Nước mắt chảy xuôi - Kỳ 6: Không ai chăm sóc con bằng mẹ

03/12/2008 10:08 GMT+7

Nắng chiều vàng vọt, giữa đường phố Sài Gòn người đàn ông chừng 50 tuổi, cao, gầy, tóc bù xù, đôi mắt vô hồn, đi sau đẩy một cụ già hơn 80 tuổi, tóc lơ phơ bạc, tay cầm xấp vé số. Bà cười với người xung quanh đang đứng nhìn, nói như phân trần: “Hắn điên mà thương tôi lắm, không cho đi bán vé số vì sợ xe đụng. Mà không đi bán vé số thì lấy gì nuôi hắn”. Nói rồi, bà nắm tay người đàn ông, hai bóng già nua đổ nghiêng trên đường dắt nhau hướng về cuối con đường.

Đó là hai mẹ con bà Nguyễn Thị Điểu. Nhìn cảnh bà Điểu dắt con về nhà, nhiều người dân ở xóm cù lao Nguyễn Kiệu (P.1, Q.4, TP.HCM) - nơi mẹ con bà sống - thường ái ngại.

“Thương con lắm!”

"Đã là con thì không phân biệt nuôi hay đẻ. Nghèo, khổ thì tôi đi bán vé số nuôi nó chứ không gửi đi đâu. Hắn có bệnh thì ngày ngày vẫn còn cái bóng để mẹ con hủ hỉ với nhau"

Chị Bảo Anh, cán bộ phụ trách lao động - thương binh & xã hội phường, cho biết: “Bà Điểu lọm khọm lại phải nuôi anh con trai tâm thần nên khổ càng khổ hơn. Hai mẹ con sống côi cút, ngay đến việc tắm rửa cho con nhiều khi cũng phải nhờ đến hàng xóm”. Chúng tôi đến lúc bà Điểu vừa đi bán vé số về, tất tả lo cơm nước cho con. Lưng còng, tóc bạc như cước, bà ngồi bên mép giường tẩn mẩn nhặt những chiếc xương cá rồi đút từng thìa cơm cho anh Dũng. Bà nâng niu người con trai đã 51 tuổi mà như dỗ dành đứa trẻ lên ba.

Nguyễn Trọng Dũng, tên người con trai, vừa vào học năm 3 Trường đại học Bách khoa TP.HCM thì mắc bệnh tâm thần. Ba mươi năm anh bệnh cũng là quãng thời gian bà Điểu hằng ngày vật vã cùng anh vượt qua những cơn điên hành hạ. Gần sáu mươi năm trải qua bao nhiêu việc như bán trái cây, lượm ve chai, bán bắp nướng, khoai luộc, nay về già sức tàn lực kiệt, bà Điểu “neo” lại với việc bán vé số để cùng con sống qua ngày. “Cực bao nhiêu tôi cũng chịu được. Mình khổ đã đành nhưng nhìn hắn bệnh như rứa nhiều khi nước mắt cứ trào ra. Thương con lắm!”, bà Điểu nói rồi đưa tay dụi mắt.

Căn nhà hai mẹ con sống lụp xụp, đứng trước cửa có thể đưa tay với ngay được mái hiên. Chắc đã từ lâu căn nhà không được sửa chữa nên mái tôn gỉ sét, lỗ chỗ thủng. Thấy có khách, bà Điểu bước ra mở cửa, anh Dũng cũng vọt tới đẩy mạnh chúng tôi như muốn xua đuổi. “Từ ngày bị bệnh đến giờ hắn chưa cho ai vào nhà. Chú thông cảm!”, bà Điểu nói rồi lật đật sang nhà hàng xóm mượn về hai cái ghế để bên đường mời chúng tôi ngồi. Đã ở ngoài đường vậy mà mùi hôi từ trong nhà vẫn xộc ra. Bà Điểu cho biết mấy tháng nay anh Dũng không chịu để cho ai tắm. Anh Dũng ngồi đó, trên chiếc ghế bố dùng làm giường cáu bẩn kê ngay giữa nhà tối om, ẩm thấp, lẩm bẩm nói nhảm. Bà Điểu nhìn con, hát nho nhỏ một bài nhạc Huế như muốn tự an ủi lòng mình.

Từ sáng tinh mơ người dân xóm cù lao Nguyễn Kiệu đã thấy bà Điểu rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm để bán vé số, cắc củm gom bạc lẻ nuôi con. Ngày ấy, vé số giá 2.000đ/tờ còn nhiều người mua, có bữa bà bán được hơn trăm tờ, lời gần 30.000đ. Nay vé số lên giá 5.000đ/tờ, bà đi rạc cả chân cũng chỉ bán được khoảng 40 tờ, lời khoảng 20.000đ. “Nhiều người biết chuyện gia đình tôi thương tình nên ngày nào cũng mua giúp vài tờ. Tôi bán xong sớm là tạt ngang chợ mua chút thịt cá về tẩm bổ cho thằng Dũng”, bà Điểu tâm sự.

Nhìn bịch thức ăn bà vừa mua vội, chúng tôi thấy có miếng thịt ba rọi chừng hơn lạng. Bà giải thích: “Lọc phần nạc cho hắn ăn chiều, còn phần mỡ ram với mắm tôm tôi lùa cũng qua bữa. Hắn bị bệnh, lười ăn, còm nhom nên phải chăm như nuôi trẻ”.

Trong nỗi lo của bà Điểu gần đây còn có thêm nỗi lo nay mai cù lao Nguyễn Kiệu sẽ phải giải tỏa. Bà nói mình chưa biết đi về đâu. “Nhưng cùng đường chắc tôi đưa hắn về quê. Ở đó còn bà con họ hàng, tôi mất đi có người chăm lo cho hắn”, bà Điểu rơm rớm nước mắt nói.

Bí mật đời mẹ

 
Bà Điểu (trái) tay cầm bịch thức ăn mới mua tất tả đi bán vé số nuôi con - Ảnh: Đ.Tuyên
“Thằng Dũng là con nuôi của tôi với ông ấy”, đó là bí mật lớn nhất của đời bà Điểu. Bà tính Dũng học xong, thành tài sẽ nói cho anh biết nhưng giờ đây đã quá muộn. Gần 30 năm, suốt khoảng thời gian anh Dũng chìm triền miên trong cơn điên thì cũng ngần ấy tháng ngày lòng bà Điểu nặng nề với nỗi trăn trở: “Tôi chưa nói với hắn cái bí mật lớn ấy. Nhưng như vậy cũng tốt bởi hắn đã quá khổ vì bệnh tật rồi”.

Nói rồi bà Điểu quay đi chỗ khác như muốn giấu nỗi xúc động đang trào dâng trong lòng. Lẹt xẹt lê đôi dép mỏng tang đến bên cửa xem người con nuôi đã ngủ chưa, bà kể vợ chồng bà sống với nhau nhiều năm nhưng chẳng được mụn con nào. Thế rồi có người trong bệnh viện bồng đến một đứa trẻ, nói: “Nó vừa sinh ra, bố mẹ bỏ đi mất”. Nhìn đứa trẻ đỏ hỏn khóc ngằn ngặt, bà Điểu không thể cầm lòng quyết định nhận nuôi. Bà đặt tên cho bé là Nguyễn Trọng Dũng, mong rằng sau này con sẽ khỏe mạnh, giỏi giang. Không sữa, nhà nghèo, ông lại di chuyển luôn vì công việc, bà bồng con theo chồng hết ra Đà Nẵng rồi lại Hà Nội và sau cùng trụ lại TP.HCM.

Như mèo tha con, ngày ngày bà Điểu chắt từng chén nước cơm, nhúm bột, mắm muối nuôi Dũng lớn lên. “Hắn là đứa thông minh, học giỏi. Vào được khoa xây dựng Trường đại học Bách khoa, hắn nói học xong sẽ xây cho tôi cái nhà thật to. Vậy mà giờ đây...”, bà bỏ lửng câu nói vì anh Dũng mở bật cửa chạy ra đường. Bà Điểu tất tả chạy theo lôi con vào nhà và khóa trái cửa lại. Chúng tôi hỏi bà Điểu đã yếu lắm rồi sao không gửi anh vào viện tâm thần, bà nói như giận: “Đã là con thì không phân biệt nuôi hay đẻ. Nghèo, khổ thì tôi đi bán vé số nuôi nó chứ không gửi đi đâu. Hắn có bệnh thì ngày ngày vẫn còn cái bóng để mẹ con hủ hỉ với nhau”.

Nhiều bác sĩ trong Bệnh viện Chợ Quán còn nhớ hình ảnh bà Điểu nuôi con bệnh rồi lại đi bán vé số khắp khuôn viên bệnh viện. Có khi bà đi bán vé số với khuôn mặt bầm tím vì mới bị con lên cơn đánh, thế nhưng ai có hỏi thì bà nói trớ đi là do bị té. Một lần, đang bán vé số trên đường Trần Hưng Đạo thì bà bị xe tông gãy chân. Thế nhưng vào bệnh viện, bác sĩ nẹp, bó bột chưa kịp dính bà Điểu đã trốn viện, bắt xe về nhà để chăm sóc con. Sau lần anh Dũng bị tai nạn gãy chân, bà đưa con về nhà luôn để chăm sóc với lý do: “Chẳng ai chăm con bằng mẹ. Hắn lớn tướng mà như trẻ thơ. Tôi không thể xa con dù chỉ nửa ngày”.

Chia tay chúng tôi, bà Điểu lại tất tả đi bán nốt những tấm vé số. Đội trên đầu chiếc nón mê, lưng còng bà lẫn vào dòng người, khuất dần nơi cuối dãy phố. Rồi đây cù lao Nguyễn Kiệu cũng bị giải tỏa. Người dân ở cù lao này dù có đi đâu về đâu chắc sẽ nhớ mãi và trân trọng tình mẫu tử mà bà Điểu dành cho người con nuôi bị bệnh tâm thần của mình.

>> Kỳ 1: Bà cụ bắt tép nuôi con
>> Kỳ 2: Mẹ phải sống vì con
>> Kỳ 3: Thương con ai kể tháng ngày
>>Kỳ 4: Bóng cha trên đê 
>> Kỳ 5: Gánh rau nuôi đàn con 

Theo Nguyễn Đức Tuyên / Tuổi Trẻ

Kỳ cuối: Thay con nuôi đàn cháu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.