"Chọn" thầu nào?

28/09/2004 09:37 GMT+7

Ông Lê Dũng ở quận Tân Bình đã từng xây 3 căn nhà nói: “Nếu bây giờ phải xây căn nhà nữa, tôi vẫn lúng túng khi chọn thầu. Thực ra không có công thức chung cho việc này và việc rút kinh nghiệm thì không bao giờ hết".

"Ðâu vẫn vào đó"

Bà Xuân Mai ở quận 7 xây căn nhà 2 lầu trên diện tích 60m². Bà chọn ông thầu Hoàng và khoán nhân công giá 340.000 đ/m² xây dựng, rẻ hơn giá thị trường 40.000 đ/m² còn vật tư thì tự lo. Khi xây được 60%, ông Hoàng than lỗ, đưa ra đủ thứ phát sinh. Bà Mai kể, thôi thì nâng lên 380.000 đ/m² cho bằng giá thị trường "vì coi thầy, thầy nói tui với thầu Hoàng hạp tuổi, không nên thay ngựa giữa dòng". Ðến khi hoàn tất, kết toán giá nhân công lên đến 420.000đ/m²!

Kỹ sư Trần Chiến Thắng, giám đốc công ty tư vấn xây dựng Dự Toán cho biết, chuyện như bà Xuân Mai không hiếm. Vì hiện nay "thợ lên thầy" đi nhận thầu khá nhiều. Họ biết làm, biết nghề nhưng không biết quản lý, từ đó gây ra lãng phí công. Hơn nữa, để cạnh tranh, họ thường chọn cách hạ giá nhận thầu rồi sau đó “đẻ” phát sinh, “biến hóa” để nâng giá lên lại.

Theo kỹ sư Thắng, có thể tìm nhà thầu phù hợp cho việc xây nhà dân dụng qua những bước sau.

Cách giao thầu nào?

Trước hết phải nắm được từng cách giao thầu. Hiện có 3 cách phổ biến: giao nhân công, giao thầu trọn gói và giao từng phần.

Giao nhân công có ưu điểm là chủ nhà tự mua vật tư, yên tâm chất lượng và đúng chủng loại mong muốn; không lo nhà thầu "tiết kiệm" quá mức làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Giá thành công trình thường rẻ hơn nếu chủ nhà biết cách mua vật tư và quản lý, giám sát thợ tốt. Nhược điểm là chủ nhà phải tốn nhiều sức và thời gian.

Giao thầu trọn gói có ưu điểm là tiện việc, nhà thầu chủ động được công việc. Nhược điểm là giá thường cao, kiểm soát vật tư, chất lượng khó khăn. Chủ nhà muốn thay đổi chủng loại cũng không được thoải mái. Nếu gặp thầu không tốt, có thể bị bớt xén, tráo chủng loại vật tư...

Giao thầu từng phần: kết hợp được ưu điểm của hai cách trên. Thông thường là giao thầu nhân công và các vật liệu phần xây thô, vật liệu phần hoàn thiện chủ nhà tự mua. Ưu điểm cách này là vật liệu chính cho phần thô như cát, xi măng, thép, gạch, đá đều có giá chuẩn, ổn định, định mức và thương hiệu rõ ràng. Vật liệu cho phần hoàn thiện nhiều chủng loại, giá cả có nhiều mức để chọn lựa vừa túi tiền. Giá thành theo cách này vẫn cao hơn cách giao thầu nhân công nhưng có thể chấp nhận được.

Tự hỏi để trả lời

Vậy nên lựa chọn cách nào? Bạn hãy tự hỏi, bạn có thời gian không? Có hiểu biết gì về xây dựng không? Nếu câu trả lời là có, bạn có thể chọn cách giao thầu nhân công. Nếu không có thời gian theo dõi công trình, tài chính không hạn hẹp, có thể khoán thầu trọn gói. Tuy nhiên, bạn phải nắm chắc hai điều: có bộ thiết kế và dự toán thật chi tiết; chọn được nhà thầu thạo nghề. Nếu không trả lời chắc chắn những câu hỏi trên thì cách giao thầu từng phần là thích hợp hơn.

Ðể chọn được nhà thầu đủ khả năng và uy tín, bạn nên tham quan một vài công trình mà nhà thầu mình chọn đã làm; hỏi han chủ nhà đó về quá trình xây dựng. Và nên chọn 2-3 nhà thầu để so sánh. Giá cả là tiêu chí quan trọng để chọn lựa nhưng cần kết hợp các yếu tố khác như uy tín, kinh nghiệm, phương tiện thi công... Ngoài ra, phải lưu ý các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng và thời hạn ứng tiền. Vì nhiều hợp đồng chỉ “đứng” về một phía, có lợi cho nhà thầu.

Nếu bạn giao phần thô và tự mua vật liệu hoàn thiện thì điều quan trọng, phải nắm bản dự toán các vật liệu hoàn thiện này để dự liệu kinh phí và có kế hoạch mua sắm, cung ứng đúng tiến độ cho công trình.

Theo SGTT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.