Nghệ sĩ Nguyễn Hậu: “Tôi mơ một vai phụ độc đáo trong một phim tử tế”

24/11/2007 14:59 GMT+7

30 năm gắn bó với nghề, hơn 120 vai diễn, nghệ sĩ Nguyễn Hậu vẫn canh cánh bên lòng những khát khao nghề nghiệp.

Nguyễn Hậu sinh năm 1954 tại Sa Đéc, Đồng Tháp, trong một gia đình mà bố là hiệu trưởng trường Tiểu học Cái Tàu, mẹ là nữ hộ sinh do Pháp đào tạo. Gia đình hai bên nội ngoại chẳng ai theo đuổi nghệ thuật, cứ ngỡ Nguyễn Hậu sẽä trở thành một anh giáo quê. Nhưng, số phận sắp đặt thế nào, cậu bé hay bắt chước các động tác của người lớn đã theo bố mẹ lên Sài Gòn, vào học trường Chu Văn An, ngồi cạnh Phạm Hoàng Trung, con trai chủ Hãng phim Li Dac. Từ duyên kỳ ngộ này, Hậu bắt đầu theo bạn đi đóng vai quần chúng trong các phim Hoa mới nở, Xóm tôi (năm 1972).

Đến năm 1974, Nguyễn Hậu thực sự có vai diễn đầu tiên - một thủy thủ trẻ tên Hậu trong phim Hải vụ 709 của đạo diễn Bùi Sơn Dzuân do Hãng Việt Ảnh hợp tác với Hãng Dan Thai của Thái Lan sản xuất. Bộ phim này được xem là phim nhựa hợp tác Việt Nam - Thái Lan đầu tiên. Nguyễn Hậu kể: “Thiệt tình là trong kịch bản hổng có vai này. Bác Bùi Sơn Dzuân thương tui nên mới viết cho tui đóng”. Nói xong, anh cười ha hả sảng khoái.


Nguyễn Hậu với các đạo diễn và diễn viên nước ngoài - Ảnh do nghệ sĩ cung cấp

Sau 1975, Nguyễn Hậu về lại Sa Đéc, tham gia Đoàn kịch nói Vĩnh Long và hăng say diễn kịch. Vai diễn thứ hai đến với anh vào năm 1982 - tên thổ phỉ K’Nhim trong Chiếc vòng bạc của đạo diễn Bùi Sơn Dzuân, Những vai phản diện bắt đầu gắn với anh từ đó. Nhiều người tin rằng Nguyễn Hậu chỉ diễn được vai phản diện. Nhưng có một người nghĩ khác.

Đó là đạo diễn Vinh Sơn, anh đã mời Nguyễn Hậu vào vai chính diện đầu tiên trong nghiệp diễn: vai Chu trong Cảnh sát hình sự do Hãng phim Người bảo vệ sản xuất. Chu là một sĩ quan chế độ cũ cố gắng làm lại cuộc đời, sống tốt nhưng luôn bị gièm pha. Nguyễn Hậu đã tạo ngạc nhiên lớn với người trong và ngoài nghề. Cơ may còn đưa Nguyễn Hậu hợp tác với đạo diễn Vinh Sơn trong các phim Đất phương Nam, Mảnh đất tình đời, Nước mắt giang hồ.

Hàng trăm vai diễn trong các phim giúp Nguyễn Hậu có cơ hội gặp gỡ, làm việc chung với nhiều đạo diễn. Hỏi anh thích làm việc với đạo diễn nào nhất, Nguyễn Hậu kể: “Nhiều lắm: Lê Mộng Hoàng, Thanh Vân - Nhuệ Giang, Vinh Sơn, Việt Linh, Tường Phương - Phương Nam, Đinh Đức Liêm...”.

Thích làm việc với nhiều đạo diễn nhưng Nguyễn Hậu lưu luyến nhất là quãng thời gian gắn bó với hai phim Mảnh đất tình đời và Thung lũng hoang vắng. Mắt anh thoáng xa xôi khi nhớ lại những kỷ niệm với hai đoàn phim này: “Hai bộ phim có một điểm giống nhau là cùng bối cảnh đồi núi biệt lập, hoang vắng, thiếu thốn tiện nghi. Mảnh đất tình đời quay ở một xã heo hút của Bảo Lộc còn Thung lũng hoang vắng thì đến tận Tả Giàng Phìn (Lào Cai)”. Cả đoàn gắn bó, thương yêu nhau như anh chị em một nhà. Mọi người cùng “ăn cực, ngủ khổ”, đạo diễn cũng lăn lộn như diễn viên... Khó khăn, thiếu thốn chợt trở nên vô nghĩa khi anh em dùng tiếng cười để át đi những vất vả. Tất cả say sưa làm việc và hăng hái đóng góp sức mình vào sự thành công của bộ phim mà không hề so bì tị nạnh: “Tôi luôn ao ước được trở lại những ngày tháng đó. Ai cũng mê nghề. Chuyện ấy thật quý hiếm trong thời điểm làm phim xô bồ, chụp giật như bây giờ”.

30 năm gắn bó với nghiệp diễn viên cho Nguyễn Hậu cơ hội gặp gỡ không ít đạo diễn nước ngoài và làm việc với các đoàn phim hợp tác với Việt Nam. Nguyễn Hậu từng đóng phim Khoảnh khắc lóe sáng (hợp tác với Nhật), phó đạo diễn cho Trần Chí Hòa (Hồng Kông) với phim Hồng Hải tặc, trợ lý phụ trách quần chúng cho phim Người Mỹ trầm lặng của đạo diễn Phillip Noyce, tham gia đóng trong phim Mười (hợp tác với Hàn Quốc), tham gia phim truyền hình Tình yêu từ Việt Nam của Hsiu – Shen Liang (Đài Loan), diễn viên kiêm trợ lý đạo diễn trong phim Dòng máu anh hùng của đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn.

* Anh đã học được gì từ họ trong cách thức tổ chức đoàn phim?

- Họ rất chuyên nghiệp trong từng hoạt động, công tác tổ chức, lịch quay được thực hiện đúng từng phút. Chỉ khi nào bất khả kháng thì họ mới hoãn. Phương tiện phục vụ cho công tác thực hiện phim luôn được đặt trong tình trạng tốt nhất có thể. Diễn viên được chăm lo tối đa, vai phụ cũng được “cơm bưng nước rót”. Hiện trường quay phim luôn yên tĩnh để diễn viên tập trung cao độ cho diễn xuất. Phương tiện đi lại, chỗ ở đều tốt. Trên hiện trường, ai làm việc người đó, công việc được phân công rõ ràng, mọi người đều tự giác thực hiện phần việc của mình, không có chuyện sai bảo ầm ĩ.

* Như những gì anh nói thì rõ ràng, đoàn làm phim Việt Nam cũng có thể tổ chức được như thế?

- Đúng vậy, nhưng rất tiếc là rất nhiều đoàn phim của chúng ta không tổ chức được vậy.

* Theo anh thì vì sao?

(Nguyễn Hậu im lặng. Tôi cũng không hỏi thêm. Bởi lẽ, sự chuyên nghiệp tưởng như đơn giản ấy chỉ có thể là kết quả của nhiều yếu tố cộng lại. Bên cạnh đó, ý thức của từng thành viên trong đoàn làm phim là điều quan trọng hơn cả công nghệ.

Nguyễn Hậu kể thêm, để làm cánh tay giả cho vai diễn chỉ xuất hiện ở một phân đoạn trong phim Mười, anh đã phải đưa tay ra cho người thực hiện đạo cụ của Hàn Quốc ngồi tỉ mẩn chấm những nốt đen lên da cánh tay giả sao cho giống y hệt cánh tay thật của mình, còn đạo diễn Charlie Nguyễn thì bắt buộc người hóa trang sửa tới sửa lui chỉ để mi mắt phải của anh được kéo xệch xuống cho đúng với mô tả nhân vật, dù đó là một vai diễn thoáng qua màn ảnh).

* Sự khác biệt lớn nhất của đạo diễn Việt Nam và các đạo diễn nước ngoài trong những phim mà anh tham gia đóng là gì?

- Đạo diễn nước ngoài gần như không thị phạm cho diễn viên. Họ không bao giờ cười “hô hô hô” và bảo diễn viên phải cười theo như thế hay là phải “đặt tay” thế này, “bước đi” như thế kia. Khi diễn viên diễn không đạt (như ý họ) họ chỉ bảo từ tốn nhẹ nhàng: “Anh có thể diễn cách khác được không?”. Và họ cứ nhẹ nhàng như vậy cho đến khi nào diễn được thì thôi. Hoàn toàn không có tiếng quát nạt nào.

*  3 thập niên với nghề, với đủ kiểu vai, anh còn điều gì mơ ước?

- Tôi chỉ mơ ước một vai phụ có số phận độc đáo trong một bộ phim tử tế đàng hoàng. Một bộ phim có thể làm tự hào điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới, chứ không phải chỉ là phim theo kiểu xem xong rồi quên liền. Đã đành thời gian này, điện ảnh thấy có phát triển các mặt này nọ nhưng không phát triển về mặt nghề nghiệp. Mà... (thở dài)

* Vì sao anh lại thở dài?


Nguyễn Hậu trong phim Nữ bác sĩ 

- Vì tôi buồn. Mười năm nay, tôi chưa thấy điện ảnh Việt Nam nhích lên một đoạn nào đáng kể. Công bằng mà nói, phim bây giờ còn tệ hơn cái thời mà người ta kêu là mì ăn liền nữa. Bây giờ, coi lại các phim hồi đó, thấy nó còn sạch sẽ, đàng hoàng hơn một số phim bây giờ. Phim truyền hình còn kinh khủng hơn. Hình như ai cũng làm đạo diễn được hết. Ai làm thiệt nhanh, thiệt lẹ thì có nhiều “show”. Làm phim được gọi là “làm show” và những nhà máy sản xuất “siêu mì ăn liền” vẫn sản xuất liên tục các bộ phim “không hề ít dở” chút nào. Chính báo chí cũng góp phần làm cho điện ảnh Việt Nam không lớn nổi vì cứ khen ngợi tận mây xanh những đạo diễn trẻ ít tài mà nhiều tật, các diễn viên tay ngang có nhan sắc mà không biết diễn xuất, làm cho họ ảo tưởng.

*  Có gương mặt đạo diễn nào mà anh kỳ vọng?

- Những người trẻ mà tôi tin tưởng thì đang đi theo những con đường hết sức không đáng tin. Tôi biết họ cũng có những toan tính riêng của họ, nhưng nếu không giữ được mình, thì tài năng sẽ dần mai một.

Vinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.