Lại “sốc” với giá sữa

21/11/2008 10:05 GMT+7

Trong khi giá sữa nguyên liệu thế giới đang giảm mạnh thì ở thị trường trong nước, một số mặt hàng sữa lại tăng giá. Và những mặt hàng tăng giá lại là những loại dành cho trẻ nhỏ. Theo một chuyên gia ngành sữa, đây là "quy luật" tăng giá dịp cuối năm của cá hãng sữa lớn. "Quy luật" này vẫn diễn ra dù năm nay sức mua giảm...

Người tiêu dùng lại bị “sốc” khi giá bán một số loại sữa vừa bất ngờ tăng đồng loạt với mức 10.000-30.000 đồng/hộp. Điều hết sức ngạc nhiên là giá tăng trong bối cảnh giá nguyên liệu sữa và sức mua thị trường đang giảm mạnh.

Tăng vì có sản phẩm mới!

Theo ông Lê Hữu Bình, phó tổng giám đốc Công ty TNHH dược phẩm 3A, một trong những nhà phân phối chính sản phẩm sữa Abbott tại thị trường VN, sở dĩ sản phẩm sữa Pediasure dành cho trẻ từ 1-10 tuổi, loại 900g/lon, tăng giá từ ngày 6-11 là do nhà sản xuất quyết định. “Vì đây là sản phẩm có công thức sữa mới vượt trội về chiều cao và cân nặng, tăng sức đề kháng” - ông Bình giải thích.

Sức mua giảm gần 50%

Các cửa hàng, đại lý tại chợ Tôn Thất Đạm, đường Nguyễn Thông, Hai Bà Trưng... đều than thở gần hai tháng nay thị trường sữa khá ảm đạm, sức mua chậm. Giới kinh doanh sữa cũng cho biết thị trường sữa sẽ không có mức tăng trưởng như kỳ vọng. Ông Lê Hữu Bình cho biết sức tiêu thụ các dòng sản phẩm sữa hiện giảm gần 50%.

Đại diện một công ty phân phối sữa cho biết mức thuế nhập khẩu nguyên liệu đã giảm từ 10% xuống còn 7%.

Với sản phẩm mới này, khi nhập khẩu trực tiếp sản phẩm từ New Zealand, theo ông Bình, giá đã tăng khoảng 8,45%, từ mức 11,08 USD/lon tăng lên 15,27 USD/lon. Từ mức giá trên, khi tính thêm các chi phí, giá bán khi đến tay người tiêu dùng ở mức 352.000 đồng/lon, tăng 29.000 đồng so với trước đó. “Chúng tôi biết sức mua thị trường đang ở mức rất thấp, nhưng việc tăng giá không phải do chúng tôi quyết định” - ông Bình phân trần.

Tương tự, đại diện Nestlé VN cho rằng việc tăng giá là do tung ra sản phẩm mới. Trong đó có loại Nan Pro, một sản phẩm mới được nhập khẩu từ Hà Lan bán tại thị trường nội địa. “Nestlé VN phải điều chỉnh giá của một số sản phẩm sữa trên cơ sở tăng dần từng bước” - đại diện Nestlé VN nói.

Trong khi đó giá nguyên liệu sản xuất sữa vẫn đang trên đà giảm mạnh và sức mua trên thị trường sụt giảm đến 50% so với trước. Chính ông Trần Bảo Minh, phó tổng giám đốc Vinamilk, xác nhận giá sữa nguyên liệu hiện nay đã trở về mức giá của năm 2006, “nhưng chỉ giảm sữa bột gầy chứ bột béo vẫn còn cao”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành sữa, sữa bột gầy mới là nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm sữa bột các loại, còn sữa bột béo chỉ dùng trong sản xuất thực phẩm và sữa đặc có đường!

Vẫn theo ông Minh, giá sữa khó giảm do bao bì thiếc, chi phí nhân công, tỉ giá... đều tăng. “Việc giữ mức giá hiện nay là một thành công rồi” - ông Minh nói.

Đây cũng là lý do vì sao hầu hết các nhà sản xuất đều “nhất trí” bỏ qua yếu tố giá sữa nguyên liệu thế giới và thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa liên tục giảm mạnh. Hiện giá nguyên liệu sữa ở mức 2.000-2.500 USD/tấn đối với sữa bột gầy, 2.400-2.900 USD/tấn đối với sữa bột nguyên kem, tức giảm hơn 1.000 USD/tấn so với thời điểm giữa năm 2008.

Người tiêu dùng lãnh đủ?

 Theo ông Đoàn Sĩ Hiền, chủ tịch HĐQT Công ty IAM chuyên ngành huấn luyện và tư vấn marketing, việc tăng giá dù trong thời điểm nào cũng hết sức nhạy cảm. “Vì nếu nhà sản xuất không đưa ra lý do thuyết phục để định mức giá mới cao hơn mức cũ sẽ gặp phản ứng từ phía người tiêu dùng bởi luôn có sản phẩm lập tức thay thế” - ông Hiền nói.
Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành, việc các thương hiệu sữa lớn thường chọn thời điểm cuối năm để tung ra các sản phẩm mới gần như đã thành quy luật. Chưa kể các hãng sữa luôn trong trạng thái “rượt đuổi” nhau về mặt bằng giá để khẳng định vị thế và hình ảnh trên thị trường. “Chỉ cần thấy có hãng tăng trước thì các hãng khác ngay lập tức tìm cách điều chỉnh tăng theo” - vị chuyên gia này khẳng định.

Nhận xét này khá trùng hợp vào thời điểm tăng giá hiện nay khi các dự báo từ các chuyên gia rằng cứ khoảng sáu tháng/lần, các hãng sữa bắt buộc phải tung ra sản phẩm mới với công thức sữa thay đổi hoặc bổ sung dưỡng chất gì đó mà người tiêu dùng khó lòng kiểm chứng được độ xác thực!

Bên cạnh đó, theo các cửa hàng bán lẻ lẫn giới kinh doanh trong ngành sữa, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các “đại gia” như Abbott, Mead Johnson, Dutch Lady, Dumex lẫn Vinamilk đang diễn ra rất khốc liệt. Trong đó, tập trung vào hai dòng sản phẩm sữa liên quan đến dòng sữa “miễn dịch” hoặc sữa “thông minh”. Ở phân khúc này, tùy theo thị phần nắm giữ của từng thương hiệu sữa, nhà sản xuất tha hồ làm giá với người tiêu dùng vì họ biết chắc người tiêu dùng sẽ bị lệ thuộc vào sản phẩm đã mua.

Chị Bùi Bích Thy, nhân viên một công ty bảo hiểm, thừa nhận: “Tôi chẳng còn lựa chọn nào khác khi không thể không mua Pediasure vì con tôi đã quen dùng, có đổi sữa bé cũng không chịu uống”. Theo tính toán của chị Thy, với mức giá tăng thêm ở dòng sản phẩm mới tung ra, mỗi tháng chị phải bù ít nhất gần 100.000 đồng từ ngân sách chi tiêu của mình.

Theo Trần Vũ Nghi - Như Bình / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.