Nhợt nhạt thời hiện đại

01/12/2009 23:28 GMT+7

Hội diễn Cải lương toàn quốc 2009 khép lại với những nỗi niềm. Cứ mỗi 5 năm, người làm nghề và khán giả đã mang theo những gì sau khi cánh màn nhung khép lại?

Tràn ngập vở lịch sử

Có khoảng 2/3 vở diễn lịch sử và truyền thống, trải dài từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, thời hậu Lê tới thời chống Pháp, chống Mỹ. Mạnh nhất, ấn tượng nhất vẫn là sử “xưa”. Cũng phải thôi, vì hội diễn lần này lấy tiêu chí kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Suy cho cùng, thế mạnh của cải lương có lẽ là vở sử, bởi có thể mặc cổ trang rực rỡ và ca diễn ước lệ.

Vấn đề là các vở diễn đã thể hiện lịch sử như thế nào? Nhiều ấn tượng đẹp với hình tượng Dương Vân Nga, Lê Hoàn (Đế đô sóng cả - Nhà hát Cải lương VN), Lý Thường Kiệt, Ỷ Lan (Trọn đời trung hiếu với Thăng Long - Nhà hát Cải lương VN), Tô Hiến Thành (Đại thần Thăng Long - Nhà hát Cải lương Hà Nội), Trần Thái Tông, Lý Chiêu Hoàng, Thuận Thiên công chúa (Phù vân - Đoàn cải lương Quảng Ninh), Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Lý Huệ Tông (Dấu ấn giao thời - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), và cả những nhân vật hư cấu trong Lễ mở xiêm áo (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Bến nước Ngũ Bồ (Nhà hát Thế giới Trẻ)... Các vở hầu hết trung thành với chính sử, nhưng vẫn khắc họa được những trăn trở, số phận, tâm lý cho các nhân vật, thậm chí nhiều hư cấu khiến người ta thấy nhân vật rất “đời”, làm rung động khán giả.

Sử cận đại cũng đem lại nhiều cảm xúc. Sự anh dũng của nhân dân Gò Công và Trương Định (Cờ nghĩa giồng Sơn Quy - Đoàn cải lương Tiền Giang), tình cảm của hai bà mẹ thời chống Mỹ, có con ở hai bên chiến tuyến đều đã tử trận (Mẹ của chúng con - Đoàn Tây Đô Cần Thơ), lòng tin của người cán bộ cách mạng đối với người cai ngục đã biết hướng thiện (Anh linh của đất - CLB cải lương Hội Sân khấu TP.HCM)...

Đâu rồi nhân vật thời đại?

Nếu các vở sử đều có vẻ hoành tráng, đặt vấn đề lớn, đầy hào khí dân tộc, thì xem ra các vở lấy đề tài hiện đại lại khá mỏng manh, có cái nhìn hơi bi quan, hoặc đi vào những khía cạnh nhỏ của đời sống hơn là thấy cái đại thể và hướng tới tương lai. Sau lũy tre làng (Công ty Hoàng Anh Tú) rất cảm động, nhưng chỉ nói lên thực trạng các cô gái nông thôn Việt Nam lấy chồng Đài Loan mà không lý giải được cái nghèo đã đẩy họ đến bước đường như thế. Nước mắt thâm tình (nhóm Thắp sáng niềm tin) lên án các bậc cha mẹ sống hư hỏng, dối trá, gây hậu quả cho con cái. Góc khuất trái tim (đoàn Hương Tràm Cà Mau) có đứa con ghét giận cha đã bỏ mẹ con mình... Không thấy được nhân vật của thời đại đang vượt lên những khó khăn để xây dựng đất nước.

Đành rằng đời sống có nhiều tiêu cực nên mọi người phải lên tiếng cảnh báo, nhưng đâu phải chỉ có một “màu” như thế. Cần có niềm tin và sức mạnh để người ta vượt qua những tiêu cực, đen tối, để sống tốt hơn. Nghệ thuật cũng cần đem đến tia sáng cuối đường hầm, đem lại hy vọng vào những điều tốt đẹp cho cuộc sống... Chỉ có vở Cổ tích thời hiện đại (Nhà hát Trần Hữu Trang) là nói được một chút rằng hãy tin vào lòng tốt của con người. Mượn chuyện ăn khế trả vàng ngày xưa, tác giả cũng cho nhân vật anh chị hà hiếp, hơn thua với em mình, nhưng cuối cùng đã có một doanh nhân sẵn lòng hỗ trợ cho đứa con của người em học hành và thực hiện mơ ước sáng tạo.

Ca diễn hay hơn dàn dựng

Không nhiều ấn tượng về những vở diễn có thủ pháp dàn dựng nổi trội. Đa số là tả thực, hoặc dựng kinh điển từng lớp từng màn. Và vẫn còn thấy hiện tượng các đoàn nhờ cậy những đạo diễn cây đa cây đề về dựng giùm. Cho nên, nói hội diễn để biết thực lực của các đoàn, nhưng... chưa chắc. Thực lực là phải đúng với sự thật hoạt động mỗi ngày mỗi tháng, chứ không phải lâu lâu “tút” lại bằng tay nghề vay mượn. Vì thế khán giả dành ấn tượng tốt đẹp cho những đạo diễn trẻ và không vay mượn như Hoàng Quỳnh Mai với thủ pháp vừa tinh tế vừa hiện đại (Trọn đời trung hiếu với Thăng Long), Triệu Trung Kiên với sự vững chãi, sang trọng (Đế đô sóng cả), Lê Nguyên Đạt với sự đơn giản nhưng đẹp như bài thơ (Bến nước Ngũ Bồ), Lịch Sử mộc mạc xứ Cà Mau (Góc khuất trái tim)...

Hầu như tất cả cảm tình của khán giả dồn cho tài năng ca diễn của nghệ sĩ, đặc biệt là lớp trẻ. Vui nhất là những gương mặt đoạt giải Chuông vàng vọng cổ cũng có mặt trong hội diễn và trở thành “chuyên nghiệp” hẳn lên, như Võ Minh Lâm (vai Lý Huệ Tông lúc trẻ), Giang Bích Phượng (vai Diệu)... 

Hội diễn Cải lương toàn quốc 2009 đã bế mạc vào đêm 1.12 tại rạp Hưng Đạo TP.HCM. Giải thưởng được công bố như sau:

- 3 Huy chương vàng vở diễn: Trọn đời trung hiếu với Thăng Long (Nhà hát Cải lương VN), Trở về miền nhớ (đoàn Đồng Tháp), Dời đô (đoàn Đồng Nai).

- 6 Huy chương bạc vở diễn: Đế đô sóng cả (Nhà hát Cải lương VN), Đại thần Thăng Long (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Bến nước Ngũ Bồ (Nhà hát Thế giới Trẻ), Cổ tích thời hiện đại (Nhà hát Trần Hữu Trang), Cờ nghĩa giồng Sơn Quy (đoàn Tiền Giang), Mẹ của chúng con (đoàn Tây Đô Cần Thơ).

- Giải đạo diễn xuất sắc: Hoàng Quỳnh Mai (vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long).

- Giải nhạc sĩ xuất sắc: Trần Vương Thạch (vở Cổ tích thời hiện đại).

- Giải họa sĩ xuất sắc: Hoàng Song Hào (vở Đế đô sóng cả).

Ngoài ra, có 38 huy chương vàng cá nhân diễn viên và 55 huy chương bạc cá nhân diễn viên.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.