Câu chuyện dài vô tận

28/11/2006 23:05 GMT+7

Thất bại của Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Erkki Tuomioja trong sứ mệnh ngoại giao trung gian giữa Síp và Thổ Nhĩ Kỳ sau tối hậu thư mà EU đặt ra đối với Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến vấn đề đàm phán giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ về việc đất nước này gia nhập EU trở thành một chủ đề nội dung nan giải và nhạy cảm trong chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao EU trong tháng 12.2006.

Như vậy, không chỉ vấn đề thống nhất hai miền đảo Síp sau hơn 30 năm bị chia cắt, mà cả việc Thổ Nhĩ Kỳ được kết nạp vào EU sau hơn bốn thập kỷ đệ đơn vẫn là câu chuyện dài vô tận, chưa biết rồi còn diễn biến tiếp theo thế nào và lại càng chưa thể biết được rồi sẽ kết thúc ra sao. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bất chấp đòi hỏi và cả tối hậu thư của EU muốn Thổ Nhĩ Kỳ vận dụng hiệp ước liên kết và liên minh thuế quan giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ cho cả Síp sau khi Síp đã gia nhập EU. Trong bối cảnh đó, EU không có con đường nào khác ngoài trì hoãn tiến độ quá trình đàm phán để kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU, cho dù đến nay đã có vô khối quốc gia châu u khác đệ đơn xin gia nhập EU muộn hơn Thổ Nhĩ Kỳ, mà nay đã trở thành thành viên có thể phán quyết chuyện gia nhập này vì đối với EU, thà để Thổ Nhĩ Kỳ ở ngoài EU và chấp nhận tồn tại vấn đề đảo Síp cũng ngoài EU còn hơn là kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU để rồi có vấn đề đảo Síp trong EU.

Có lẽ cũng bởi mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU nói chung, cũng như với một số thành viên EU nói riêng bị xấu đi đến như vậy nên Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã thay đổi ý định, không còn tìm cách tránh tiếp đón Giáo hoàng Benedict XVI đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, mà đã tiếp Giáo hoàng Benedict XVI ngay sau khi Giáo hoàng Benedict XVI đặt chân đến đất Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28.11.2006. Vậy là nhiệm kỳ Chủ tịch EU luân phiên của Phần Lan không được mấy thành công và vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn phức tạp và nhạy cảm hơn khi Đức kế nhiệm Phần Lan.

K.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.