Bí ẩn những đường hầm ở Đà Lạt

27/11/2011 00:57 GMT+7

Nghe dư luận râm ran về những con đường hầm bí mật được đào từ trước năm 1975 ở Đà Lạt (Lâm Đồng), chúng tôi quyết định đi tìm để được mắt thấy, tay sờ.

Nghe dư luận râm ran về những con đường hầm bí mật được đào từ trước năm 1975 ở Đà Lạt (Lâm Đồng), chúng tôi quyết định đi tìm để được mắt thấy, tay sờ.

Đường hầm thoát hiểm?

Được mấy bậc cao niên chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến cuối đường Yên Thế (P.10). Khu vực này nhà cửa còn thưa thớt và là nơi nghi ngờ dấu tích còn lại của con đường hầm. “Thị sát” một vòng, thấy cổng nhà số 9 không khóa, chúng tôi mạnh dạn đẩy vào. May thay gặp được chủ nhà là vợ chồng ông bà Nguyễn Thắng Trung (67 tuổi) - Nguyễn Thị Đa (66 tuổi). Vợ chồng ông Trung sống ở đây từ trước giải phóng nên khá rành rẽ về khu vực này cũng như diễn biến thời cuộc ở Đà Lạt. Biết ý định của chúng tôi, ông Trung liền chỉ đường cho chúng tôi qua khu đất sát bên nhà ông (số 5 bis) để xem đường hầm.

Thực tế, dù ở Đà Lạt có nhiều đường hầm như vậy nhưng du khách không mấy ai biết, thậm chí người dân ở đây cũng rất ít người biết đến

Quả thật, trước mắt chúng tôi và “núp” sau bụi dã quỳ là một miệng hầm được xây bằng đá rất kiên cố, rộng khoảng 2m, cao hơn 2,5m. Ông Trung bảo: “Đấy, cứ vào xem đi, ở trong dơi nhiều lắm. Muốn ăn dơi thì cứ chiều gần tối đến đây bắt, lúc này dơi từ trong hầm bay ra đi kiếm ăn rất nhiều, con nào con nấy to như nắm tay”. Nói xong ông Trung đi về, còn chúng tôi “thậm thò thậm thụt” dỡ bụi dã quỳ tiến vào đường hầm. Vừa qua khỏi miệng hầm, chúng tôi phải khom người sát đất để chui vào vì chỗ này bị chặn bởi một tảng đá khá lớn nên lối vào hầm bị thu nhỏ lại. Qua khỏi tảng đá, một con đường hầm rộng trên dưới 2m, cao từ 1,5 đến hơn 2m, xung quanh là đá dài hun hút lộ ra, chiếc đèn pin mang theo chỉ còn là một đốm sáng le lói. Tiến vào khoảng 30m, chúng tôi gặp một ngã ba (rộng và cao hơn 2m), phỏng đoán một nhánh hướng ra khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng, một nhánh thẳng ra ngã ba Trại Hầm (P.10). Tuy nhiên, đi vào nhánh hướng ra phía khuôn viên bảo tàng chừng hơn 20m thì đường hầm bị lấp bởi đất đá; quay trở lại, chúng tôi khom người đi tiếp nhánh còn lại thì cũng chỉ được khoảng hơn 50m bởi đất đá chắn ngang.

 
Miệng đường hầm ở số 5 bis Yên Thế, phường 10, Đà Lạt - Ảnh: G.B

Theo bà Nguyễn Thị Đa, đường hầm này được người Nhật cho đào vào khoảng năm 1945 và bố của bà là một trong số hàng trăm nông dân ở khu vực Trại Hầm bị bắt “lao động công ích” đào hầm suốt ngày đêm. Bà Đa kể: “Tôi nghe bố kể lại rằng, tháng 11.1945, khi mẹ tôi sinh tôi, bố vẫn phải đi đào hầm, có hôm bố phải trùm bao bố vào người giả vờ bị sốt rét để được ở nhà với vợ con. Bố tôi nói, đường hầm này có một nhánh dẫn ngang qua khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng bây giờ và ra đến đầu đường Khe Sanh (đường dẫn về Sài Gòn lúc bấy giờ), đường còn lại thông ra ngã ba Trại Hầm (đầu đường vào Dinh I, cũng là đầu đường đi ra miền Trung). Nhánh đường hầm ra hướng ngã ba Trại Hầm thì cách đây hơn 10 năm hai đứa con của tôi đã đốt đuốc đi hết đoạn này”. Theo phán đoán của bà Đa, vùng này khi xưa là một khu rừng và rất có thể đường hầm này nhằm để người Nhật thoát hiểm nếu có bất trắc xảy ra.

Ngoài ra, Dinh I (P.10) trước kia từng là nơi Quốc trưởng Bảo Đại làm tổng hành dinh và nơi làm việc cho các quan chức, đến năm 1956 Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm sử dụng làm dinh riêng và làm thêm đường hầm bí mật. Nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh cho biết ông đã từng vào đường hầm ở Dinh I này, đường hầm kín đáo, là lối thoát hiểm thông ra một sân bay trực thăng, cửa đường hầm ngay trong phòng ngủ Ngô Đình Diệm và có một chiếc tủ sắt chắn ngay cửa để che mắt người khác… Bên cạnh đó, theo Địa chí Đà Lạt (năm 2008), tại Dinh II, trước kia là dinh Toàn quyền Decoux (nay là Nhà khách UBND tỉnh Lâm Đồng) cũng có hệ thống đường hầm bí mật, nối vào hầm chứa rượu với bề ngang chừng 1,5m, cao hơn 1m, có nhiều ngõ ngách và được đúc bằng bê tông kiên cố nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Decoux và gia đình.

Ngay tại khách sạn Palace (xây dựng 1922) cũng có đường hầm thoát hiểm rộng khoảng 2,5m, cao hơn 2m thông từ phòng ăn ra đường Hồ Tùng Mậu (P.3) và nay đã được phục hồi làm đường nội bộ của khách sạn. Không chỉ vậy, khách sạn này cũng có đường hầm khác rộng chừng 1m, cao 1,2m, dài khoảng 50m thông qua đường Trần Phú nối với khách sạn du Parc…  

 
Bên trong đường hầm - Ảnh: Hồ Thanh Bình

Vẫn còn bí mật

Thực tế, dù ở Đà Lạt có nhiều đường hầm như vậy nhưng du khách không mấy ai biết, thậm chí người dân ở đây cũng rất ít người biết đến. Ngay cả nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh cũng chỉ biết đường hầm ở Dinh I mà thôi. Ông Phan Thái (80 tuổi, ở đường 3 Tháng 2) là người từ nhỏ đến lớn sống ở Đà Lạt nhưng cũng không biết trong thành phố này có đường hầm, ông chỉ nghe nói ở biệt điện Trần Lệ Xuân (Trung tâm lưu trữ quốc gia IV bây giờ) có một đường hầm… Đáng nói hơn, trong Địa chí Đà Lạt (năm 2008) có nói đến đường hầm ở Dinh II, nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề với lãnh đạo nhà khách này thì được trả lời là “tôi không biết và cũng không nghe nói về đường hầm nào ở đây cả”. Một cán bộ Công ty TNHH khu nghỉ mát Đà Lạt (đơn vị chủ quản khách sạn Palace và du Parc) cho hay: “Khách sạn đã từng xin phép cho khôi phục đường hầm thông qua đường Trần Phú nối 2 khách sạn với nhau để làm đường nội bộ nhưng không được UBND tỉnh đồng ý, hiện đường hầm này chỉ dùng làm đường hầm kỹ thuật thôi”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, khẳng định: “Hầu hết những thông tin về đường hầm ở Đà Lạt lâu nay chỉ là tin đồn và truyền miệng chứ chưa có căn cứ. Theo tôi, khả năng có đường hầm là không cao”. Cũng theo ông Hương, bản thân ông chưa thấy đường hầm nào và cũng không nghe đơn vị trực thuộc nào báo cáo về đường hầm gì cả. “Bởi vậy nên Sở cũng chưa có chủ trương, kế hoạch để đề xuất trùng tu, tôn tạo gì. Hiện Sở vẫn đang tiếp tục tập hợp các nguồn tin, khi có căn cứ chính xác mới đề xuất khám phá và nếu có thì mới có kế hoạch khai thác phục vụ du lịch”, ông Hương nói.

Vợ chồng ông Trung nói: “Nếu vợ chồng tôi không ở đây mà chuyển đi nơi khác sinh sống thì chắc chắn không ai biết lai lịch của đường hầm này, bởi những người từng tham gia đào đường hầm này đã lớn tuổi và nay không ai còn sống”. Theo những gì chúng tôi chứng kiến, thì đường hầm ở số 5 bis Yên Thế đang có nguy cơ bị sụp lấp trong thời gian không xa… Không biết đến bao giờ những đường hầm bí mật ở Đà Lạt này mới được các cơ quan chức năng để mắt đến và khai thác du lịch? 

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.