Tình yêu Tổ quốc từ những dòng thư

29/05/2014 17:55 GMT+7

Trong những ngày tháng 5 “dậy sóng” này, chuyên mục “Tôi viết” trên Thanh Niên Online đã nhận được hàng trăm thư của bạn đọc gửi về đóng góp những bài viết thể hiện tình yêu nước...

Trong những ngày tháng 5 “dậy sóng” này, chuyên mục “Tôi viết” trên Thanh Niên Online đã nhận được hàng trăm thư của bạn đọc gửi về đóng góp những bài viết thể hiện tình yêu nước, sự căm phẫn trước hành vi  ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương-981 trên vùng biển Việt Nam.

 Tình yêu Tổ quốc từ những lá thư
Nhiều tổ chức, cá nhân đã đóng góp tiền ủng hộ chương trình vì biển Đông

 

Chung tay bàn việc nước

Có những ngày, hộp thư Tôi viết nhận được hơn 30 bài viết, thơ xoay quanh chủ đề biển đảo. Rất nhiều bài của bạn đọc đã  phân tích thấu đáo tình hình hiện tại, những điểm mạnh, yếu của ta và Trung Quốc để có cái nhìn khoa học về thế cờ nước hiện nay.

Đơn cử, bài viết của bạn đọc Hàn Văn Tuyến (email: hantuyen86@...): “Nhận định về phản ứng của Mỹ, Nga trước căng thẳng Biển Đông”, chỉ ra một cái nhìn toàn cục về hình hình hiện nay. Hoặc bạn đọc Nguyễn Thị Thúy Vân (địa chỉ email babyking59@...) viết: “Trung quốc đang khiêu khích chúng ta, đang bước đi những bước rất liều lĩnh, bất chấp sự cảnh báo và phản ứng của cộng đồng quốc tế. Chúng ta cần hành động bằng một trái tim nóng và một cái đầu lạnh, để không mắc phải âm mưu...”.

Bạn đọc  Tiến Nguyễn (địa chỉ anhcodonaus@...) cho rằng, “Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật “miệng hố chiến tranh", dùng vũ lực để đe dọa và dùng sự lo sợ của đối phương mà lấn” và ông đề xuất 21 giải pháp đuổi giàn khoan của Trung Quốc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. 

Những đóng góp dù nhỏ ấy thật quý giá, bởi nó cho thấy những con dân đất Việt đang dồn tâm sức vào việc tìm phương cách  tốt nhất để chung sức cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chống ngoại xâm.

Lòng yêu nước cuộn chảy trong lớp trẻ

Trong những bức thư nhận được, chúng tôi cũng đã thấy được nhiệt huyết của lớp trẻ hôm nay, cả trong và ngoài nước.

Từ giảng đường cho tới quán cà phê góc phố, đều thấy người trẻ sôi nổi bàn luận về thời sự nóng hổi hiện nay: Trung Quốc đang lấn chiếm biển Đông. “Tiếng gọi biển Đông đang sục sôi trong huyết quản” ; “Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”; “Việt Nam hòa bình”;  “cho tôi gửi bài thơ dâng Tổ quốc”…là những bài thơ mà các bạn đã gửi về báo với mong muốn được chia sẻ cảm xúc của bản thân với mọi người về tình yêu Tổ quốc.  Trong số đó, ở bài thơ “Ngày mai con ra đi”, tác giả Lưu Quốc Trí (email: ctc268@...) đã viết cho người mẹ của mình: Ngoài khơi đó, là quê nhà đó má/ Con ra đi, để giữ đất của mình/ Nếu có lỡ, ngã hòa trong sóng biển/ Má đừng buồn, nha má của con ơi…

Trung tuần tháng 5, nhiều người, già có, trẻ có với đủ mọi tầng lớp đã xuống đường tuần hành lên án hành động Trung Quốc ngang ngược đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển Việt Nam. Phần lớn các cuộc tuần hành diễn ra ôn hòa nhưng tiếc thay, một số công nhân tại các khu công nghiệp đã bị kẻ xấu lợi dụng lòng yêu nước dẫn đến những hành động như đập phá, đốt cháy nhà xưởng… Phần lớn bạn trẻ đã nhận thức được đây là hành động đáng xấu hổ, tự làm hại mình.

Bạn Bùi Thị Minh Châu đang sống và làm việc tại CHLB Đức đã gửi bài viết “Phải giữ được hòa bình cho Việt Nam” cho Thanh Niên Online đã phân tích sự ấu trĩ của những hành động trên và cho rằng “hoàn cảnh càng "nước sôi lửa bỏng" chúng ta càng phải bình tĩnh và sáng suốt. Không thể để sự tức giận và căm phẫn làm kim chỉ nam cho hành động của chúng ta.”

Minh Châu viết: “Tôi cho rằng sự việc lần này là một hồi chuông thức tỉnh mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ - thế hệ làm nên tương lai của đất nước. {….} chỉ có một cách là toàn thể người dân Việt Nam ở bất cứ đâu, bỏ qua những bất đồng chính kiến, tất cả chúng ta phải đoàn kết lại để chung tay xây dựng đất nước, như cách mà người Nhật, người Hàn... đã làm để xây dựng đất nước họ hùng cường như hôm nay”.

Những tấm lòng vàng

Cũng trong thời điểm ấy, chúng tôi nhận được lá thư của một bạn đọc người Việt gốc Hoa đang sống ở Chợ Lớn (TP.HCM). Anh đã chia sẻ nỗi lòng của những người Việt gốc Hoa đang sinh sống tại Việt Nam trong thời khắc khó khăn này, cũng như tình yêu anh dành cho đất nước đã cưu mang những thế hệ trước anh, nơi anh được sinh ra và trưởng thành.

Anh viết: “Tôi xin chia sẻ cùng đồng bào người Việt gốc Hoa, mong đồng bào đừng lo lắng, hoang mang mà mắc mưu kẻ xấu muốn phá hoại kinh tế, làm rối loạn xã hội, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc và làm suy yếu sức mạnh của đất nước. Lợi ích của chúng ta hòa chung với lợi ích của 53 dân tộc khác trên đất nước Việt Nam này, đồng tiền chúng ta kiếm được là đồng tiền Việt Nam, những người bạn xung quanh và những người cộng sự của chúng ta đều là người Việt Nam. Họ mới chính là người hiểu, giúp đỡ, che chở chúng ta chứ không phải nhà cầm quyền Bắc Kinh. Cho nên chúng ta phải chung tay bảo vệ kinh tế đất nước, tiếp sức cho cuộc đấu tranh của các chiến sĩ ngoài biển khơi”.

Anh đã từ chối nhận nhuận bút và đề nghị tòa soạn chuyển số tiền đó tới chương trình “Chung tay, góp sức bảo vệ biển Đông” của báo Thanh Niên. Nghĩa cử này không phải chỉ của riêng anh. Trong thời gian này, báo Thanh Niên cũng đã nhận được yêu cầu chuyển tiền nhuận bút của rất nhiều tác giả tới quỹ hướng về biển Đông của báo.

Dương Tú, một trí thức người Việt sống tại Vương quốc Bỉ, trong những ngày qua đã hòa mình vào các cuộc biểu tình của người Việt và bạn bè quốc tế tại Bỉ phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc. Anh liên tiếp gửi nhiều bài báo tường thuật kèm rất nhiều hình ảnh sinh động về hoạt động này tới báo Thanh Niên Online chỉ với mong muốn góp sức  cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nhuận bút của những bài viết ấy cũng được anh yêu cầu chuyển vào quỹ "Hướng về biển Đông" của báo.

Tác giả của bài viết “Bức tâm thư của một học sinh yêu sử” là một cậu học trò lớp 12 nhưng đã có cái nhìn chững chạc khi chỉ ra được những khiếm khuyết trong cách dạy sử hiện nay cũng như phương pháp khoa học giúp học sinh thích sử.

Cậu học trò ấy đã viết: “Tôi là một học sinh lớp 12 nặng lòng với sử. Những ngày qua, nằm mơ thấy bão tố ngoài biển Đông, tôi chợt tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta quên lãng những giá trị vĩnh hằng của quá khứ? Giáo dục lịch sử - nơi lưu giữ ký ức hào hùng cho mỗi đứa trẻ - phải làm gì đây trước những đợt sóng dữ dội ngoài kia?”. Con người có “tâm hồn trong trẻo và nặng ưu tư” ấy cũng đã đề nghị được chuyển số tiền nhuận bút nhỏ bé của mình tới quỹ "Hướng về biển Đông" như một chút “của ít, lòng nhiều”.

Còn nhiều, nhiều lắm những lá thư tâm huyết với nước nhà mà chuyên mục Tôi viết của Thanh Niên Online không thể đăng tải hết. Chúng tôi xin ghi nhận tấm lòng của tất cả bạn đọc.

Chuyên mục Tôi viết - Thanh Niên Online

>> Những ngày tháng 5 dậy sóng
>> Nếu cần, sẽ có ‘Điện Biên Phủ trên biển
>> Sự lựa chọn của lịch sử
>> Chúng tôi không bao giờ để mất một hạt cát nhỏ nào

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.