Đà Nẵng chủ động hội nhập và tăng tốc phát triển

23/12/2006 23:38 GMT+7

10 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và 3 năm được công nhận là đô thị loại I, trong một khoảng thời gian không dài nhưng Đà Nẵng đã từng bước khẳng định mình để trở thành một tên tuổi, một "thương hiệu" được bạn bè khắp nơi biết đến như là một đô thị trẻ năng động và giàu tiềm năng.

Nhân dịp TP Đà Nẵng kỷ niệm các sự kiện trên, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh xung quanh vấn đề này.

* Thưa ông, nói đến thành tựu của TP Đà Nẵng trong 10 năm qua, người ta thường nói đến thành công trong việc chỉnh trang đô thị và đánh giá là TP điển hình của cả nước về vấn đề này?

- Bộ mặt của TP được khang trang như hôm nay là nhờ vào thành công to lớn đó. Chúng tôi đánh giá rất cao thành tựu này, coi đó như là biểu tượng đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân TP. Công việc chỉnh trang TP đã mang lại kết quả to lớn khi tạo ra được một cơ sở hạ tầng làm tiền đề cho mọi sự phát triển trong thời gian qua và là bước tạo đà cho thời gian tiếp theo... Nhưng theo tôi, nhận xét như thế là đúng nhưng chưa đủ...

* Vậy thì phải nói thế nào mới đủ?  

- Chỉ 6 năm sau ngày điều chỉnh địa giới hành chính, tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trở thành TP trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã được công nhận là đô thị loại I. Mà chúng ta đều biết, đô thị loại I có những tiêu chí cụ thể của nó chứ không phải chỉ do việc chỉnh trang. Ví dụ, về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thời kỳ 2001-2005, GDP của TP tăng bình quân 13% năm (cao hơn mức 7,5% của cả nước) và tăng 2,5% so với thời kỳ 1996-2000. Nếu như GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2001 là 7,82 triệu đồng, thì năm 2005 là 15,222 triệu đồng (bằng 2,2 lần). Thành tựu lớn nhất là TP đã phát triển kinh tế đúng hướng theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt với cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Năm 2005 tỷ trọng đó là: 51,09% - 43,23% - 5,68%. Năm 2005 tốc độ tăng trưởng 14% đánh dấu một giai đoạn mới, toàn diện, tạo đà cho sự phát triển của thời kỳ 2006-2010. Năm 2006, mặc dù TP là địa bàn chịu nhiều thiên tai nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn tăng... Đó chỉ là một ví dụ.

* Thưa ông, đó là so Đà Nẵng với Đà Nẵng, còn Đà Nẵng đặt trong khu vực thì sao?

- Sự phát triển toàn diện của Đà Nẵng có sức mạnh lan tỏa, tác động đến tốc độ tăng trưởng của cả khu vực. Vì thế nó không chỉ là nhiệm vụ của địa phương mà còn là trách nhiệm của Trung ương và cả nước nhằm tạo nên sức bật mới cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đà Nẵng đã vươn lên trở thành đô thị trung tâm của khu vực, đóng vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung và Tây Nguyên. Vào cuối tháng 12.2006 tuyến hành lang kinh tế Đông Tây được hình thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Đà Nẵng với các tỉnh và các nước trong khu vực phát huy lợi thế để phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu văn hóa.

* Thời gian gần đây, nhiều tỉnh thành thường nhắc đến hai từ "động lực" của khu vực, Đà Nẵng có thế mạnh gì hơn và làm gì để thể hiện vai trò đó?

- Phát triển thì nhiều địa phương cùng phát triển, đó là quy luật và cũng là điều đáng mừng, nhưng vai trò động lực thì không chỉ nói mà được. Chỉ xin tóm tắt thế này: Đà Nẵng có vị trí thuận lợi hơn các tỉnh thành khác là nằm ở trung độ đất nước, có vị trí trọng yếu về cả kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, giao thông vận tải; là cửa mở và cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây - nối TP với nhiều quốc gia khác trong khu vực, hình thành nên sự liên kết kinh tế, văn hóa, đối ngoại sinh động. Vì thế, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Chính phủ cũng đã tập trung đầu tư xây dựng đường hầm Hải Vân, nâng cấp cảng Tiên Sa thành cảng biển nước sâu hiện đại và xây dựng gần đó dự án đóng tàu biển trọng tải lớn; đầu tư mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng; hệ thống bưu chính - viễn thông, ngân hàng - tài chính lớn thứ ba cả nước; nằm ở vị trí trung điểm của "Con đường di sản miền Trung", lại là nơi có nhiều tiềm năng du lịch nên Trung ương đã giao nhiệm vụ cho TP sớm xây dựng trở thành một trong những trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế và cho phép mở dịch vụ vui chơi có thưởng cho người nước ngoài.

Ngoài ra, Đà Nẵng còn là trung tâm đào tạo của khu vực, nơi tạo ra nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và tay nghề cao. Về lĩnh vực y tế, Đà Nẵng đã có nhiều khoa chuyên sâu được trang bị các thiết bị vào loại hàng đầu hiện nay...

Ông Trần Văn Minh (trái) trong lễ ký kết đầu tư Khu đô thị phức hợp - sân golf Đa Phước

* Có ý kiến cho rằng, tốc độ đô thị hóa về cơ sở hạ tầng của TP rất nhanh, trong lúc nếp sống văn hóa văn minh đô thị lại chưa tương ứng, ông nghĩ sao về nhận xét này?

- Đó không phải là điều gì quá ngạc nhiên. Khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, ắt hẳn phải có một số lượng lớn lao động nông nghiệp chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ. Trình độ nói chung và nếp sống đô thị nói riêng không chỉ ngày một ngày hai mà có được. Thành phố cũng nhận thấy điều đó, vì thế sau khi cơ bản hoàn thành mục tiêu "5 không", TP tiếp tục triển khai chương trình "3 có" (có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn minh đô thị). Riêng việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị có hẳn một đề án riêng. Trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng nếp sống văn minh cá nhân, gia đình và xã hội; hành vi văn minh về giao tiếp, sinh hoạt, ý thức cộng đồng...

* Nhân dịp kỷ niệm các sự kiện đáng nhớ này, thành phố đề ra khẩu hiệu "Chủ động hội nhập và tăng tốc phát triển", TP sẽ tăng tốc như thế nào?

- Mục tiêu tổng quát của kế hoạch 5 năm (2006-2010) là xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước; là hạt nhân gắn kết các địa phương với nhau và trở thành đầu tàu năng động, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư; là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung... Để đạt được điều đó, có rất nhiều việc phải làm và TP cũng đã xây dựng một lộ trình cụ thể cho sự tăng tốc này. Ví dụ, để Đà Nẵng trở thành trung tâm khoa học và công nghệ của miền Trung thì phải đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ trong các ngành và lĩnh vực nhằm tạo ra chất lượng tăng trưởng. Lựa chọn công nghệ thích hợp, đầu tư ít vốn, thu hồi vốn nhanh. Phát triển có trọng điểm các ngành công nghệ cao, ưu tiên phát triển công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa. Thực hiện ứng dụng rộng rãi CNTT trong các lĩnh vực, đặc biệt trong các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập. Đến năm 2007, hoàn thành tin học hóa quản lý hành chính nhà nước; từng bước triển khai xây dựng "thành phố điện tử".

* Ông có nói đến việc thu hút và lan tỏa nguồn vốn, nhưng vừa qua có dự án đầu tư nước ngoài do chậm triển khai nên đã bị rút giấy phép?

- TP kiên quyết với những trường hợp như thế, nhưng đó là những trường hợp cá biệt. Trước đây, do chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư nên đúng là có một số dự án được cấp phép triển khai quá chậm, nhưng nay TP đã điều chỉnh lại, ví dụ dự án Khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước, khi đầu tư, họ đã đặt trước 5 triệu USD. Vào những ngày cuối năm nay, rất nhiều dự án đã được ký kết theo cách này, phải nói là đang có một "làn sóng" đầu tư vào Đà Nẵng rất đáng mừng.

* Như thế có thể nói nôm na, muốn đầu tư vào Đà Nẵng phải "đặt cược" trước, xin ông cho biết có gì hấp dẫn đối tác?

- Tôi cũng đã hỏi câu ấy với nhiều nhà đầu tư, có nhiều lý do, nhưng lý do làm hấp dẫn đối với họ là Việt Nam đã gia nhập WTO, khu vực miền Trung còn nhiều tiềm năng để phát triển và nhất là con đường xuyên Á mà Đà Nẵng là cửa mở và cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây, nối TP với nhiều quốc gia khác, hình thành nên sự liên kết kinh tế, văn hóa, đối ngoại trong khu vực, rất có triển vọng.

* Xin cám ơn ông!

Nguyễn Thế Thịnh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.