Quỹ nhà tái định cư

22/11/2008 00:11 GMT+7

Hội thảo góp ý về thực hiện chính sách tái định cư (TĐC) trên địa bàn TP.HCM, do HĐND TP.HCM tổ chức hôm qua 21.11, nhằm tìm giải pháp cho tình trạng tạm cư kéo dài và hạn chế những mất mát, khổ sở của người dân sau khi bị giải tỏa.

Đại diện các hộ dân có đất bị thu hồi tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bà Lê Thị Bạch Tuyết (P.Thủ Thiêm, Q.2) nêu một bất hợp lý trong chính sách TĐC hiện nay: “Chúng tôi đang ở nhà trệt, giờ giải tỏa đưa lên chung cư. Dù căn hộ được bán theo giá TĐC, nhưng chúng tôi lấy đâu ra tiền để trả cho Nhà nước, trong khi phải chạy ăn từng bữa. Trước nay, dù ở nhà tranh vách lá, nhưng chẳng thiếu nợ ai, sống thanh nhàn, giờ giải tỏa lại bị thiếu nợ, thử đặt vào hoàn cảnh người lao động nghèo như chúng tôi, mấy anh chị có chấp nhận không?”. Bà Tuyết đề nghị UBND TP và các cơ quan chức năng nhanh chóng xây dựng các khu TĐC, có nơi chuyển dân tới thì mới tính đến chuyện thu hồi đất của dân.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Phạm Văn Hải nói ông không đồng tình việc trong nhiều báo cáo của các cơ quan chức năng luôn có câu đánh giá chủ quan "Cuộc sống và nơi ở của người dân bị giải tỏa đã tốt hơn nhiều so với nơi ở cũ", trong khi thực tế qua khảo sát phần lớn người dân đều khổ sở. “Từ đó, tôi có cảm giác chúng ta chỉ lo TĐC cho dân vậy là xong, còn cuộc sống của họ sau đó ra sao chẳng được màng đến. Điều đó không thể chấp nhận”, ông Hải phát biểu. Đồng quan điểm, Phó trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP Huỳnh Công Hùng nhấn mạnh: “Chất lượng nhiều khu TĐC chưa bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ theo tinh thần Nghị quyết của Thành ủy”. Còn Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Thanh Chín nhận xét: "Sau khi giải tỏa, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do không còn đất và không biết làm nghề gì để sống vì trình độ văn hóa thấp. Do vậy, tỷ lệ tái nghèo là vấn đề rất đáng lo…".

Nhằm giải quyết tình trạng tạm cư kéo dài và thực hiện tốt chính sách TĐC hộ dân, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp cho biết đã gửi kiến nghị 10 điểm đến UBND TP. Theo đó, từ nay nhất thiết phải chuẩn bị quỹ nhà đảm bảo bố trí đủ cho các hộ dân TĐC đối với từng dự án trước khi tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đa dạng hóa các hình thức tạo quỹ nhà TĐC để đáp ứng nhu cầu TĐC cho các hộ bị di dời, giải tỏa. Thực hiện nghiêm chỉnh việc điều tra xã hội học đối với các hộ dân trong diện giải tỏa để phục vụ cho việc xây dựng chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC.

Đối với các trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất ở, các trường hợp có diện tích giải tỏa nhỏ, số tiền bồi thường thấp không đủ để tạo lập nơi ở mới… thành phố sẽ có quỹ nhà xã hội dạng căn hộ chung cư diện tích nhỏ để giải quyết cho các hộ này ổn định cuộc sống. Đối với những dự án do Nhà nước thu hồi đất (không phân biệt nguồn vốn đầu tư), Nhà nước sẽ tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và TĐC; chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đảm bảo đủ chi phí bồi thường, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, hạn chế để chủ đầu tư tự thỏa thuận như trước đây…

Ngoài ra, thành phố sẽ lưu ý hơn đối với việc thu hồi đất khu vực nông thôn, ngoại thành, vì khu vực này thường có giá bồi thường thấp, không đủ để bà con tạo lại nơi ở mới theo quy hoạch. Đặc biệt, thành phố sẽ thành lập một cơ quan chuyên trách về công tác vận động tư tưởng các hộ dân bàn giao mặt bằng để phục vụ lợi ích chung của xã hội. Cơ quan này có trách nhiệm xác định các tiêu chí để so sánh chỗ ở mới tốt hơn hay không bằng nơi ở cũ, nhằm hạn chế khiếu nại, đồng thời phối hợp với các địa phương hỗ trợ công tác hậu di dời cho người dân, như: chuyển hộ khẩu, trường học, lắp đồng hồ điện, nước, định hướng nghề nghiệp…

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.