Ghép thành công khí quản tạo từ tế bào gốc

20/11/2008 14:07 GMT+7

Lần đầu tiên, một phụ nữ đã được ghép khí quản bằng mô nuôi lớn từ tế bào gốc của chính cô, giúp loại bỏ việc phải uống thuốc chống thải ghép. Nhóm nhà khoa học quốc tế thực hiện ca này vừa công bố thành quả trên mạng của tạp chí y học The Lancet sáng nay.

Thành quả hợp tác

Bệnh nhân là Claudia Castillo, 30 tuổi, người Colombia, có 2 con, sống ở Barcelona (Tây Ban Nha). Sau nhiều năm bị lao, phổi bên trái của Castillo bị teo và hỏng hồi tháng 3. Cô không đủ sức chăm sóc con và phải thường xuyên đến bệnh viện để thông hô hấp.

Lúc đầu, các bác sĩ định cắt hẳn phổi trái của Castillo nhưng tiến sĩ Paolo Macchiarini, trưởng khoa phẫu thuật ngực Bệnh viện Barcelona đã đề nghị nên ghép khí quản.

Khi có người hiến khí quản, các nhà khoa học ở Đại học Padua (Italia) đã loại bỏ toàn bộ tế bào, chỉ giữ lại ống mô liên kết của khí quản này. Các bác sĩ ở Đại học Bristol lấy mẫu tủy xương của Castillo để trích tế bào gốc, tạo hàng triệu tế bào mô và sụn bao bọc ống mô liên kết.

Các chuyên gia Đại học Milan ghép các tế bào sụn và mô vào ống mô liên kết của khí quản được hiến trên. Đoạn khí quản “lai” dài 5cm này được ghép cho Castillo hồi tháng 6. Cô xuất viện sau phẫu thuật 10 ngày, tới nay không có dấu hiệu thải ghép và không phải uống loại thuốc chống thải ghép nào, vốn hủy diệt hệ miễn nhiễm và gây các tác dụng phụ như huyết áp cao, hư thận và ung thư.

Mở ra triển vọng

Castillo hiện có thể chăm sóc con, đi bộ vừa phải mà không bị hụt hơi. Mới đây, cô còn điện thoại cho bác sĩ từ một CLB ở Barcelona và nói cô đã... khiêu vũ cả đêm ở đó.

Theo tiến sĩ Macchiarini, khả năng thải ghép ở Castillo gần như là 0% sau khi cô đã sống bình thường 4 tháng. Tuy nhiên, các nhà khoa học nói, quá trình hồi phục vẫn cần được theo dõi trong khoảng 3 năm để xem cấu trúc sụn của khí quản có vững chắc và không bị tách rời.

Thành quả này mở ra triển vọng điều trị cho các trẻ em bị khuyết tật hô hấp bẩm sinh, cả cho người lớn bị dị tật hoặc khối u đường thở, bị hỏng khí quản. Ngoài ra, trong tương lai, kỹ thuật mới này còn có thể dùng để tạo ra các cơ quan mới từ chính tế bào gốc của bệnh nhân.

Theo Khả Vy / SGGP
(theo AP, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.