Tiết kiệm mà vui

10/05/2012 03:45 GMT+7

Sáng chủ nhật, khu dân cư mới vùng ven TP.HCM bỗng rộn ràng hẳn với những nhóm học sinh thử tài đi chợ và… trả giá “sát nút” từng món hàng.

8 giờ kém ngày 6.5, từ cơ sở 1 Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam (đường 3, Khu dân cư Vĩnh Lộc, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM), hơn 90 học viên tham gia chương trình “Một ngày để sống” bắt đầu đi chợ. Tất cả gồm 4 nhóm, chia nhau hướng về 2 ngôi chợ nhỏ ở 2 điểm khác nhau. Ban tổ chức phát tiền chợ cho mỗi nhóm là 400.000 đồng với yêu cầu mua đủ một số loại thực phẩm tươi ngon để chế biến những món ăn trong ngày cho hơn 20 người. Thời gian đi chợ khống chế trong vòng 30 phút.

Tự tin… thương lượng

 Tiết kiệm mà vui
Học tiết kiệm qua việc tự đi chợ - Ảnh: Như Lịch

Bên trong chợ Bình Thành, chúng tôi chứng kiến Mỹ Kim (học sinh lớp 11 A6 Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến) cùng một nhóm học viên đang trả giá một trái dưa hấu. Trái dưa nặng gần 2,1 kg, người bán hàng đòi 27.000 đồng (13.000 đồng/kg) nhưng Mỹ Kim trả xuống 25.000 đồng. Năn nỉ không xong, cả nhóm đi tìm một quầy khác bên vệ đường. Thật bất ngờ, giá dưa hấu ở đây chỉ có 9.000 đồng/kg… Mỹ Kim ríu rít: “Đây là lần đầu tiên em đi chợ. Trước đây, em nghĩ mình sẽ không bao giờ trả giá vì sợ người ta chửi. Nhưng bây giờ em thấy tự tin hơn, sẵn sàng thương lượng để tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy”.

 
Nhiều cơ hội rèn luyện

"Một ngày để sống" là chuỗi chương trình huấn luyện kỹ năng sống dành cho bạn trẻ từ 8 - 16 tuổi, do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam thực hiện, diễn ra từ tháng 3 - 12.2012. Những chủ đề sắp tới lần lượt là “Sống mạnh mẽ”, “Sống có trách nhiệm”, ”Sống có niềm tin”, “Sống có nghị lực” và “Sống biết ước mơ”.

Vượt qua sự rụt rè, mắc cỡ ban đầu, một số bạn nam đã mạnh dạn lựa rau muống, cà chua, thịt, đậu hũ… và cũng mặc cả. Bùi Quốc Thắng – học sinh lớp 8 Trường PTCS Lạc Hồng, cho hay bạn không ngờ việc đi chợ lại mệt như vậy. Bù lại, Thắng thấy vui vì mua được vỉ 10 trứng vịt với giá 17.000 đồng, trong khi người bán hàng nói thách 20.000 đồng/vỉ.

Sau buổi chợ, tiền dư của mỗi nhóm chênh lệch nhau mặc dù số lượng và chất lượng thực phẩm mua về khá tương đồng. Trong đó, nhóm dư nhiều nhất là 32.000 đồng và nhóm dư ít nhất là 15.000 đồng. Anh Phan Thành Hổ - đại diện ban tổ chức thông báo, nhóm nào càng tiết kiệm được nhiều tiền càng có cơ hội mua vé đi bơi vào buổi chiều cùng ngày.

Thay đổi thói quen

Nhắn nhủ cùng những học viên, anh Hổ tâm tình: “Hằng ngày, chúng ta thưởng thức những món ăn mà quên mất những giọt mồ hôi của mẹ đã đổ ra để đi chợ, nấu nướng cho mình. Thậm chí, nhiều bạn còn chê dở, không thèm đụng đũa đến… Rõ ràng, chúng ta thường “tiết kiệm” những lời cảm ơn nhưng lại rất lãng phí tiền bạc, công sức, tình thương của cha mẹ”. Anh Hổ còn nhẹ nhàng góp ý những biểu hiện lãng phí xảy ra xung quanh, chẳng hạn: có những bạn uống 1/3 chai nước suối là vứt bỏ không tiếc; không ăn sáng dù ba mẹ đã mua/nấu đồ ăn; không tắt điện, khóa nước… Một bạn nam thừa nhận, mỗi năm bạn thay khoảng 4 chiếc hộp đựng bút vì thỉnh thoảng bạn còn dùng hộp bút để… ném chơi và không thèm nhặt lại.

Bên cạnh đó, các anh chị điều phối viên chương trình còn hướng dẫn học viên làm những hộp bút xinh xắn từ những phế phẩm. Phạm Minh Quang - học sinh lớp 3 Trường quốc tế Á Châu, hồn nhiên kể: “Hộp bút của con ở nhà, cái đế hư gần như tan tành rồi. Con sẽ kiếm miếng giấy cứng dán keo lại, chứ mua cái mới đắt lắm!”. Hỏi sao không nhờ bố mẹ sửa dùm cho, Quang lập luận: “Chỉ là việc thủ công vặt vãnh thôi mà, nên con tự làm được. Bố mẹ con bận lo làm ăn, kiếm tiền nuôi con”.

Trở về từ chương trình “Một ngày để sống” kỳ 3, mỗi học viên đều có “chiến lợi phẩm” là một chú heo đất. Nguyễn Minh Thông - học sinh lớp 7 Trường THCS Hoàng Văn Thụ, khẳng định chiến lợi phẩm lớn nhất bạn gặt hái được chính là sự thay đổi trong ý thức về sự tiết kiệm. Thông kể rằng, trước khi tham gia chương trình, bạn có thói quen tiêu xài lãng phí, nhất là việc mua đồ dùng học tập quá nhiều đến nỗi dư thừa.

Như Lịch

>> Kế sách sống chung với “bão giá”
>> “Loạn” phiên âm
>> Nếu bạn trẻ chỉ nói đến ưu điểm thì không thể lớn lên!

 

>> Tiếng Việt đang méo mó: Thay đổi thói quen xấu
>> Khóc cười với thiết bị tiết kiệm xăng

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.