữ thật dễ hiểu, nhớ lâu. Nhờ cô, tôi thấy NNKH thật gần gũi”, chị Nguyễn Thị Hảo (27 tuổi, Q.Tân Phú, từng sinh hoạt tại CLB Khiếm thính TP.HCM) chia sẻ.

Hà Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.