Cái chết trắng trên cao nguyên trung Á

25/11/2005 22:57 GMT+7

Hơn 10 năm qua, Trung Á đóng vai trò là trạm trung chuyển ma túy từ những vựa anh túc ở Afghanistan đến tiêu thụ tại Nga và châu u. Giờ đây, khu vực này đang trở thành một thị trường tiêu thụ hàng cấm lớn nhất châu lục.

 

Theo Văn phòng phụ trách ma túy và tội phạm LHQ (UNODC), tình trạng sử dụng ma túy tại Trung Á đã đến mức báo động. Khoảng 1% dân số tại khu vực này hiện đang nghiện ngập, gấp 3 lần tỷ lệ trung bình của những nơi khác tại châu Á. Tuyến đường vận chuyển ma túy xuyên Trung Á được hình thành từ hơn 10 năm qua, đưa cái chết trắng từ "vựa" Afghanistan tới gieo rắc tại Nga và châu u. Và trước khi đến được 2 thị trường rộng lớn này, một lượng ma túy rất lớn đã rơi vãi xuống những quốc gia nằm trên "con đường trắng", gây nghiện ngập cho ngày càng nhiều người. Vì thế, cách tốt nhất để giảm số người nghiện ma túy trong khu vực là triệt phá các đường dây buôn lậu ma túy đi qua đây. Tuy nhiên, đối với khu vực Trung Á - nơi mà nạn đói, tham nhũng vẫn còn hoành hành dữ dội - thì bài toán này cực kỳ hóc búa. Mối quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" giữa các quốc gia trong khu vực cũng khiến công tác phối hợp chống ma túy không phát huy hiệu quả cao. Theo số liệu của LHQ thì vào năm 2003, nhà chức trách Tajikistan đã bắt giữ 5.600 kg heroin, con số này tại Uzbekistan là 336 kg, Kazakhstan là 707 kg, Turkmenistan là 81 kg còn Kyrgyzstan là 105 kg. Tại Tajikistan, quốc gia chỉ có 6,3 triệu dân, số ma túy bị phát hiện đã ngang bằng với đất nước gần 200 triệu dân Pakistan. Đó thực sự là một phép so sánh kinh hoàng nhưng cũng thật kinh khủng nếu biết rằng những con số trên đây chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trên tổng số ma túy lưu thông qua khu vực. Tại Tajikistan, khi nhìn thấy một chiếc xe hơi cáu cạnh, người ta thường hỏi nhau: "Chiếc xe này đáng giá bao nhiêu kg (chất trắng) nhỉ?". "Xã hội hóa" đến mức đó là cùng!

 

Sự bùng nổ nạn buôn lậu ma túy tại Tajikistan một phần xuất phát từ tình trạng đói nghèo, hậu quả của những năm bạo lực giai đoạn 1992-1997, một phần xuất phát từ điều kiện địa lý. Hơn 90% lãnh thổ nước này là đồi núi, không phù hợp với sản xuất nông nghiệp nên người ta dễ dàng bị món lợi từ ma túy cám dỗ. Tajikistan có 1.344 km đường biên với Afghanistan, một trong những nơi sản xuất ma túy lớn nhất thế giới. Dải đường biên này có địa hình hiểm trở và được canh phòng rất lỏng lẻo. Sau khi Nga trao hết quyền kiểm soát đường biên cho Tajikistan hồi tháng 8 thì tình hình trở nên tồi tệ hơn. Lực lượng biên phòng Tajikistan được huấn luyện kém và trang bị tồi, hầu như bất lực trước những đường dây buôn lậu hoạt động tinh vi và trang bị hiện đại.

 

Trước "cơn bão" ma túy ngày một khủng khiếp, nhà chức trách Tajikistan gần đây đã đẩy mạnh chiến dịch tiễu trừ. Cơ quan chống ma túy quốc gia đã được thành lập với khoảng 200 nhân viên, một lực lượng quá mỏng nếu so với các cơ quan thực thi pháp luật khác với số nhân viên trung bình 30 ngàn người. Tuy nhiên, đội quân nhỏ bé này là tác giả của 70% số vụ án ma túy bị phá tại Tajikistan năm ngoái. Nỗ lực trên là đáng ghi nhận nhưng theo Tổng thống E.Rakhmonov thì Tajikistan cần nhận được sự ủng hộ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế. Ông Rakhmonov cho rằng một khi mà các cánh đồng tại Afghanistan vẫn đầy hoa anh túc thì cuộc chiến chống ma túy tại nước ông chẳng khác gì xây lâu đài trên cát. Mặt khác, chiến dịch chống ma túy cũng cần được đẩy mạnh tại những điểm đến bởi có một điều rõ ràng rằng, khi mà nhu cầu tại Nga và châu u vẫn lớn thì dân buôn lậu sẽ tìm mọi cách để vận chuyển ma túy xuyên qua Trung Á. (BBC)

 

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.