Dệt may dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu

29/11/2007 23:16 GMT+7

Năm 2007, dệt may vươn lên vị trí dẫn đầu trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu với kim ngạch sẽ đạt khoảng 7,8 tỉ USD (tăng 31% so với năm 2006), vượt qua cả dầu thô.

Con số trên đã được Bộ Công thương đưa ra tại Hội nghị bàn về thực hiện kế hoạch sản xuất xuất khẩu hàng dệt may 2008 ngày 29.11.  Tính đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 6,38 tỉ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2006. Trong hai tháng còn lại, dệt may không những hoàn thành kế hoạch đã đề ra là 7,5 tỉ USD mà còn vượt, lên đến 7,8 tỉ USD. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ giữ vị trí chủ đạo đạt 4,4 - 4,5 tỉ USD, thị trường EU đạt khoảng 1,45 -1,5 tỉ USD, Nhật Bản đạt 700 triệu USD... 

Bình luận về kết quả này, Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương Bùi Xuân Khu nói: "Tốc độ tăng tưởng như vậy là rất cao. Tuy nhiên, kết quả sẽ còn cao hơn nếu như chúng ta không bị Hoa Kỳ đối xử thiếu công bằng bởi chương trình Giám sát hàng nhập khẩu từ Việt Nam". Nói về nguyên nhân của thành quả này, ông Lê Quốc n, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng: "Chính tác động của WTO giúp chúng ta có được thành quả đó". 

Bộ Công thương dự kiến kế hoạch xuất khẩu năm 2008 là 9,5 tỉ USD. Trong đó dự kiến các thị trường chính là Hoa Kỳ ước đạt 5,5 tỉ USD, thị trường EU đạt khoảng 1,6-1,8 tỉ USD, thị trường Nhật đạt khoảng 800 triệu USD... Tuy nhiên, năm 2008 dệt may sẽ phải đối mặt với 3 trở ngại lớn: Thứ nhất, các nước xuất khẩu hàng dệt may xung quanh Việt Nam tăng trưởng không kém và đang có tham vọng nhân đôi kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn 2006-2010. Thứ hai là rào cản thương mại Hoa Kỳ. Thứ ba là vấn đề lao động đình công, bãi công xảy ra ngày càng căng thẳng. 

Để đạt được mục tiêu đề ra, hội nghị lưu ý các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu lớn Hoa Kỳ, thực hiện các đơn hàng có chất lượng cao và giá cao; tránh nhận những đơn hàng đơn giản, giá trị thấp làm ảnh hưởng đến mức giá bình quân của cả nước, là cơ sở để phía Hoa Kỳ tự khởi kiện chống bán phá giá. Bên cạnh đó cần triển khai hoạt động của Tổ kiểm tra cơ động hàng dệt may xuất khẩu nhằm ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. 

Thu Hằng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.