Ý kiến xung quanh thời hiệu khởi kiện

17/12/2006 23:21 GMT+7

Báo Thanh Niên số ra ngày 16.11.2006 có bài: Tranh chấp dân sự phát sinh trước ngày 1.1.2005: Cẩn thận để khỏi mất trắng tài sản. Nhiều bạn đọc đã tỏ ra rất quan tâm đến những thông tin này và đề nghị Thanh Niên phân tích rõ hơn những vấn đề pháp lý xung quanh thời hiệu khởi kiện.

Nghị quyết số 32/2004/QH11 về thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) có quy định đối với những tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh- thương mại phát sinh trước ngày 1.1.2005 (ngày Bộ luật TTDS có hiệu lực) thì thời hiệu khởi kiện là 2 năm (áp dụng theo điều 159 Bộ luật TTDS). Như vậy, vào thời điểm này (ngày 18.12.2006), thời hiệu khởi kiện chỉ còn... 13 ngày nữa. Nhiều người lo ngại về quyền lợi chính đáng của nguyên đơn sẽ bị mất trắng nếu áp dụng theo điều 159 này.

Trước đây, người dân đã quen theo tập quán cũ là các hợp đồng dân sự được xác lập từ ngày 1.7.1996 mà có vi phạm thì đương sự  không bị  hạn chế thời gian khởi kiện. Nay bị luật hạn chế về thời hiệu như vậy mà công tác tuyên truyền phổ biến chưa đến nơi đến chốn, nhiều người sẽ bị bất ngờ và có nguy cơ bị tòa án từ chối thụ lý những vụ kiện loại này. Ngoài ra, những lo ngại như các tranh chấp về hôn nhân gia đình như việc xin truy nhận cha cho con, nếu áp dụng thời hiệu chỉ có 2 năm thì thời điểm được tính từ khi nào? Có quy định ngoại lệ cho loại kiện này không?

Trong thực tế, những trường hợp cho vay, mượn rất phổ biến trong nhân dân vì tình cảm, vì quan hệ họ hàng, bạn bè... nên những quan hệ giao dịch này đến hạn (hoặc quá hạn) vẫn được gia hạn, hứa hẹn với nhau nhiều lần. Đến khi cần giải quyết tranh chấp thì thời hiệu khởi kiện đã hết. Tuy nhiên, "Những giao dịch có tranh chấp xảy ra trước ngày 1.1.2005, người khởi kiện không có nguy cơ mất trắng tài sản nếu vận dụng đúng quy định trong điều 162 - Bộ luật Dân sự (BLDS)". Đó là ý kiến của thẩm phán Đình Thanh - TAND huyện Sông Cầu (Phú Yên). Lý giải như sau: Những giao dịch này nếu đã được gia hạn mà đủ điều kiện theo quy định thì vẫn được giải quyết. Đó là áp dụng theo quy định: Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện (điều 162- BLDS). Theo đó, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được bắt đầu lại trong các trường hợp: Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ đối với người khởi kiện; hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; các bên đã tự hòa giải với nhau.

Quan điểm của thẩm phán Đình Thanh như sau: Về phía đương sự: nếu rơi vào trường hợp trên (theo điều 159 Bộ luật TTDS) nên thương lượng (hoặc bằng mọi biện pháp) để người có nghĩa vụ thực hiện một trong 3 trường hợp quy định tại điều 162-BLDS. Hoặc cho đến trước ngày 31.12.2006, nên tiến hành khởi kiện; hoặc tiến hành yêu cầu người có nghĩa vụ xác nhận bằng văn bản thừa nhận nghĩa vụ đối với mình; hoặc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cho mình và xác nhận thời điểm thực hiện nghĩa vụ này; hoặc cả hai bên thương lượng xác nhận nghĩa vụ và ấn định thời hạn thực hiện nghĩa vụ sau ngày 31.12.2006.

Đối với cơ quan có thẩm quyền là tòa án nhân dân các cấp, nhận đơn khởi kiện loại việc này sau ngày 31.12.2006 thì không nên trả lại mà giải thích hướng dẫn đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và vận dụng điều 162 - BLDS để được xem xét thụ lý. Trường hợp họ đã thực hiện, nhưng người có nghĩa vụ không đồng ý (như một trong 3 trường hợp của điều 162 - BLDS) thì giải thích cho họ biết điều 159 Bộ luật TTDS; đồng thời tiến hành thụ lý và hướng dẫn người khởi kiện làm đơn yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ, nếu người có nghĩa vụ đồng ý thì xác định lại thời hiệu khởi kiện để giải quyết. Nếu người có nghĩa vụ không thừa nhận thì tòa án đình chỉ vụ án.

Theo chúng tôi, đây là một ý kiến hay, cần được các cơ quan pháp luật, nhất là ngành tòa án nghiên cứu xem xét. Nên chăng vấn đề này cần có sự hướng dẫn thống nhất của ngành bảo vệ pháp luật ở trung ương mà cụ thể là TAND tối cao để đích cuối cùng là bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của đương sự, tránh nguy cơ mất trắng vì thiếu thông tin về pháp luật.

Hoàng Tạo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.