Công chờ lâu hơn công khám

18/11/2010 15:05 GMT+7

Tình trạng hành bệnh nhân đến khám bằng BHYT, đặc biệt là với đối tượng HS, SV vẫn diễn ra tại một số bệnh viện, cơ sở y tế tại Hà Nội.

Ở các quận, huyện ngoại thành, người dân vẫn chưa biết nhiều về BHYT. Nhiều phụ huynh mua BHYT cho con, nhưng không thật sự quan tâm đến những lợi ích từ bảo hiểm. Nếu con cái bị ốm, dù đã đóng BHYT, đa phần phụ huynh vẫn tự ra hiệu thuốc với tâm lý “thà đi mua cho nhanh, chứ đợi được thuốc nhờ BHYT cũng mệt”.

Chị Trần Thị Nguyệt (đội 2, Hạ Mỗ, H.Đan Phượng, Hà Nội) có hai con, một học lớp 7, một học lớp 1, cho biết năm nào cũng mua BHYT cho cả hai đứa. “Nhưng mãi vừa rồi đứa con gái lớn học lớp 7 bị ốm đến trạm y tế xã để khám bằng BHYT. Họ xem thẻ BHYT xong thì khám và phát cho một vài vỉ thuốc. Cháu về nhà, tôi cho uống thuốc ấy, cũng thấy khỏi”, chị Nguyệt chia sẻ. Theo chị, hầu hết các phụ huynh ở ngoại thành đều mua BHYT cho con, vì đây là một trong các khoản thu đầu năm học. Tuy nhiên, mua BHYT chỉ để phòng trường hợp nặng phải chuyển tuyến, còn việc sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh từ thẻ BHYT thì gần như không có.

“Rất nhiều người vẫn cho rằng thuốc của BHYT chỉ là loại “phát cho có”, chứ không hiệu quả, nên nếu con có ốm đau thì chủ yếu vẫn tự mua thuốc chữa ở nhà”, chị Nguyệt nói. Theo chị, phần lớn đối tượng mua và sử dụng BHYT hiệu quả nhất là người cao tuổi.

Không chỉ với HS, SV, những người dân mua BHYT đến khám cũng bị hành tới bến. 11 giờ trưa 17.11, tại khu khám nội Bệnh viện Xanh-pôn, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, không có trường hợp bệnh nhân là HS, SV, mà chủ yếu là người trung niên, người già. Dù thế, cảnh chờ đợi đến lượt khám vẫn diễn ra. Một bệnh nhân tiểu đường ngồi chờ khám cho biết anh đến khoảng 9 giờ nhưng đến 11 giờ mới được khám.

Từ lúc bệnh nhân này bước vào phòng khám đến khi bước ra, chưa đầy 5 phút. “Vì tôi cũng chỉ cần khám để biết mức độ bệnh như thế nào, với lại cần biết có uống thêm thuốc ngoài thuốc cũ hay không nên khám nhanh. Nhưng giá như không phải chờ lâu thì tốt. Nói thật, công chờ lâu hơn công khám, với người rảnh rang thì không sao, nhưng với người bận rộn, thà để bệnh còn hơn”, anh phân trần. Một bệnh nhân khác ngồi cạnh chép miệng: “Chắc gần hết giờ khám nên họ cố khám nhanh cho xong”. Tỏ ra có kinh nghiệm đi khám bệnh bằng BHYT, ông này cho biết muốn được khám kỹ thì phải lấy được phiếu khám thật sớm.

Trần Đan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.