Cạn tàu ráo máng

24/11/2009 09:48 GMT+7

Tha thứ cho người cũng là tha thứ cho mình. Vậy sao lại không để cho lòng thanh thản?

Người đàn ông mặc chiếc áo sơ mi nhàu nhĩ ngồi thu mình vào sát tường trên hàng ghế dành cho bị cáo, nhẫn nại ngồi chờ tòa xét xử một vụ án khác. Giật mình khi tòa gọi đến tên, ông ta từ từ tiến đến vành móng ngựa, trả lời thẩm vấn với vẻ nhún nhường, cam chịu.

Đến lượt mình, bị hại đã làm cho phiên tòa thực sự “bùng nổ” khi bù lu bù loa kể tội bị cáo, đến nỗi vị chủ tọa phải mấy lần ngắt lời, nhắc nhở bị hại đi vào trọng tâm nội dung kháng cáo.

Họ là anh em cùng mẹ khác cha, sống chung một nhà. Người anh là L.H.C và em gái là N.T.T.T.

- Lý do bà kháng cáo?

- Bởi vì tòa sơ thẩm xử không đúng nội dung sự việc. Có nhiều chi tiết mà cơ quan điều tra, VKSND và tòa án bỏ qua, ví dụ như chuyện tên C. hiếp dâm con tôi... Vì thấy bị xử ép nên tôi kháng cáo.

- Vậy bây giờ bà đề nghị xử như thế nào?

- Tôi yêu cầu tòa xử cho đúng người, đúng tội chứ 9 tháng tù treo là chưa thỏa đáng. Bữa đó, tên C. đánh con tôi không phải là giáo dục mà như là một hành động hiếp dâm. Tên C. xách dao chém tôi là cố ý giết người. Bản án nói hai mẹ con tôi đánh tên C. trước là vô lý, không đúng sự thật vì mẹ con tôi không hề đánh cái nào...

Nội dung vụ án lần lượt hiện rõ theo các câu hỏi đáp giữa HĐXX, bị cáo và bị hại. Từ nhỏ, họ sống chung nhà. Bị cáo cưới vợ rồi có con vẫn sống ở đó. Riêng bà T. lấy chồng xong về quận Gò Vấp - TPHCM ở. Được một thời gian, vợ chồng bà T. ly dị, mẹ của họ gọi mẹ con bà T. về sống chung.
 
Trưa 27-6-2008, sau khi ngồi uống rượu với bạn trước nhà, C. vào phòng vệ sinh thì gặp bà T. mới đi chợ về, đang rửa mặt. Thuận miệng, C. nhắc nhở em gái về việc giữ vệ sinh chung nhưng bà T. lớn tiếng cãi lại khiến C. bực mình, đá giỏ đồ đi chợ của bà T. Bênh mẹ, con gái bà T. từ phòng trong xông ra chửi cậu.

Trước thái độ hỗn láo, xấc xược của cháu, trong người lại đang có hơi rượu nên C. xông vào đánh, dẫn đến việc cả ba người thượng cẳng chân, hạ cẳng tay không cần phân biệt cao thấp, trên dưới. Sự việc chỉ dừng lại khi những người trong gia đình can ngăn. Tuy nhiên, về phòng mà cơn giận vẫn chưa nguôi, C. hùng hổ xuống bếp lấy con dao bản lớn đi đến phòng bà T., đạp cửa vào rồi vung dao chém. Bà T. đưa tay trái đỡ và bị rách da, tỉ lệ thương tật 2%.

Trước khi hỏi về yêu cầu bồi thường, vị thẩm phán lên tiếng nhắc nhở bị hại không nên gọi bị cáo là “tên này, tên nọ” vì nói thế nào, bị cáo vẫn là anh ruột lại bị hội chứng chấn động não, suy não sau tai nạn giao thông. Hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo đã có pháp luật xử lý. Nhưng trong một gia đình mà cách ứng xử, xưng hô thiếu chuẩn mực, tôn trọng cũng là một trong những nguyên nhân khiến mâu thuẫn kéo dài và hậu quả đương nhiên đôi bên cùng gánh chịu. Điều HĐXX mong muốn chính là sau phiên xử, cả hai bên nhìn ra lỗi lầm của mình để sống hòa thuận, yên ổn cùng nhau dưới một mái nhà.

Thế nhưng, xem ra mọi nỗ lực của HĐXX đều không thay đổi được cách nhìn của họ về nhau. Vừa tấm tức khóc, bà T. vừa nói: “Tên C. mà bị thần kinh gì? Chỉ giả bộ thôi. Hắn vẫn chạy xe ôm kiếm sống được mà. Khi chém tôi, tên C. có nghĩ tôi là em ruột không? Tôi bị thương, tên C. cũng không có một lời hỏi thăm còn kiếm chuyện chửi bới mẹ con tôi hằng ngày.

Tòa không biết chứ tội tên C. chồng chất, hành hạ mẹ già, đánh tất cả mọi người trong gia đình. Vậy mà khi tôi phát ngôn gọi là “tên C.”, tòa đã đánh giá xấu về con người tôi... Sao không ai chịu nghe tôi và cho tôi nói cho có đầu có đũa? Tôi oan ức lắm”.
 
Đến lúc này, C. không nhịn mà phản bác lại: “Bị hại khai không đúng. Tôi là con lớn nên phải bỏ học sớm để phụ má tôi lo cho các em. Đến giờ này tôi đã lo trọn cho má. Còn chuyện chưa bồi thường cho nó là vì tôi nói chuyện với nó không được. Nó điều trị có 5 triệu đồng mà đòi bồi thường 151 triệu đồng, tôi không chịu thì nó nói sẽ thưa để tôi đi tù... Tòa sơ thẩm đã tuyên bồi thường 6,8 triệu đồng thì tôi chấp nhận nhiêu đó chứ không đồng ý bồi thường thêm. Khoản tiền đó cũng phải vay mượn tôi mới có...”.

Nghe đến đây, vị chủ tọa buông tiếng thở dài: “Anh em với nhau, là máu mủ, ruột rà, không ai cãi nhau cạn tàu ráo máng. Vậy mà...”.

Nghị án. C. ngồi thẳng lưng nơi chiếc ghế dành cho bị cáo chờ đợi, không quay xuống cũng chẳng quay ngang, mặc ở phía sau người em gái lớn tiếng gọi “mày” xưng “tao” rồi mắng nhiếc, rủa xả. HĐXX vào làm việc.

Kháng cáo của bà T. không được chấp nhận. C. và vợ lẳng lặng bước nhanh ra khỏi phòng xử án trước cái liếc xéo đầy hận thù của người em gái... Có vẻ như sóng gió vẫn chưa hết trong căn nhà chung của họ.

Theo Tố Trâm / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.