Vẫn còn ít các chỉ tiêu chất lượng, hiệu quả

09/11/2006 00:06 GMT+7

Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này đã đề ra nhiều chỉ tiêu chủ yếu cả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó có những chỉ tiêu mới xuất hiện từ vài năm nay hoặc năm nay mới được đưa ra để Quốc hội quyết định.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các chỉ tiêu trên phần nhiều vẫn phản ánh về mặt số lượng, phát triển theo chiều rộng, còn ít các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, hiệu quả, phản ánh phát triển theo chiều sâu. Nhận xét này xuất phát từ một số biểu hiện.

Tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào yếu tố vốn đầu tư, khi vốn đầu tư chiếm tới 40% GDP, nhưng GDP chỉ tăng 8,2 - 8,5%. Nếu hiệu quả vốn đầu tư được nâng lên bằng với mức giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước (đầu tư 1 đồng vốn tạo ra 4 đồng GDP, còn bây giờ 1 đồng vốn đầu tư chỉ tạo ra 2,5 đồng GDP), thì tăng trưởng kinh tế phải đạt 2 chữ số (trên 10%).

Nếu vốn đầu tư là yếu tố mà nước ta còn thiếu, Nhà nước còn phải đi vay ở trong nước và nước ngoài, thì lao động không những là yếu tố đầu vào quan trọng, là yếu tố nội lực, trong khi còn rất dồi dào, thì các chỉ tiêu về lĩnh vực này còn ít, còn thiếu những chỉ tiêu chất lượng năng suất lao động xã hội. Năng suất lao động xã hội của nước ta hiện mới đạt trên 20 triệu đồng, khả năng năm 2007 cũng vào khoảng 25 triệu đồng, tính ra USD theo tỷ giá hối đoái cũng chỉ vào khoảng 1.500 USD/lao động. Với mức năng suất này, cộng với tỷ lệ nhân khẩu phụ thuộc cao, thì chẳng những giá trị thặng dư thấp, sức cạnh tranh yếu, mà sức mua có khả năng thanh toán của dân cư cũng khó mà cao lên được. Năng suất lao động phụ thuộc vào sự chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và trình độ kỹ thuật - công nghệ sản xuất. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm 2005 mới được một phần tư, không đạt mục tiêu, trong khi mục tiêu đến năm 2010 rất cao (40%), cùng với chất lượng, cơ cấu đào tạo còn hạn chế bất cập, sẽ khó tránh khỏi thất nghiệp, thiếu việc làm, nhất là năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO. Trình độ kỹ thuật - công nghệ ngay của ngành công nghiệp cũng còn yếu kém khi tỷ lệ các doanh nghiệp có kỹ thuật - công nghệ cao cũng chỉ đạt khoảng một phần năm, trong khi của Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia ở mức trên dưới 40%, còn của Singapore lên tới 62%!

Nhập siêu là một chỉ tiêu rất quan trọng, thể hiện vị thế của nước ta trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, tác động lớn đến cán cân thanh toán quốc tế, nhưng theo mục tiêu năm 2007 vẫn còn ở mức 3,9 tỉ USD, giảm không bao nhiêu so với ước thực hiện của năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu chỉ có 17,4%, thấp  hơn nhiều so với tốc độ tăng trong nhiều năm trước, trong khi việc gia nhập WTO đã mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu khi thuế suất thuế nhập khẩu của Việt Nam vào các nước thành viên WTO được cắt giảm mạnh, hạn ngạch bị bãi bỏ, nếu có phát sinh các rào cản khác thì việc xử lý của Việt Nam cũng khác trước khi chưa trở thành thành viên WTO.

Năm 2007 là năm Việt Nam có một bước ngoặt mới trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, trong quá trình mở cửa, hội nhập. Nhưng một số chỉ tiêu quan trọng của kinh tế thị trường, của mở cửa hội nhập là nợ nước ngoài và dự trữ quốc tế - những chỉ tiêu nhiều nước đã đặt ra nhằm giám sát kinh tế vĩ mô và công bố công khai trên các ấn phẩm quốc tế - nhưng nước ta chưa đưa thành mục tiêu trình Quốc hội quyết định.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.