Chi nhiều, hiệu quả kém!

02/12/2008 23:32 GMT+7

Ngày 2.12, kỳ họp lần thứ 14 HĐND TP.HCM khóa VII chính thức khai mạc. Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu (ĐB) đã bước vào phần thảo luận tổ với những ý kiến sôi nổi, gay cấn xoay quanh những vấn đề đang được người dân thành phố quan tâm, bức xúc. Mời nghe đọc bài

Đình chỉ ngay Giám đốc Công ty Môi trường đô thị!

Vụ chôn lấp hàng trăm tấn chất thải nguy hại ở bãi rác Đông Thạnh (H.Hóc Môn) được nhiều ĐB đặt vấn đề với sự bất bình cao độ. Các ĐB cho rằng, trong khi TP đang ngập đầu vì rác, Công ty môi trường đô thị TP lại ký hàng chục hợp đồng với các doanh nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu, tiếp nhận 225 tấn chất thải nguy hại đưa về chôn lấp lưu giữ tại bãi rác Đông Thạnh là điều không thể chấp nhận. Mọi người càng lo lắng hơn khi nghe Tiến sĩ - ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa phân tích: Chất thải nguy hại khi đổ ra đất trống sẽ bốc hơi gây ô nhiễm không khí, còn chôn lấp thì sẽ "giết chết" nguồn nước ngầm.

Năm nào cũng đi vay để chi đầu tư phát triển, tỷ lệ vay là 40%. Như vậy, lãi ngày một chồng chất và tôi lo thành phố sẽ kiệt quệ.

ĐB Đặng Văn Khoa

 Điều cử tri lo ngại là tiền ngân sách chi giải quyết kẹt xe, chống ngập, xe buýt ngày càng tăng nhưng hiệu quả đạt được lại thấp.

ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa

Sẽ nguy hiểm hơn nếu số chất lỏng này là xút hoặc clo, vì dễ dàng phát tán trong không khí, người dân dễ hít phải và nhiễm độc với mức độ khó lường. "Một thành phố lớn như TP.HCM có cần những khoản tiền từ các hợp đồng bẩn đó không? Xin thưa là không. Chính những người được giao quản lý môi trường lại vi phạm pháp luật môi trường!". Từ nhận định trên, ĐB Nghĩa nói: nếu hậu quả xảy ra thì chính lãnh đạo TP phải chịu trách nhiệm chứ không phải chỉ có cơ quan quản lý là Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT).

Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Đặng Văn Khoa yêu cầu lãnh đạo Sở TN-MT phải báo cáo rõ trước HĐND TP ai là người quyết định và xử lý trách nhiệm cụ thể những cán bộ liên quan đến việc đưa chất thải nguy hại về TP. Một số ĐB còn mạnh tay đề nghị: trước mắt, TP phải đình chỉ ngay công tác của Giám đốc Công ty môi trường đô thị để điều tra xử lý, sau đó công bố công khai cho dân biết.

Đổ tiền cho "Ba Bò" bao nhiêu cho đủ?

Từ vụ việc trên, nhiều ĐB tỏ ra lo lắng về vấn nạn ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố đang diễn ra theo chiều hướng xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em. ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa hài hước: "Có lẽ bây giờ nạn ô nhiễm môi trường khiến người dân sợ hơn là… bọn khủng bố!".

Cho rằng việc khởi động dự án cải tạo môi trường kênh Ba Bò là điều đáng mừng, song các ĐB không hài lòng khi TP phải bỏ hàng trăm tỉ đồng để khắc phục ô nhiễm do chính các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương gây ra. ĐB Đặng Văn Khoa chua chát: "Chúng ta là nạn nhân nhưng phải è cổ bỏ tiền khắc phục hậu quả thay cho thủ phạm. Đây là tiền đóng thuế của người dân TP. Sao chua xót quá!".

 

Nạo vét lòng hồ điều tiết kênh Ba Bò - Ảnh: M.N

Cùng tâm trạng với ông Khoa, ĐB Trương Trọng Nghĩa lo lắng: Chỉ riêng kênh Ba Bò, TP đã bỏ hơn 200 tỉ đồng. Hiện TP còn nhiều khu vực ô nhiễm nặng nề như kênh Ba Bò, thì lấy tiền thuế của dân bao nhiêu nữa cho đủ để khắc phục hậu quả?

Từ những lo lắng trên, nhiều ĐB đề nghị tại kỳ họp này, HĐND TP cần ban hành Nghị quyết về môi trường.

Điều tra, xử lý kho bãi lãng phí!

"Một lần tôi từng nghe một lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Nhà nước tha thiết đề nghị TP cho giữ lại các kho bãi để phục vụ mục đích an ninh lương thực cho người dân TP. Tuy nhiên, sau chuyến khảo sát kho bãi vừa qua ở Q.8, thì "sự phục vụ dân" của vị lãnh đạo kia là như thế này đây".

Nhận xét về bản báo cáo năm 2008, ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa băn khoăn: "Tôi thấy báo cáo này thành tích và lạc quan quá. Chưa thấy phân tích những điểm yếu để có hướng khắc phục cho năm tới!". Về hiệu quả các dự án đầu tư, ĐB Nghĩa nêu: "Điều cử tri lo ngại là tiền ngân sách chi giải quyết kẹt xe, chống ngập, xe buýt ngày càng tăng nhưng hiệu quả đạt được lại thấp". ĐB Nghĩa dẫn chứng: "TP lấp tràn lan kênh rạch mà không có phương án thoát nước thay thế thì ngập là phải. Xe buýt thì hằng năm trợ giá 600 tỉ đồng nhưng tỷ lệ người dân sử dụng chỉ 5% mà nhích hoài không lên". Từ vòng luẩn quẩn trên, ĐB Nghĩa đề nghị lãnh đạo TP cần có những giải pháp hợp lý khác.

Vừa nói, ĐB Đặng Văn Khoa liên tục trưng ra hàng loạt hình ảnh, địa chỉ cụ thể về những mặt bằng, kho bãi đang cho thuê và bỏ trống trông đến thảm hại: "Đây là kho 641 Bến Bình Đông rộng hơn 4.000m2 do Công ty lương thực TP quản lý nhưng phần bị bỏ phế, phần đang cho thuê làm nơi chứa phế liệu. Còn đây là kho 281 Bến Bình Đông cũng do Công ty Lương thực TP quản lý. Cả khuôn viên kho hơn 600m2 đã biến thành nơi đổ rác thải và... nuôi gà!". "Tất cả sự lãng phí này Trung ương biết, TP biết, quận, huyện biết, nói chung ai cũng biết, nhưng việc thu hồi các kho bãi lãng phí là quá chậm!", ĐB Khoa nói.

Đồng tình với ý kiến ông Khoa, ĐB Phạm Văn Hải sau khi dẫn chứng thực tế có gần 200.000m2 kho bãi lãng phí do các đơn vị Trung ương quản lý, sử dụng, rồi khẳng định: "Sở dĩ TP chậm xử lý là do tình trạng nể nang các cơ quan, đơn vị Trung ương". Trước thực trạng lãng phí tài sản công tràn lan, ĐB Phạm Văn Hải đề nghị UBND TP tiến hành điều tra toàn diện mặt bằng, kho bãi trên địa bàn TP, thu hồi kho bãi sử dụng sai mục đích hoặc bỏ trống để xây dựng các công trình công cộng.

Tăng giá đất có phải để... tăng thu?

Tình hình kinh tế thế giới ảm đạm khiến nhiều ĐB lo ngại về tăng trưởng kinh tế cũng như đời sống người dân trong năm 2009. Có ĐB tỏ ra nghi ngờ tính thực tế của chỉ tiêu tăng trưởng từ 10% trở lên của năm 2009 mà UBND TP đề xuất. ĐB Nguyễn Tiến Dũng, thắc mắc: "Con số này dựa trên cơ sở nào và những giải pháp để thực hiện là gì? Với tình hình khó khăn chung, sắp tới rất có thể số người thất nghiệp sẽ tăng lên, thu nhập giảm xuống. TP đã chuẩn bị về vấn đề an sinh cho người dân chưa?". ĐB Nguyễn Việt Dũng nhận định: "Kinh tế năm 2009 chắc chắn sẽ sụt giảm.

Chỉ tiêu tăng trưởng năm 2009 của TP đã hạ xuống 10% nhưng giao thu ngân sách lại tăng. Du lịch, xuất khẩu, kiều hối, tiêu dùng… đều giảm, vậy TP dựa vào đâu để tăng thu? Theo tờ trình điều chỉnh giá đất mà UBND TP trình HĐND, tôi nhận thấy giá đất tăng. Liệu đây có phải là cơ sở tăng thu? Nếu vậy TP nên cân nhắc kỹ vì ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân".

Ngoài ra, theo ĐB Nguyễn Việt Dũng, những khoản thuế như thu nhập cá nhân, thuế chứng khoán… TP nên có ý kiến với Chính phủ, Quốc hội vì đời sống của người dân sắp tới sẽ khó khăn hơn nhiều.                    

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.