Quy trình ngược

25/11/2005 01:03 GMT+7

Để quản lý xã hội, Nhà nước (gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp) ban hành hiến pháp, luật, dưới luật là pháp lệnh, nghị định, thông tư, quyết định, nghị quyết, chính sách... Trên hết là hiến pháp, kế đến là luật, các loại văn bản khác phải tuân thủ tuyệt đối hai loại văn bản trên.

Thế nhưng trên thực tế có quá nhiều nghị định, thông tư trái luật, thậm chí trái cả hiến pháp (thí dụ: thông tư số 02/2003/TT-BCA quy định mỗi người chỉ đăng ký 1 xe gắn máy trái Điều 58 Hiến pháp 1992). Hơn thế nữa luật ra rồi có hiệu lực nhưng không thể thi hành được vì vẫn còn nặng tâm lý chờ nghị định và thông tư hướng dẫn thì mới thi hành. Công bằng mà nói, cũng có một thực tế trong quá trình thông qua luật nếu có điều chưa rõ, chưa kết luật được khi thông qua thì để lại cho nghị định chính phủ xử lý, rồi đến khi nghị định cũng "bí" thì để lại cho thông tư của bộ hướng dẫn giải quyết. Thế là ngoài việc luật đợi nghị định, thông tư chậm đi vào cuộc sống, còn tạo ra một nghịch lý trái khoáy là thông tư, nghị định cao hơn luật. Tức là ý chí, trí tuệ của toàn dân thể hiện bằng luật lại bị bóp méo thành ý chí, trí tuệ của một nhóm người, của một bộ ngành soạn thảo nghị định, thông tư.

Một nhược điểm trong quá trình làm luật của chúng ta lâu nay là theo một quy trình ngược. Vào phiên họp cuối năm Quốc hội đưa ra một chương trình xây dựng pháp luật cho năm sau, sau khi chương trình được thông qua sẽ giao cho các cơ quan hữu quan soạn thảo (thường là các cơ quan bộ, ngành của Chính phủ). Lẽ ra phải xuất phát từ các kết luận từ việc phân tích những vấn đề cuộc sống đòi hỏi và chính sách. Phân tích tức là nhận diện những vấn đề đang phát sinh trong xã hội; tìm giải pháp xử lý những vấn đề phát sinh, nếu cần thiết xử lý bằng luật thì kiến nghị, giải trình sự cần thiết xây dựng luật. Từ các kiến nghị này, nghiên cứu tính hợp hiến, hợp pháp khả năng nhân lực, tài chính... để xây dựng chương trình làm luật trình Quốc hội. Cuối cùng giao cho bộ phận soạn thảo không thuộc bộ nào, gồm những chuyên gia giỏi về lập pháp cộng với các chuyên gia chuyên ngành có liên quan (thuộc các bộ). Làm như vậy tránh được tính cục bộ của cơ quan soạn thảo và giảm tối đa lỗi kỹ thuật pháp lý. Ngoài ra, trước khi trình Quốc hội thông qua còn một động tác hết sức quan trọng là lấy ý kiến đóng góp của các đối tượng bị luật điều chỉnh sau này để tránh tính chủ quan.

Làm chính sách cũng vậy, lâu nay chúng ta cũng theo lối mòn là làm theo quy trình ngược. Một ví dụ dễ thấy nhất là, ý định của Bộ Giáo dục - Đào tạo khi đề xuất tăng học phí là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Cứ cho rằng việc nâng học phí sẽ đạt được mục tiêu tốt đẹp này nhưng liệu mức học phí đó có ngăn trở con đường học vấn của sinh viên nghèo, sinh viên vùng nông thôn hay không là điều cần đặt ra cho những người làm chính sách. Lẽ ra trước khi ban hành chính sách tăng học phí cần phải nghiên cứu điều tra xã hội học. Có những nghiên cứu, phân tích thăm dò, đo lường trước mọi hiệu ứng xem việc tăng như vậy có nằm trong khả năng hay không của đại bộ phận gia đình sinh viên ở nông thôn thu nhập thấp... và nếu vẫn quyết định tăng học phí để xã hội chấp nhận, ngành giáo dục cần ban hành kèm theo đó những quy định rõ ràng về các mức hỗ trợ học bổng cho học sinh giỏi, học sinh gặp khó khăn - một dạng chính sách rất phổ biến ngay ở những nước giàu có.

Những quyết định về quy hoạch cũng vậy. Nỗi ám ảnh thường xuyên mất ăn mất ngủ của người dân sống ở đô thị hiện nay là quy hoạch... và lẽ đương nhiên đưa đến hệ lụy là mất lòng dân ! Nhiều gia đình đập phá xây đi xây lại nhà, di dời không dưới ba bốn lần, chung quy là do chính quyền quyết định quy hoạch rồi lại thay đổi quy hoạch.

Để khắc phục nỗi ám ảnh trên, ngày nay, ở nhiều nước quá trình lập quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị có sự tham gia của cộng đồng đang dành được sự chú ý đáng kể trong giới quản lý đô thị. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển ở châu Á như: Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia... đã chỉ ra những thế mạnh và hiệu quả thực tế của việc quy hoạch và phát triển đô thị có sự tham gia của cộng đồng. Từ kinh nghiệm thực tiễn có thể có sự nhất trí rằng, bản quy hoạch tốt nhất phải thể hiện được sự mong muốn của người dân - một bản quy hoạch đáp ứng được những nhu cầu mà người dân cho là cần thiết đối với họ. Cách tốt nhất để có được một bản quy hoạch như vậy là đảm bảo sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch. Nếu chỉ có những nhà quy hoạch chuyên nghiệp tiến hành các khảo sát nghiên cứu và sử dụng kết quả nghiên cứu này để lập quy hoạch thì chưa đủ. Trong nhiều trường hợp, để đảm bảo những gì mà người dân mong muốn được tích hợp vào trong quy hoạch, chỉ có một cách duy nhất là đảm bảo cho họ được tham gia trực tiếp vào quá trình quy hoạch. Cách làm quy hoạch như vậy được xem là cách làm theo quy trình thuận.

Một ví dụ nhỏ, không phải ai cũng biết, khi quyết định xây cầu Mỹ Thuận, cơ quan tư vấn xây dựng nước ngoài, có tổ chức nghiên cứu rất tỉ mỉ việc sau khi xây cầu thì người dân sống bằng nghề buôn bán lâu nay hai bên đầu bến bắc sẽ làm gì để mưu sinh, kể cả những công nhân lái phà. Sau khi điều tra nghiên cứu và có giải pháp thỏa đáng họ mới quyết định khởi công xây cầu.

Quả đúng là phải suy nghĩ lại, thay đổi cách suy nghĩ và cách làm lâu nay. Việc ban hành luật, chính sách, quyết định hành chính... phải xuất phát từ ý nguyện chính đáng của người dân, phục vụ người dân một cách tốt nhất thay vì tạo thuận lợi cho bộ máy công quyền. Chính là nhà nước của dân, do dân, vì dân đòi hỏi phải tiến hành theo quy trình thuận.

Diệp Văn Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.