Thế giới thiếu hụt 3,5 triệu tấn gạo

03/11/2007 00:57 GMT+7

Sang năm 2008 các nước Iran, Bangladesh, Nigeria, và nhiều quốc gia châu Phi khác sẽ không có nguồn gạo để nhập khẩu. Kế hoạch 3,5 triệu tấn gạo mà Ấn Độ dành để xuất khẩu sẽ không thể thực hiện được.

Vì tình trạng thiếu hụt lúa mì và bắp trên khắp thế giới kể cả của Ấn Độ, khiến cho Ấn Độ phải điều chỉnh cán cân lương thực lấy gạo bù vào hai loại lương thực kia. Ông Bob Papanos, chủ tịch tạp chí Người buôn bán gạo, chuyên gia dự báo lương thực thế giới, đã cho biết như thế khi tổng kết hội nghị "Thương mại gạo quốc tế" diễn ra tại Bali, Indonesia, trong hai ngày 31.10 và 1.11. Hơn 160 đại diện công ty xuất khẩu và nhập khẩu gạo, chuyên viên nghiên cứu thị trường và chuyên gia nghiên cứu khoa học về lúa gạo, trong đó có khoảng 30 người đại diện cho 19 cơ quan và công ty xuất khẩu lương thực Việt Nam đã tham dự hội nghị.

Khuynh hướng người tiêu dùng ở các nước trên thế giới sẽ ăn nhiều gạo hơn vì giá lúa mì đã tăng lên gấp ba lần, giá bắp tăng gấp đôi so năm trước. Ông Papanos đặt câu hỏi là ai sẽ cung cấp 3,5 triệu tấn gạo bị thiếu hụt đó? Rất khó dự đoán được vì trong số các nước đang xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Thái Lan, Việt Nam, Hoa Kỳ, Pakistan, Trung Quốc, Ai Cập… chỉ có đủ gạo để cung cấp cho thị trường xuất khẩu khoảng 30 triệu tấn cho năm 2008. May ra chỉ có Thái Lan có thể xuất thêm 0,5 triệu tấn gạo vào chỗ thiếu 3,5 triệu tấn trên đây. Một nước đang có khả năng gia nhập hàng ngũ xuất khẩu gạo trực tiếp là Campuchia cũng có thể xuất 0,5 triệu tấn, không qua trung gian Việt Nam hoặc Thái Lan nữa.

 Chuyên gia lúa gạo nhận định tình hình trong những tháng hiện tại đều đồng ý rằng thị trường gạo đang đứng lại, vì tại đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù vụ lúa thu đông tương đối khá và vụ đông xuân hằng năm luôn rất thuận lợi, nhưng Nhà nước ngưng cho ký hợp đồng xuất khẩu gạo nên trên thị trường chỉ còn Thái Lan là nước duy nhất có dư gạo để xuất vào lúc này. Vì thế dự báo giá gạo sẽ tăng thêm vì các công ty nhập khẩu hiện đang rất "đói" gạo.

Theo các chuyên gia trong hội nghị, giá gạo thế giới sẽ tiếp tục tăng vì nhu cầu gạo luôn luôn tăng. Thế nhưng không ai đoán được giá gạo năm tới sẽ tăng đến bao nhiêu. Mới đây, vào cuối tháng 10, Hàn Quốc bí quá phải mua gần 10.000 tấn gạo Mỹ với giá 674,9 USD/tấn (gạo hạt tròn). Các chuyên gia cho rằng Việt Nam không xuất khẩu gạo lúc này là một thiệt thòi cho nông dân.

Người tiêu dùng trên thế giới ngoài khuynh hướng chuyển dần bớt ăn lúa mì sang ăn gạo, họ lại thích ăn gạo thơm hơn ăn gạo chất lượng cao hoặc gạo thường. Vì thế mà khối lượng gạo Hom Mali (Thái Lan) và Basmati (Ấn Độ và Pakistan) luôn luôn được bạn hàng ưa chuộng mặc dù giá cao. Do đó trong tương lai các nước xuất khẩu gạo cần chú ý tăng diện tích gạo thơm chất lượng hảo hạng để nắm bắt nhu cầu thế giới. Nhiều công ty xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đã chú ý tìm mua gạo Jasmine để xuất nên đã đạt giá cao gần bằng giá của Thái Lan, nhưng khối lượng không đủ bán, vì nông dân vẫn sản xuất cá thể, thương lái thu gom nhiều nguồn, không bảo đảm chất lượng ổn định.

Việt Nam cần có giống lúa gạo thơm chủ lực của riêng mình, như Thái Lan có giống Hom Mali. Hiện nay các nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng đã chọn tạo các giống lúa gạo thơm như ST3, ST5, ST15 cần được thử nghiệm rộng rãi để chọn ra giống khá nhất ưu việt hơn Jasmine. Các viện, trường cũng cần tập trung chọn tạo giống lúa để sớm tìm ra được giống lúa gạo thơm chủ lực. Muốn được vậy, Nhà nước và Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần đầu tư kinh phí nghiên cứu.

Võ Tòng Xuân (từ Indonesia)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.