Đừng để sử thành môn học vẹt

08/05/2014 02:05 GMT+7

Việc môn lịch sử là lựa chọn ít ỏi nhất của học sinh (HS) trong số các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay một lần nữa khiến những ai quan tâm phải nghĩ lại về cách dạy và học môn này.

Việc môn lịch sử là lựa chọn ít ỏi nhất của học sinh (HS) trong số các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay một lần nữa khiến những ai quan tâm phải nghĩ lại về cách dạy và học môn này.

>> Cách ôn để lấy điểm cao môn sử, địa
>> Học sinh chê môn Sử
>> Sau môn sử sẽ là môn gì?

Nhiều ý kiến cho rằng HS sẽ không quay lưng lại với môn sử nếu có sự thay đổi về nội dung và cách thức học môn học này trong lần đổi mới chương trình - sách giáo khoa sắp tới. Tuy nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng ghi nhận của phóng viên Thanh Niên cho thấy, các ý kiến đều tha thiết mong muốn chấm dứt biến môn học này thành môn thuộc lòng như hiện nay.

GS Vũ Minh Giang, ĐH Quốc gia Hà Nội: Không gò ép, áp đặt

Thông thường trong sách giáo khoa (SGK) lịch sử của nước ngoài, người ta chỉ đưa ra một số sự kiện lịch sử tiêu biểu. Người học tiếp thu những kiến thức này một cách tự nhiên mà không cảm thấy bị gò ép bởi một loạt những phân tích áp đặt. Tiếp theo là những câu chuyện lịch sử hấp dẫn có tính chất minh họa. Những sự kiện chọn lọc và những câu chuyện sẽ gợi mở cho người đọc tiếp tục suy nghĩ và tất yếu dẫn họ tới những kết luận cần thiết. Cách làm này vừa phát huy được trí sáng tạo của người học vừa làm cho họ dễ tiếp thu, dễ nhớ. Chỉ bắt học thuộc lòng những trang dày đặc những sự kiện và những điều áp đặt thì khó lòng gây được sự ham thích của giới trẻ.

Giáo sư Đỗ Thanh Bình, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Lược bớt chi tiết, diễn biến

Ở bậc tiểu học, SGK kể chuyện lịch sử một cách đơn giản, ngắn gọn, hấp dẫn. Đối với THCS và THPT, cần lựa chọn những sự kiện tiêu biểu, phản ánh bản chất của vấn đề, lược bớt những chi tiết, đặc biệt là diễn biến các cuộc khởi nghĩa, cuộc đấu tranh, cố gắng viết hấp dẫn và tăng kênh hình.

Bà Lê Thị Thu Hương, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội): Nên dạy theo chuyên đề

Không nên dạy học lịch sử theo chương trình đồng tâm như hiện nay mà đối với cấp THPT, đến lớp 12 nên dạy theo chuyên đề, vấn đề có tính chuyên sâu với phương châm là biết ít nhưng biết đến nơi đến chốn thì hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, cần có những chuyên đề ngoại khóa (dạy học lịch sử qua việc tham quan bảo tàng, di tích…) thì sẽ tạo hứng thú học tập cho HS.

Ông Nguyễn Nghĩa Tiến, Trường THPT Quế Võ số 2 (Bắc Ninh): Thay đổi cách kiểm tra, đánh giá

Hiện nay kiểm tra bài học lịch sử chủ yếu để tính điểm, sơ tổng kết quả học tập cho HS. HS ngại thi môn sử vì cách thức ra đề, kiểm tra đánh giá còn quá nặng về ghi nhớ máy móc sự kiện, ít chú ý đến tư duy. Vì vậy, phải đưa kiểu bài học tham quan thực tế vào chương trình chính thức chứ không phải chỉ ở dạng khuyến khích như hiện nay.

Vì sao học sinh không chọn sử?

Lưu Diễm, HS Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), đăng ký thi ĐH khối C nhưng lại không chọn thi tốt nghiệp môn sử. “Em thấy môn sử dễ bị lẫn lộn về thời gian và nhiều kiến thức phải nhớ. Em sợ không đủ thời gian để ôn”, Diễm cho biết.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, Chánh văn phòng Hội Sử học Đà Nẵng, cho rằng ít HS chọn môn sử thi tốt nghiệp là điều dễ hiểu. Ông Thiện phân tích, trong khi các môn học khác ít... tốn công, dễ ôn tập hơn thì môn sử hiện nay được dạy với quá nhiều thông tin, sự kiện và số liệu... nên HS không nhớ hết được. “Nên dạy sử theo hướng mở, với giáo trình mở. Thay vì nhồi nhét thì đưa HS đến với những chiến tích, hiện vật, nhân vật lịch sử, rồi cho các em viết bài thu hoạch, cảm nhận. Điều này sẽ tạo cho các em một sự đam mê với sử”, ông Thiện góp ý.

Diệu Hiền

Tuệ Nguyễn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.