WB xếp hạng môi trường kinh doanh: Việt Nam tăng 3 bậc

10/11/2007 00:49 GMT+7

Hôm qua (9.11), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đã công bố báo cáo nghiên cứu về môi trường kinh doanh năm nay.

Theo đó, Việt Nam đã được tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh. Từ vị trí 94 trong năm trước, năm nay, Việt Nam đã lên vị trí 91 trong tổng số 178 nền kinh tế được xếp hạng. Theo các chuyên gia của WB, những nỗ lực của Chính phủ  Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh đã đem lại những kết quả nhất định. Có 3 chỉ số được cải thiện đáng kể là: thuận lợi về cho vay vốn (tăng 32 bậc), bảo vệ nhà đầu tư (tăng 10 bậc) và thực thi hợp đồng (1 bậc).

Tuy nhiên, theo ông Justin Yap, chuyên gia nghiên cứu về phát triển khu vực tư nhân của WB, tốc độ cải cách của Việt Nam chưa được coi là nhanh, các thủ tục ở Việt Nam nhìn chung còn phức tạp, chưa thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và đầu tư. Nhiều chỉ số quan trọng để đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam bị tụt hạng như các chỉ số về tuyển dụng và sa thải lao động, đăng ký tài sản, đóng thuế, giải thể doanh nghiệp, cấp phép xây dựng... Thủ tục thành lập doanh nghiệp bị WB và IFC đánh tụt hạng 7 bậc từ vị trí 90 xuống vị trí 97 trong năm nay. 

Bình luận về bản báo cáo môi trường kinh doanh của WB, ông Đinh Văn n, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, báo cáo trên chưa cập nhật những thay đổi trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư của Việt Nam năm 2005 vì trong 2 năm 2006 và 2007, sau khi áp dụng 2 luật này, môi trường đầu tư tại Việt Nam được cải thiện nhiều hơn. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cố vấn cao cấp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về vấn đề thành lập doanh nghiệp, ông tin rằng trên thực tế, Việt Nam đã làm tốt hơn. Nhiều địa phương đã thực hiện được việc hợp nhất 3 khâu: đăng ký mã số thuế, khắc dấu và đăng ký kinh doanh làm một. "Việt Nam đang xếp hạng ở mức trung bình nhưng hoàn toàn có thể tăng lên. Nhóm nghiên cứu này chủ yếu dựa vào các luật gia là chính, tôi đề nghị nên xem xét kết hợp giữa luật gia và doanh nghiệp để phản ánh đầy đủ hơn", tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói. Ông cũng bày tỏ lo ngại việc môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp hạng thấp hơn Trung Quốc và Thái Lan.

*Cũng trong ngày 9.11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Nhật Bản đã thông báo kết quả cuộc họp của hai bên về việc thực hiện giai đoạn II của "Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản (về cải cách môi trường kinh doanh)". Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư  Võ Hồng Phúc cho biết, hai bên đã thống nhất về nhiều vấn đề trong cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, còn 2 điểm mà Việt Nam và Nhật Bản chưa thống nhất là việc nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng và danh mục những mặt hàng hạn chế hoặc cấm nhập khẩu của Việt Nam. "Về vấn đề nhập khẩu ô tô, quan điểm của Việt Nam là thực hiện đúng các cam kết quốc tế, giảm dần bảo hộ, giảm dần mức thuế theo các điều khoản đã cam kết để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng", ông Phúc nói. Tuy nhiên, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Norio Hatttori cho rằng: "Chính sách công nghiệp ô tô của Việt Nam còn nhiều điểm chưa rõ ràng". Theo ông, về vấn đề này, hai bên sẽ phải thảo luận, trao đổi nhiều trong giai đoạn tiếp theo của "Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản".

Theo ông Motoyuki Oka, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam -Nhật Bản, trong 1 năm qua, môi trường đầu tư Việt Nam có nhiều cải thiện, ví dụ như xóa bỏ được quy định về việc bắt buộc phải có 100% ý kiến nhất trí trong hội đồng quản trị của một liên doanh, thay bằng quy định tính theo ý kiến đa số. Theo ông, môi trường đầu tư Việt Nam hấp dẫn do Việt Nam có sự ổn định cao về chính trị-xã hội; Chính phủ thể hiện được ý chí mạnh về cải cách môi trường kinh doanh. Điểm yếu nhất của Việt Nam, theo ông Oka chính là cơ sở hạ tầng, "nút thắt cổ chai của nền kinh tế".

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.