Cuốn sách yêu thích và nỗi niềm trẻ thơ

10/11/2005 21:44 GMT+7

Đến nay, cuộc thi Cuốn sách yêu thích của em do Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức đã nhận được gần 1.000 bài dự thi của các độc giả nhỏ tuổi. Những tác phẩm văn học được cảm nhận qua cái nhìn trong trẻo và hồn nhiên của các em trở nên thú vị lạ lùng.

Những tác phẩm có mặt thường xuyên trong danh sách các em bình chọn là bộ truyện Kính vạn hoa (tác giả Nguyễn Nhật Ánh), Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Khúc đồng dao lấm láp (Kao Sơn), Bầu trời trong quả trứng (Xuân Quỳnh), Sống sót vỉa hè (Võ Phi Hùng), Tuổi thơ im lặng (Duy Kháng)... Độc giả Nguyễn Thị Hương Thảo (Trường trung học Ngô Sĩ Liên, Hoàn Kiếm, Hà Nội) viết: "Khúc đồng dao lấm láp có hình ảnh của chú bé Cao từ khi ra đời đến khi rời làng quê. Cuộc sống của chú bé rất trẻ thơ, hồn nhiên bên những người bạn, gia đình, làng xóm, trường lớp. Em có lúc vui cười, bực tức, hồi hộp, có lúc khóc theo những bước chân dòng truyện". Độc giả Nguyễn Thị Hoàng Bảo Anh (Đống Đa - Hà Nội) thì say mê Bầu trời trong quả trứng: "Hai mươi bài thơ cùng mười hai bài văn với nhân vật chính là các loại quả cây, những con cá, con ngựa... mở ra cho em cánh cửa bước vào thiên nhiên mà hằng ngày em vẫn luôn hờ hững, thờ ơ gạt bỏ chúng ra ngoài cuộc sống...".

Cuộc thi bình chọn Cuốn sách yêu thích của em dành cho thiếu nhi Việt Nam trong và ngoài nước. Người tham gia gửi danh mục 10 tác phẩm văn học Việt Nam (xuất bản từ sau 1975 đến nay) mà mình yêu thích cùng một bài viết (không quá 500 chữ) bình chọn cuốn sách mà các em yêu thích nhất. Những bài viết qua vòng sơ khảo sẽ được lựa chọn để giới thiệu trên Chương trình văn nghệ của Đài tiếng nói Việt Nam trên một số báo và tạp chí trung ương, hạn chót 31/12/2005 (theo dấu bưu điện). Bài gửi về Phòng văn học thiếu nhi, Ban Văn nghệ, Đài tiếng nói Việt Nam, 41-43 Bà Triệu, Hà Nội hoặc Ban Biên tập văn học, NXB Kim Đồng, 55 Quang Trung, Hà Nội.

Dễ dàng nhận thấy rằng những tác phẩm đã chinh phục được các độc giả nhỏ tuổi là những tác phẩm mà các em tìm được: "Những gì có trong trang sách rất thật, dường như ai cũng bắt gặp chính mình trong đó". Những tác phẩm trên đã thật sự "bắt đúng mạch" tâm hồn, suy nghĩ của các em. Những nhân vật bước ra từ trang sách không phải là người xa lạ mà chính là hình ảnh của các em. Những trang sách đã trở thành những chiếc gương soi để các em thích thú nhìn thấy gương mặt, nụ cười, nước mắt và những suy nghĩ của chính mình.

Có những lá thư - không tham gia cuộc thi - làm cho Ban tổ chức và những người quan tâm tới văn học thiếu nhi phải suy nghĩ. "Tối nào em cũng đợi đến giờ phát sóng mục Đọc truyện của chương trình Văn nghệ thiếu nhi của đài bởi chương trình là nơi duy nhất ngoài những bài giảng văn ở nhà trường cho em tiếp xúc với những tác phẩm văn học. Ngoài môn văn học ở nhà trường thì chúng em không có bất cứ nguồn tư liệu văn học nào để đọc và tham khảo. Qua chương trình, em được tiếp xúc với những tác phẩm văn học và đặc biệt được trực tiếp nghe các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng nhận xét, bình luận..." - đó là lời tâm sự chân thành của độc giả Nguyễn Tấn Hùng (Quế Sơn - Quảng Nam), cũng là tâm sự trong nhiều lá thư các em thiếu nhi gửi về cho Ban tổ chức. Các em say mê văn học và rất hào hứng với cuộc thi nhưng đành ngậm ngùi bỏ lỡ vì "từ nhỏ đến giờ em chỉ tiếp xúc với những tác phẩm văn học thông qua chương trình Đọc truyện trên đài phát thanh chứ em không tìm đâu ra sách để đọc...". Có những độc giả gửi thư đề nghị Ban tổ chức giảm số lượng tác phẩm trong danh sách bình chọn vì tìm ra 10 tác phẩm là con số... quá tầm tay đối với các em. Trong điều kiện cuộc sống nông thôn khó khăn, những cuốn sách văn học - niềm say mê của các em - trở thành món ăn tinh thần xa xỉ. Đó là một thiệt thòi cho thiếu nhi ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Minh Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.