Chiến dịch tiêm văcxin ngừa cúm A/H1N1 tại Việt Nam: Chờ đợi và cẩn trọng!

04/12/2009 10:06 GMT+7

Đúng lúc VN đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành văcxin ngừa cúm A/H1N1 - điều kiện tiên quyết để nhận lô văcxin viện trợ 1,2 triệu liều thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - thì hàng loạt nghi vấn tử vong do tai biến sau tiêm ngừa cúm A/H1N1 xuất hiện tại Nhật Bản, Trung Quốc.

Độ an toàn của văcxin ngừa cúm A/H1N1 như thế nào là câu hỏi đang khiến rất nhiều người băn khoăn.

Đặc biệt tại Canada, lô văcxin Arepanrix A80CA007A (cùng hãng sản xuất GSK với văcxin được viện trợ cho VN) đã bị tạm ngừng sử dụng do số lượng người gặp phản ứng phụ sau tiêm quá cao.

Nhà tài trợ không chịu trách nhiệm về tai biến

Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm qua 3-12, cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường cho hay trước thông tin lô văcxin Arepanrix bị tạm ngừng sử dụng tại Canada, Cục Quản lý dược đã có văn bản gửi WHO cung cấp thông tin liên quan đến tính an toàn và hiệu quả của văcxin...

“Đây là cơ sở cho việc xem xét đăng ký lưu hành, sử dụng tại VN với văcxin Arepanrix và các văcxin ngừa cúm A/H1N1 khác. Chúng tôi sẽ trình thông tin này lên hội đồng chuyên môn và xét duyệt cấp đăng ký lưu hành quyết định cấp phép lưu hành văcxin ngừa cúm A/H1N1 sớm, hay cần thêm những thử nghiệm theo quy trình đầy đủ” - ông Cường nói.

Những ai không nên tiêm ngừa cúm A/H1N1?

Theo ông Đỗ Gia Cảnh, trưởng phòng thử nghiệm lâm sàng (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư), những người có tiền sử sốc, phản ứng quá mẫn cảm, phản ứng với bất kỳ thành phần nào của văcxin, có tiền sử phản ứng với văcxin cúm trước đây (mệt mỏi quá, sưng tấy quá sau tiêm), dị ứng với trứng gà (vì văcxin sản xuất trên trứng gà có phôi), người có hội chứng Guillain Barré (hội chứng về thần kinh, viêm đa dây thần kinh cấp tính và tiến triển nhanh), trẻ dưới sáu tháng tuổi, người đang sốt không nên tiêm văcxin ngừa cúm A/H1N1.

Phụ nữ có thai không nên sử dụng văcxin ngừa cúm dạng xịt mũi (còn gọi là văcxin sống giảm độc lực) do virus trong văcxin mới chỉ bị làm yếu đi, có thể chuyển hóa hoặc gắn với tế bào non của cơ thể, gây các phản ứng phụ ở người sử dụng.

Cách đây một tuần, Bộ Y tế đã được WHO thông báo lô văcxin viện trợ là sản phẩm của Hãng GSK, WHO đã có văcxin trong tay, chỉ đợi phía VN ký thư thỏa thuận về triển khai tiêm ngừa, giám sát, theo dõi chặt chẽ các phản ứng sau tiêm, cấp đăng ký lưu hành văcxin tại VN.

Và đặc biệt đây là hàng viện trợ nên có thông tin VN phải thỏa thuận nhà tài trợ sẽ không chịu trách nhiệm nếu xảy ra tai biến sau tiêm! Mặc dù theo ông Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, tại các nước đã sử dụng văcxin ngừa cúm A/H1N1, khá phổ biến tình trạng người được tiêm gặp các phản ứng như sưng tấy, đỏ, đau tại vết tiêm, choáng váng, đau đầu... phải vào bệnh viện sau tiêm. Nguyên nhân chủ yếu, theo ông Hiển, là loại chất bổ trợ giúp đáp ứng kháng thể tốt hơn kèm theo mỗi lọ văcxin.

Không tự nguyện, không tiêm

So với các loại văcxin đã dược lưu hành, văcxin ngừa cúm A/H1N1 đại dịch là loại văcxin được tiến hành sản xuất với thời gian rất nhanh. Tháng 5-2009, các hãng văcxin mới có chủng virus và bắt đầu triển khai nghiên cứu, sản xuất. Tháng 9-2009 đã có những quốc gia đầu tiên tiến hành tiêm ngừa bằng loại văcxin mới tinh này.

Theo ông Nguyễn Trần Hiển, một phần nguyên nhân của sự nhanh chóng này là loại văcxin mới được sản xuất trên quy trình công nghệ sản xuất văcxin cúm mùa thông thường, vốn đã có trên 60 năm, về bản chất đây là loại văcxin an toàn.

Mặt khác, để đối phó đại dịch mới, nhiều quốc gia đã rút ngắn quy trình thử nghiệm. Ngay VN, một số quy trình đăng ký, cấp phép văcxin ngừa cúm A/H1N1 cũng đã được rút ngắn, chỉ thử tính an toàn và độ dung nạp. Vì thế văcxin đã được cấp phép lưu hành tại hơn 40 quốc gia, nhưng nhiều quốc gia vẫn khuyến cáo phải theo dõi chặt chẽ các phản ứng sau tiêm ngừa. Còn ở VN chưa có chủ trương tổ chức tiêm ngừa dạng dịch vụ vì lo ngại xảy ra tai biến. Thế nhưng có 800.000-900.000 bà bầu và 280.000 cán bộ y tế sẽ bước vào “chiến dịch” tiêm chủng dự kiến tổ chức từ tháng 12-2009 đến 2-2010!

Theo ông Nguyễn Huy Nga, cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, đơn vị đầu mối của chiến dịch tiêm ngừa cúm A/H1N1, các địa phương đang lập danh sách phụ nữ có thai trên ba tháng và cán bộ y tế. Các kế hoạch cho chiến dịch đã sẵn sàng, nhà tài trợ cho vận chuyển văcxin, bơm kim tiêm... đã có để thực hiện tiêm ngừa ngay sau khi văcxin được cấp phép lưu hành và về đến VN.

Hai yếu tố tiên quyết cho việc có tiêm hay không tiêm ngừa là người được tiêm phải không có các chống chỉ định với tiêm văcxin ngừa cúm A/H1N1 và tự nguyện tiêm ngừa.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ đã đến tháng 12 - thời điểm triển khai tiêm ngừa văcxin theo kế hoạch của Bộ Y tế, nhưng thông tin về lô văcxin được viện trợ, số lượng thai phụ trên thế giới đã tiêm ngừa, tỉ lệ gặp phản ứng phụ sau tiêm là bao nhiêu, tỉ lệ gặp phản ứng phụ ở nhóm bệnh nhân mắc bệnh mãn tính thế nào... vẫn còn rất mù mờ.

Đã có 46 người tử vong do cúm A/H1N1 tại VN, trong đó có 12 thai phụ. Các quan chức Bộ Y tế nói rằng nên cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ để quyết định việc tiêm hay không tiêm. Ông Nguyễn Trần Hiển cho rằng nên đợi WHO cung cấp thông tin đầy đủ và khuyến cáo cho VN, vì WHO là cơ quan chuyên môn cao nhất. Đến giờ phút này rõ ràng là nên đợi và cẩn trọng trước khi quyết định.

Theo Lan Anh / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.