Cưa ngón tay vì bỏng do đèn hồng ngoại

18/12/2008 10:44 GMT+7

Một tai nạn đã xảy ra với anh Đào Đăng Sáu (20 tuổi, xã Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng) khi đang thực hiện vật lý trị liệu khôi phục các chức năng của bàn tay sau phẫu thuật. Sức nóng của đèn hồng ngoại làm anh Sáu bỏng nặng, ở bàn tay trái vết bỏng lan rộng, ăn sâu, lộ cả gân và xương.

Cách đây khoảng hai tháng, trong ca làm việc tại một nhà máy giấy ở Hải Phòng, anh Sáu bị máy xén giấy cắt đứt hai bàn tay và được Viện Chấn thương chỉnh hình quân đội nối liền hai bàn tay đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu. Sau phẫu thuật, bàn tay bệnh nhân đã cử động được. Do cảm giác bàn tay chưa hồi phục nên bệnh nhân đã đăng ký thực hiện vật lý trị liệu tại một bệnh viện ở Hải Phòng. Bất ngờ, đèn hồng ngoại với sức nóng quá lớn đã khiến anh Sáu bỏng nặng. Hiện được cấp cứu tại Bệnh viện 108, bệnh nhân tạm thời phải cưa ngón tay do vết bỏng ăn thối cả ngón tay, lộ gân và xương.

Theo TS Lê Văn Đoàn - chủ nhiệm khoa phẫu thuật bàn tay và vi phẫu thuật (Viện Chấn thương chỉnh hình quân đội) - sau phẫu thuật, mạch máu nối thành công có thể giúp bàn tay cử động được sớm, nhưng các dây thần kinh cảm giác từ điểm nối đến đầu ngón tay chỉ có thể “hồi sinh” khoảng 1mm/ngày. Do đó, với trường hợp bàn tay bị đứt rời (chiều dài khoảng 20cm) cần 3-6 tháng để phục hồi cảm giác và các chức năng của bàn tay.

Bệnh nhân tuyệt đối không được sốt ruột thực hiện ngay các biện pháp phục hồi chức năng vì sẽ làm đứt mối nối, mà ít nhất phải để sáu tuần sau phẫu thuật. Phương pháp trị liệu chủ yếu là tập vận động, xoa bóp, đắp nóng cho mềm khớp… Việc sử dụng đèn hồng ngoại với nhiệt độ cao, khó kiểm soát là không cần thiết và rất nguy hiểm. Nếu kỹ thuật viên không để ý và thiếu kinh nghiệm dễ dẫn đến những tai nạn bất ngờ do bệnh nhân vẫn chưa hồi phục cảm giác, có thể bị bỏng mà không hề hay biết.

Theo Ngọc Hà (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.