Lật lại hồ sơ Trương Tửu

30/11/2008 23:04 GMT+7

Trong xu thế đổi mới, nhiều nhân vật lịch sử một thời từng bị phê phán, đả kích, nay đã được nhận thức lại với thái độ bình tĩnh, khách quan, khoa học. Trương Tửu là một trong số đó.

Trương Tửu (1913 - 1999) – một trong những nhân vật từng bị coi là “có vấn đề” trong lịch sử văn học Việt Nam, từng bị buộc thôi giảng dạy sau vụ án Nhân văn – Giai phẩm, đã được “giải oan” qua hội thảo khoa học về nhà văn – giáo sư Trương Tửu nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của ông, tại Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 28.11.

Trương Tửu là tác giả của những công trình nghiên cứu gây tranh cãi nảy lửa suốt hơn nửa thế kỷ qua như Kinh thi Việt Nam, Triết lý Truyện Kiều, Văn chương Truyện Kiều, Tương lai văn nghệ Việt Nam. Chẳng hạn, trong Văn chương Truyện Kiều (1945), Trương Tửu không những phê phán phương thức nghiên cứu cũ kỹ của các học giả nổi tiếng lúc bấy giờ như Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim mà còn đưa ra những nhận định gây sốc như “Nguyễn Du là một con bệnh thần kinh. Bệnh của ông thuộc về thứ bệnh không có sự thương tổn về khí quan”, là bởi thi sĩ họ Nguyễn thừa hưởng “cái khí tiết hiên ngang không chịu khuất phục” của vùng Nghệ Tĩnh – quê cha, nhưng lại đan xen cái “chất phong tình diễm lệ” của vùng đất Kinh Bắc – quê mẹ. Gay gắt hơn, Trương Tửu còn phê phán: “Truyện Kiều chỉ là kết tinh của những cái suy nhược trong cốt tính Việt Nam”. Chưa bàn về nhận thức đúng sai, nhưng trong lúc số đông học giả thời bấy giờ đều đồng loạt ca ngợi Truyện Kiều mà Trương Tửu lại muốn “vạch ra một lối đi mới”, không “tấu” vào bản hòa ca ấy. Chỉ điều đó thôi cũng đã chứng tỏ bản lĩnh của nhà nghiên cứu này.

 
Bìa sách "Trương Tửu – Tuyển tập nghiên cứu phê bình"
Theo GS Đặng Thanh Lê, một học trò của Trương Tửu, cho dù trong nghiên cứu khoa học, Trương Tửu đôi chỗ có những kết luận cực đoan, đôi chỗ máy móc do bản tính nghệ sĩ chi phối, nhưng ông vẫn là người có tư duy tỉnh táo và nhất định không phải là người phản bội dân tộc như cái án ông bị lịch sử quy kết. PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học) cũng khẳng định cuộc đời Trương Tửu là một chuỗi những thăng trầm, những cuộc dấn thân trên tinh thần trung thực, tranh đấu vì học thuật và lẽ phải. PGS-TS Nguyễn Thị Bình băn khoăn: “Trong suốt một thời kỳ dài, chúng tôi không sao hiểu nổi ông (Trương Tửu) là ai giữa những lời kết án nặng trịch bằng giấy trắng mực đen và vô số câu chuyện đồn thổi. Ông là người luôn đề cao trách nhiệm với quần chúng lao động khi nói đến văn hóa, là một trong những nhà phê bình văn học đầu tiên ở Việt Nam theo quan điểm Mác-xít nhưng tại sao cuốn Tương lai văn nghệ Việt Nam lại bị một người Mác-xít rất có uy tín phê phán? Ông đã chống lại quan điểm của báo Phong hóa - Ngày nay khi báo này đề cao cái cá nhân mà quên nói tới trách nhiệm với quốc gia dân tộc, rồi vì sao sau đó ít lâu ông lại thành kẻ “xét lại”, thành Trốt-kit? Vì sao có những việc ông làm với động cơ hoàn toàn trong sáng, chính trực với mong muốn đất nước ngày càng phát triển, xã hội ngày càng dân chủ mà lại bị kết tội là gieo rắc chất men bất phục tùng và phản kháng chính thể dân chủ nhân dân?”.

Những năm gần đây, trong không khí đổi mới, nhiều trước tác của Trương Tửu đã được giới thiệu trở lại. Năm ngoái, Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây cùng NXB Lao Động đã phát hành quyển Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu phê bình với một số ý kiến đánh giá lại sự nghiệp cũng như nhân cách của nhà nghiên cứu này. Việc nghiên cứu, nhìn nhận lại những trường hợp như Trương Tửu, theo PGS - TS Nguyễn Thị Bình là có ý nghĩa không nhỏ, vì “nếu làm tốt thì bức tranh văn hóa, văn học Việt Nam thế kỷ XX sẽ trở nên phong phú, trung thực hơn” và “có nhiều bài học hữu ích, mà sâu xa hơn là vấn đề nuôi dưỡng niềm tin vào lẽ công bằng, tình yêu đối với chân lý khoa học” của thế hệ sau.

Năm 1927, khi mới 14 tuổi, Trương Tửu đã bị bắt, bị đuổi học vì tham gia bãi khóa ở Hà Nội để đòi thực dân Pháp thả Phạm Tất Đắc - tác giả Chiêu hồn nước. Ba năm sau, khi đang học trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, Trương Tửu vận động học sinh bãi khóa nên lại bị đuổi học. Năm 1937, Trương Tửu làm chủ bút báo Quốc gia khuynh tả, vì đả kích Bảo Đại và triều đình Huế nên ông bị truy tố trước tòa án Hà Nội và bị xử phạt. Năm 1940, ông viết Kinh thi Việt Nam nhưng bị cấm, viết truyện Thằng Hóm nhưng bị tịch thu ngay lúc ở nhà in. Từ năm 1941-1946, Trương Tửu chủ trì NXB Hàn Thuyên và tập san Văn mới, chủ trương in sách của mọi tác giả, mọi xu hướng. Sau 9 năm tham gia kháng chiến chống Pháp, ông tiếp tục giảng dạy lý luận và lịch sử văn học Việt Nam tại Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa Hà Nội. Sau này, vì viết bài trên tập san Giai phẩm mùa thu Giai phẩm mùa đông, Trương Tửu bị thi hành kỷ luật, buộc thôi công tác. Từ đó, ông chuyển sang nghiên cứu, viết sách, làm nghề Đông y và mất tại Hà Nội.

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.