Săn lùng chung cư

06/10/2004 10:56 GMT+7

Khi biết tôi đang đi lùng chung cư, một người kể: Một vị lãnh đạo cơ quan nọ cho biết người cháu của ông mới mua được một căn hộ chung cư và sau đó mới biết mình là chủ nhân… thứ 7 của căn hộ, dù nó mới trên dự án.

Đa kim ngân phá luật lệ

Được sự giới thiệu đầy uy tín của một anh bạn, tôi đến một quận ven Sài Gòn xin mua một căn hộ chung cư. Vì có sự giới thiệu, tôi được mời vào phòng giám đốc và sau câu chào xã giao là một thuyết trình kinh tế: Không thể có nhà giá rẻ, không thể có chế độ ưu tiên, bởi cơ chế thị trường tất cả đều chịu chi phối của đồng tiền... may ra là giúp nhau ở chế độ trả chậm nhiều lần. Tôi chấp nhận và chọn một căn bèo nhất, rẻ nhất, 31m2, không đủ kê một bàn bóng bàn. Một nhân viên dẫn tôi đi xem nhà ngay. Căn phòng nhỏ nhưng xinh xắn, có thể chấp nhận được với giá 180 triệu đồng, trả ba lần, lãi suất vay ngân hàng 0,9% trừ lùi. Nhưng mức lương công chức 20 năm cầm bút của tôi cũng chưa thể nào có ngay 1/3 số tiền cần có nên mấy tuần sau tôi quay lại thì hỡi ôi, căn nhà đã có chủ. Vì là chỗ quen biết, cô nhân viên xinh đẹp cho biết có một căn diện tích 51m2, nếu OK thì xong liền. Tôi nhắm mắt OK. Cô nhân viên bảo phải làm lại đơn, vì đơn cũ có bút phê của giám đốc đã hết hiệu lực.

Tôi làm đơn. Xong đâu đấy thì cô nhìn thẳng vào mắt tôi vẻ rất thông cảm và dịu dàng nói: "Hình như anh không đủ sức mua căn hộ này? Anh muốn bán lại không? Em giới thiệu cô người quen mua cho. Căn hộ 51 mét dễ bán hơn (mới ngày nào cô nói rằng 31 mét dễ sang tay hơn). Được lời như cởi tấm lòng (vì quả thật không lo kịp tiền) tôi gật đầu. Ngay hôm sau, tôi nhận được điện thoại của "cô người quen" (cũng rất ngọt ngào) hỏi tôi lấy chênh lệch căn hộ được duyệt là bao nhiêu? Sau vài lần "cò kè bớt một thêm hai", tôi làm mặt hình sự cho giá. Nhưng rồi hẹn tới hẹn lui, "cô người quen" ấy biến luôn, còn căn hộ ấy lập tức có chủ khác, dù giấy duyệt mang tên tôi nhưng đã bị coi là hết hiệu lực.

Tôi giật mình: Hình như chính tôi cũng đã vô tình tiếp tay cho việc sang nhượng nhà chung cư? Đến bây giờ tôi mới lờ mờ nhận ra lộ trình mua chung cư phức tạp như thế nào, cách nào để chuyển giao căn hộ từ tay người được duyệt mua ra thị trường trôi nổi ra sao. Khi nhu cầu mua nhà chung cư lên cao, lập tức có người đầu cơ chung cư, họ giấu bớt số căn hộ hút khách, họ gây khó dễ để mưu lợi, họ môi giới, lấy của khách bán cho khách, hoặc họ chỉ chỏ cho cò để ăn huê hồng... Vì vậy, người cần mua chung cư thật sự nhiều khi lại không mua được.

Ngược lại, nhiều chung cư không có người mua vẫn tạo được cái sự khan hiếm giả tạo. Một số nhân viên địa ốc phải có mạng lưới của mình để làm ăn và tất nhiên cò nhà đất và "ngân hàng tư nhân" là lực lượng "phản ứng nhanh" tốt nhất. Vẫn là tình trạng cung và cầu muôn thuở không đáp ứng được nhau. Vẫn là luật chơi "đa kim ngân phá luật lệ". Từ khi tôi có ý định mua một căn hộ chung cư, tôi quen được vài cò nhà đất. Thú thật họ có một khả năng thắp lên một niềm hy vọng cũng như làm cho tôi thất vọng nhanh đến chóng mặt. Nản lòng, tôi bỏ luôn địa chỉ này đi tìm nơi khác.

Ước mơ ngủ khỏi mắc mùng

Sau thất bại đáng buồn ấy, tôi còn đi tìm vài chung cư nữa. Nào là chung cư cao cấp Phú Mỹ Hưng, nào là chung cư Thuận Kiều Plaza... nào là chung cư trên bờ kênh Nhiêu Lộc ở phường 12, quận 3. Những lời giới thiệu panorama (toàn cảnh) thật tuyệt vời. Các cô nhân viên địa ốc ở đâu cũng dịu dàng không chê vào đâu được. Nhưng cái thì hai năm nữa mới xong. Cái thì giá ở trên trời, thấp nhất cũng trên 7 triệu đồng một mét. Tôi gọi sang quận 4 thì chỉ có chung cư cho dân tái định cư. Gọi đến anh bạn xây nhà chung cư sinh thái (có công viên) bên quận 7 thì nghe câu trả lời là "sao không nói sớm?". Dò tìm mua nhà chung cư trên báo thì toàn thấy địa chỉ và số điện thoại của "cò".

Chung cư hiện nay tạm chia làm ba loại. Loại cao cấp tính bằng hàng chục ngàn USD. Loại thứ hai cho người có thu nhập khá lên tới trên dưới 1 tỉ đồng. Loại thứ ba dành cho những đối tượng tái định cư giá cả rẻ hơn, nhưng muốn mua được cũng khó vì người ta bán sang tay ngay trên dự án nên cuối cùng giá cũng đội lên. Song chung cư tất nhiên cũng có ba bảy loại. Loại dành cho dân tái định cư thì không có thang máy, căn hộ dưới thấp giá cao và căn hộ trên cao giá thấp. Chung cư cao cấp thì ngược lại, vì có thang máy nên căn hộ trên cao giá cao (vì ngủ khỏi phải... mắc mùng). Nhưng cao thì cao vừa thôi, ở tít tận cái nơi "mây và tóc em bay" ấy có lẽ ai cao huyết áp hay yếu tim sẽ chịu không nổi khi nhìn xuống thấy dòng người như kiến bò dưới đất. Cho nên chung cư là cho lớp cư dân trẻ và cũng không quá ít tiền. Thực tế cho thấy dân tái định cư sau khi nhận được phiếu chung cư thường bán lại tìm chỗ dưới đất ở cho dễ làm ăn. Còn dư dả chút ít thì để làm vốn. Giá phiếu chung cư của họ bán lại cũng dao động khoảng vài trăm triệu tùy chung cư. Khi tôi đến một căn hộ lầu 10 chung cư Phạm Viết Chánh thì được biết chủ hộ mua phiếu tiêu chuẩn của người tái định cư cách đây mấy năm với giá 400 triệu.

Bây giờ căn hộ này bán bỏ cũng được cả tỉ đồng, lời gấp đôi. Một cô bạn cũng góp chuyện: Hồi xưa, vợ chồng em đăng ký mua chung cư từ dự án, người ta mới đào móng đã háo hức lặn lội đến xem, cách đây 3 năm căn hộ 70 mét là 300 triệu, nay đã có giá 700 triệu. Hiện nay vẫn thiếu chung cư hợp với túi tiền người nghèo thành thị. Chung cư vẫn là một ước mơ cho số đông công nhân lao động và các viên chức nhà nước có thu nhập thấp. Mua chung cư không sợ lỗ. Một anh bạn của tôi cũng đang săn lùng chung cư một cách quyết liệt ở mức độ "không cho chúng nó thoát". Đầu tiên, anh đăng ký mua chung cư ở Bình Thạnh với phương thức thế chấp ngân hàng bằng chính căn hộ đó. Nhưng sau một buổi trưa mất ngủ, anh đã tính ra số tiền cả vốn lẫn lời phải trả cho ngân hàng mỗi tháng là 5 triệu, "quá hớp" đối với đồng lương của mình. Sau đó, anh tìm được một căn hộ chung cư ở đầu cầu Khánh Hội quận 4, nhưng phải trả tiền sang tay một số tiền cũng kha khá. Vậy mà chỉ mấy tuần sau, anh khoe căn hộ tương lai của anh đã đẻ ra lời, vì có người trả giá cao hơn. Vậy mới biết các đại gia có tiền mà kinh doanh nhà chung cư là kẻ thức thời. Cứ ôm vài căn hộ chung cư, ít lâu sau bò mẹ ắt đẻ ra bò con.

Xây cho nhà cao, cao mãi...

Sau mấy tháng bị "hội chứng chung cư", tôi toàn nghểnh cổ nhìn lên các chung cư cao tầng, may mà chưa vẹo cổ. Ở Sài Gòn hiện nay đã có hàng trăm cao ốc, chung cư mọc lên. Các chung cư cũ bị phá đi. Theo kế hoạch, Sài Gòn sẽ phải xây 90.000 căn hộ chung cư nữa để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp. Chung cư mới đang thay đổi dần lối sống của cư dân thành thị nhất là những người trong diện di dời ở các khu phố ẩm thấp. Các chung cư đã và đang xây hiện nay trên dưới 15 tầng là chuyện nhỏ. Mới đây người ta vừa khởi công xây dựng một cao ốc Saigon Pearl 37 tầng ven sông Sài Gòn, độ cao tính đến lúc này là kỷ lục. Sau gần 30 năm sống ở Sài Gòn, bây giờ tôi cũng thuộc loại "tái định cư", cũng sắp có được một căn hộ trả góp ngân hàng tầng 12, có thể nhìn toàn cảnh Sài Gòn và xem bắn pháo hoa giao thừa mà khỏi sợ mấy gã tầm tầm bậc trung che khuất tầm nhìn. Khi bề ngang đô thị hạn hẹp thì người ta sẽ phát triển bề cao, đó là điều đơn giản mà Hông Kông đã làm bấy lâu nay.

Mấy người quen đều có ý mừng cho tôi tìm được 50m2 của mình trên khoảng cao không khói không tiếng ồn ấy và không quên dặn tôi tập nhảy dù. Tuy còn phải chờ đợi hai cái tết nữa nhưng lòng tôi đã tràn ngập hình ảnh thân thương của chung cư, một điều mà trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Chỉ còn ít lâu nữa thôi, tôi sẽ gia nhập vào thế hệ cư dân chung cư, mở mắt ra là thấy mây trời, hàng ngày bấm nút thang máy chục lượt, gửi xe ở tầng hầm, đón con ở nhà trẻ tầng 2, đi siêu thị ở tầng 3 và uống bia ở tầng 16 trong một chung cư khép kín.

Và còn điều này nữa: Tối nào nằm ngủ trên căn hộ tầng 12 ấy, tôi cũng sẽ mơ thấy ông... ngân hàng cho tới ngày trả được hết số tiền trả góp.

(Nguồn: Ashui.com)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.