Trắng tay vì buôn vàng... qua mạng

28/11/2006 23:54 GMT+7

Sau khi báo chí thông tin việc Trưởng đại diện Văn phòng Golden Rock tại VN "biến mất" cùng khoản tiền hơn chục triệu USD của các "nhà đầu tư" (NĐT), lại có thêm một số "NĐT" đến tòa soạn Thanh Niên phản ảnh về hoạt động của một công ty khác trên địa bàn TP.HCM, cũng với hình thức kinh doanh ngoại hối (mua bán vàng) qua mạng. Điểm chung của những "NĐT" này là sau một thời gian rất ngắn tham gia kinh doanh, họ đều... lỗ nặng, thậm chí trắng tay!

Càng làm càng... lỗ!

Chị Y.N, ở Q.Phú Nhuận kể: vào đầu tháng 10.2006, tại sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM, có một cô gái tự giới thiệu tên Mai, là chuyên viên tư vấn của Công ty liên doanh Vietsec (trụ sở tại 6B Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM) là đại lý kinh doanh cho Tập đoàn tài chính Somerset & Morgan (SMCL). Mai "tỉ tê" về một phương thức kinh doanh mới: mua bán vàng, ngoại tệ trên mạng và mời chị Y.N tham gia vì hiệu quả hơn nhiều so với đầu tư chứng khoán. Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền 10.000 USD, khách hàng sẽ trở thành NĐT và được SMCL cấp một tài khoản cùng phần mềm để tham gia mua bán vàng hoặc ngoại tệ trên mạng tại các sàn giao dịch London, New York, Hồng Kông... Trong quá trình mua bán, NĐT sẽ được chuyên viên tư vấn cung cấp các thông tin phân tích thị trường để quyết định mua vào hay bán ra hợp lý và hưởng chênh lệch giữa giá mua và giá bán. Phía NĐT phải trả phí tư vấn cho mỗi lần giao dịch là 50 USD, cùng khoản chênh lệch giá (mua và bán) 80 USD/lot NĐT khớp lệnh mua - bán (1 lot khoảng 84 lượng vàng). Còn nếu không muốn tự kinh doanh, NĐT có thể ủy thác cho SMCL kinh doanh với lãi suất thu về hằng tháng là 5%, số tiền đầu tư tối thiểu 20.000 USD.

Để làm tin, Mai mời chị Y.N về trụ sở Vietsec để kinh doanh thử trên một phần mềm chạy "demo". "Lúc thử 3 lần tôi thấy lần nào cũng thắng, sau khi trừ hết chi phí còn vài trăm đô sau mỗi lần giao dịch" - chị N. kể. Thấy lời cao, chị Y.N quyết định đóng 10.000 USD để tham gia mua bán vàng trên mạng. "Tôi đóng tiền tại trụ sở Công ty Vietsec cho một cô gái nói giọng Huế. Nhưng khi hỏi hóa đơn, chứng từ hay giấy biên nhận thì cô ta đều lắc, bảo "chị cứ lên mạng, vào đúng mật khẩu là thấy tài khoản cùng số tiền của chị hiện lên để kinh doanh". Tôi về nhà làm theo thì thấy đúng như thế và chúng tôi bắt đầu kinh doanh" - chị Y.N kể.

Nhưng chỉ có tiền lời kiếm được sau đó thì không như... lúc chơi thử. "Một ngày tôi lên mạng giao dịch 2-3 lần, hết thị trường London lại đến New York, Hồng Kông... Mỗi lần tôi lên mạng đều nhận được thông tin tư vấn của chuyên viên Vietsec về thị trường để quyết định mua vào, bán ra. Kết quả là... lỗ nhiều hơn lời. Thông thường mỗi lần giao dịch thành, nếu lời thì được khoảng 200 USD/lot, trừ phí tư vấn, tiền chênh lệch chả còn là bao; còn lỗ thì lên đến 700 - 800 USD. Thấy vậy, chồng tôi cũng lao vào kinh doanh phụ và hai vợ chồng thức hết đêm này qua đêm nọ để... buôn vàng vì giờ giao dịch của các thị trường trên đều vào ban đêm ở VN. Kết quả cũng không khả quan hơn chút nào vì thông tin tư vấn thường chậm và không chính xác. Vào những ngày gần cuối, chúng tôi giao luôn mật khẩu cho chuyên viên tư vấn Vietsec kinh doanh, nhưng lỗ vẫn hoàn lỗ. Sau đúng một tháng đảo lộn cuộc sống, trong tài khoản của chúng tôi còn 160 USD, mất trắng 9.840 USD" - chị Y.N đau khổ.

Một "NĐT" khác tên K. cũng lâm vào cảnh tương tự gia đình chị Y.N. Trong thư gửi đến Thanh Niên, anh K. cho biết anh được một chuyên viên tư vấn tên T. của Vietsec "mách" sẽ kiếm được cả ngàn USD trong một tuần nếu tham gia kinh doanh vàng trên mạng qua Vietsec. Anh K. cũng bỏ vào 10.000 USD, nhưng sau 2 tuần thì thay vì kiếm được cả ngàn USD, tài khoản của anh bị âm gần 4.000 USD. "Càng kinh doanh tôi càng thấy lỗ vì thông tin tư vấn không chính xác. Chỉ có chuyên viên tư vấn và công ty là lời vì mỗi lần giao dịch, dù thắng hay thua họ cũng thu của mình 120 USD. Khi tôi quyết định ngưng kinh doanh và rút tiền còn lại ra thì bị họ làm khó dễ và trừ tiếp 50 USD, không biết là tiền gì! Đúng là một bài học quá đắt" - anh K. khuyến cáo.

Không có chức năng, vẫn kinh doanh!

Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND TP.HCM cấp, mục tiêu và phạm vi kinh doanh của Công ty liên doanh Vietsec là cung cấp dịch vụ quản lý dự án cho các dự án phát triển nhà ở và du lịch, cung cấp dịch vụ tư vấn phân tích tài chính doanh nghiệp cho các NĐT. Doanh nghiệp chỉ được hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ quản lý, dịch vụ tư vấn, không kinh doanh bất động sản, không kinh doanh dịch vụ tài chính. Như vậy, Vietsec không có chức năng kinh doanh dịch vụ tài chính.

Tuy nhiên, vai trò của Vietsec trong các thương vụ kinh doanh vàng của các NĐT nói trên như thế nào, thì ngay các cơ quan quản lý cũng còn đang tìm hiểu... "Sau sự việc của Golden Rock, chúng tôi cũng đã nhận được những thông tin về hoạt động của một số công ty trong lĩnh vực tương tự, trong đó có Vietsec. Chúng tôi chưa có kết luận đúng hay sai, lừa đảo hay không, nhưng rõ ràng là cơ quan quản lý Nhà nước phải bắt tay vào. Cần phải thông tin rộng rãi cho dân chúng biết!"  - một lãnh đạo Sở Thương mại TP.HCM bày tỏ quan điểm.

Bà Nguyễn Thị Minh Lan, Trưởng phòng Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước VN, chi nhánh TP.HCM, cho biết, việc kinh doanh vàng hay ngoại tệ qua mạng là một dạng hoạt động ngoại hối. Mọi hoạt động trong lĩnh vực ngoại hối phải xin phép và được cấp phép. Hiện nay, cơ quan cấp phép kinh doanh ngoại hối là Ngân hàng Nhà nước VN, nhưng cơ quan này không cấp phép cho Vietsec kinh doanh ngoại hối. Trong trường hợp nếu NĐT (người dân) trực tiếp kinh doanh với một tổ chức ở nước ngoài là cũng vi phạm pháp luật vì quy định hiện hành không cho phép.

Mặt khác, cũng theo bà Lan, trường hợp người dân nếu có trực tiếp kinh doanh ngoại tệ với tổ chức ở nước ngoài cũng không thể thực hiện gửi tiền ra nước ngoài qua kênh ngân hàng. "Quy định việc chuyển ngoại tệ rất chặt chẽ. Nếu là cá nhân phải khai rõ mục đích, ví dụ như đi du học, chữa bệnh, định cư. Còn các tổ chức phải có giấy tờ chứng minh là để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ... theo hợp đồng. Vì thế, chúng tôi cũng đang tìm hiểu xem trong các trường hợp như trên, nếu có thì họ chuyển tiền bằng cách nào, có đường dây nào không vì chắc chắn không thể chuyển qua kênh ngân hàng" - bà Lan khẳng định.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, hôm qua 28.11, các cơ quan chức năng (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Công an, Ngân hàng Nhà nước...) đã tiến hành làm việc với Công ty Vietsec xung quanh những hoạt động của công ty này. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc những diễn biến mới của vụ việc.

Cá nhân chưa được phép kinh doanh ngoại tệ trên mạng

Kinh doanh ngoại tệ, vàng qua mạng đã thâm nhập vào thị trường VN từ vài năm trở lại đây. Đối với một số nước, hình thức này đã trở nên phổ biến. Theo thống kê không chính thức, tính riêng tại TP.HCM đã có khoảng 20 công ty chuyên về tư vấn môi giới kinh doanh qua mạng. Nói là thống kê không chính thức vì loại hình kinh doanh này hiện nay vẫn chưa được Nhà nước cho phép. Ông Trương Văn Phước (ảnh) - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước khẳng định: "Ngân hàng Nhà nước chỉ mới cấp phép cho một vài ngân hàng kinh doanh vàng qua mạng nhằm đảm bảo tính thanh khoản trong hoạt động kinh doanh vàng của ngân hàng". Một số công ty cho rằng họ được cơ quan chức năng cho phép kinh doanh. Ở đây có sự nhập nhằng, các công ty này mới chỉ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cấp, chứ chưa có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước cấp cho kinh doanh ngoại tệ, vàng (vì đây là loại hình kinh doanh có điều kiện). Như vậy, ngoài rủi ro về biến động giá, các NĐT trong nước hiện nay đang đứng trước rủi ro về mặt pháp lý.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng, do nhiều người quan niệm đây là hình thức cá cược đỏ đen nên cho rằng phải cấm. Thực tế, nhiều nước hiện nay đang triển khai hình thức này với giá trị giao dịch mỗi ngày lên đến hàng chục nghìn tỉ USD và qua đó thu về một khoản thuế khổng lồ. Nhu cầu đầu tư kinh doanh qua mạng tại VN hiện nay đang rất cao và lan rộng. Cơ quan chức năng cần cho phép hình thức kinh doanh này để các đơn vị công khai, minh bạch dễ quản lý và người dân không bị mất tiền oan uổng. Hiện nay, Pháp lệnh Ngoại hối đã cho phép các cá nhân, tổ chức được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Thế nhưng cơ quan nào cấp phép cho loại hình này (là Ngân hàng Nhà nước hay Bộ KH-ĐT) thì vẫn đang còn tranh cãi.

Thanh Xuân

T.B - Đ.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.