11 vụ cướp gây mê ly kỳ nhất miền Bắc: 500 ngày đêm truy lùng thủ phạm Bùi Thị Thanh

14/12/2004 08:27 GMT+7

Theo các trinh sát và điều tra viên (ĐTV) thuộc Phòng 4, Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, sau gần 500 ngày truy lùng trên địa bàn 9 tỉnh thành phố và nhiều cơ quan đơn vị, thủ phạm gây ra 11 vụ án gây mê thuộc hàng ly kỳ nhất khu vực miền Bắc đã lộ diện. Cuộc truy lùng thủ phạm cũng là một chuỗi dài những câu chuyện ly kỳ giống như chuyện... trong tiểu thuyết trinh thám hay các cảnh quay có hư cấu của phim hình sự!

Những vụ cướp gây mê bí ẩn

Cho đến nay đã gần 3 năm, trên địa bàn các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Bắc và bắc miền Trung như Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Nghệ An... liên tiếp xảy ra hàng chục vụ cướp tài sản bằng những thủ đoạn độc chiêu như nhận là đồng hương đi cùng tàu xe, giới thiệu là thầy tướng số xem tử vi bói toán. Dư luận còn đồn đại chuyện có những nạn nhân giống như ăn phải bùa mê thuốc lú, cứ một mực đi theo thủ phạm vào chỗ vắng, sau đó tự nguyện lột nhẫn vàng, dây chuyền, tiền bạc trao cho... kẻ cướp!

Hầu hết các các vụ cướp này đều xảy ra tại các đầu mối giao thông lớn như bến xe, ga tàu hay trên các phương tiện vận tải mà điển hình có thể kể đến là ga Hà Nội, bến xe phía Nam, ga Yên Bái, ga và bến xe Gia Lâm, bến xe Bắc Giang, Nam Định.. công an các tỉnh, thành phố này đã vào cuộc song sau đó hầu như đều bế tắc, vụ việc bị rơi vào vòng luẩn quẩn vì không thể xác định được thủ phạm gây án bởi thủ đoạn của chúng quá gian xảo, luôn bịt kín mọi đầu mối trước khi rút.

Thủ đoạn mà bọn tội phạm sử dụng thường là đóng giả người đi tàu xe trà trộn vào các bến bãi hoặc đi trên các phương tiện giao thông, tìm cách làm quen với hành khách rồi lợi dụng sự mất cảnh giác của họ để mời ăn uống các loại thực phẩm, nước uống mang theo có chứa chất gây mê để cướp tài sản. Cụ thể, ngày 9/4/2003, trên tuyến xe chất lượng cao Hà Nội - Thanh Hóa, anh Mai Anh Vũ (30 tuổi, trú tại phồ Hàng Vôi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã bị chúng đầu độc, cướp đi rất nhiều tiền. Tiếp đó, ngày 27/6/2003, trên đường từ bến xe Gia Lâm sang bến xe Giáp Bát (Hà Nội), chị Dương Thị Cảnh (40 tuổi, trụ tại phường Lê Lợi, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) đã bị đối tượng đầu độc bằng thuốc gây mê Seduxen bỏ trong lon nước ngọt Coca Cola rồi cướp gần 10 triệu đồng. Nhiều vụ nạn nhân mấtt số tiền lên tới gần 100 triệu đồng như trường hợp bà Nguyễn Thị Ngợi (53 tuổi, trú tại Vị Dương, Mỹ Xá, TP. Nam Định) cùng em gái là bà Nguyễn Thị Hát (SN 1953, trú tại Báo Đáp - Trấn Yên - Yên Bái) đã bị bọn cướp lấy mất 3.000USD, 8.800.000 đồng, 2 nhẫn vàng có mặt ngọc bích và nhiều tài sản có giá trị khác tổng trị giá hơn 60.000.000 đồng...

Ngoài ra, còn rất nhiều vụ án gây mê cướp tài sản khác mà cho đến thời điểm cuối năm 2003, cơ quan công an vẫn chưa xác định được đối tượng. Các bị hại đều đã đến cơ quan công an trình báo sự việc và cho biết trước đó họ được 2 phụ nữ - 1 già, 1 trẻ con - làm quen, mời ngậm một miếng "sâm" hoặc vài viên "thuốc bổ B1" dẫn đến mê man không biết gì rồi lấy hết tài sản. Sau khi gây án, thủ phạm thường kéo theo bé gái này tẩu thoát rất nhanh và hầu như không để lại bất cứ dấu vết gì nên công tác điều tra khám phá án của công an các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, bế tắc.

Lần theo dấu vết "đối tưởng ảo"

Trước tình hình bức xúc nói trên, công an các địa phương đều đã có công văn báo cáo lên Tổng cục Cảnh sát nhân dân và các cục nghiệp vụ thuộc Tổng cục CSND. Cuối tháng 7/2003, Ban chuyên án đã được thành lập, tiến hành điều tra, xác minh hàng loạt vụ việc nổi cộm và gây nhiều bức xúc này. Giữa lúc Ban chuyên án đang vào cuộc thì ngày 25/8/2004 bà Phạm Thị Năm (SN 1948, trú tại Đức Lý - Tam Đa - Yên Phong - Bắc Ninh) cùng cháu Phạm Thị Thảo (SN 1992) trên đường đi tàu tuyến Lào Cai - Hà Nội lại bị một đối tượng nữ đi cùng toa cho uống nước ngọt rồi móc mất đôi khuyên tai 2 chỉ vàng, toàn bộ tư trang hành lý cùng 800.000 đồng. Trước đó, các bà Vũ Thị Nhung, Tô Thị Tần đã bị một đối tượng nữ trung niên xưng là người cùng quê làm quen rồi đầu độc bằng thuốc mê, cướp đi số lượng lớn tiền, vàng. Rà soát đối tượng nữ là lưu manh chuyên nghiệp hoạt động lưu động trên các tuyến giao thông miền Bắc, Ban chuyên án thấy nổi lên một đối tượng nữ là Nguyễn Thị H. (SN 1961, đang tạm trú tại một phường trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội). Tìm hiểu được biết H. đã từng có 2 tiền án và 3 tiền sự về tội trộm cắp tài sản công dân, sau nhiều lần vào tù ra tội lại tiếp tục sống bằng nghề móc túi, trộm cắp tại các khu vực công cộng ở Hà Nội. Cho các bị hại nhận dạng ảnh thị H. thì họ đều cho biết rằng rất giống đối tượng đã gây án đối với họ. Manh mối vụ án tưởng đã lần ra, nào ngờ các trinh sát lại vướng nào một mớ bòng bong rối rắm khi xác minh được rằng vào thời điểm xảy ra các vụ án nói trên, đối tượng H. lại luôn có mặt tại địa phương và có đầy đủ các bằng chứng ngoại phạm.

Ngoài ra, mặc dù đặc điểm nhận dạng có nhiều điểm giống với đối tượng gây mê thực hiện 11 vụ cướp tài sản trên các tuyến giao thông song thị H. lại chưa bao giờ thực hiện hành vi này và cũng chưa bao giờ đi cùng với 1 cháu bé 9-10 tuổi như mô tả của các nạn nhân và nhân chứng. Lần lại các vụ gây mê, cướp tài sản xảy ra trên địa bàn, các trinh sát chuyển sang một đối tượng này đã biệt tăm khỏi địa bàn phía Bắc hàng năm trời nay và không có khả năng quay trở lại vụ án.

Khi các mũi điều tra đều bế tắc, cơ quan công an đành trở lại lục tìm các tủ hồ sơ của một số cơ quan nghiệp vụ thuộc Tổng cục Cảnh sát, CA tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Yên Bái và một số trại giam trên địa bàn; hy vọng lóe sáng khi các anh phát hiện phạm nhân Ninh Văn Biển (SN 1961, trú tại xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) can tội gây mê, cướp tài sản công dân xảy ra giữa năm 2001, hiện đang cải tạo tại trại Ngọc Lý, Tân Yên, Bắc Giang với án tù 7 năm. Qua tiếp xúc, các bị hại trong vụ án này là bà Vũ Thị Nhung (SN 1940, trú tại phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên) và chị Tô Thị Tần (SN 1962, trụ tại xã Đa Mai, TX Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đều khẳng định ngoài đối tượng Ninh Văn Biển, tham gia cho họ uống nước đậu có thuốc gây mê còn một phụ nữ khác. Chúng bị bắt tại ga Kép nhưng Ninh Văn Biển đã đứng ra nhận mọi tội lỗi là mình thực hiện nên người phụ nữ nói trên không rõ là ai, ở đâu. Qua đấu tranh với Biển tại trại giam Ngọc Lý, các trinh sát được biết người đàn bà đi cùng là vợ hờ thứ 3 của y. Các trinh sát cũng đã đến tận Tân Trường, Cẩm Giàng, Hải Dương để xác minh thêm thông tin từ anh trai Biển là Ninh Văn Điền, người có mặt tại phiên tòa xét xử năm 2001 của TAND tỉnh Bắc Giang thì cũng nhận được thông tin tương tự, người phụ nữ là "vợ 3" và đi cùng Biển trước khi bị bắt là Lê Thị Xuân.

Kẻ cùng phạm tội lại đẩy chồng... vào tù!

Cho đến tận lúc này, khi đang ngồi tù ở trại giam Ngọc Lý, Ninh Văn Biển vẫn đinh ninh rằng cô vợ 3 của mình tên là Lê Thị Xuân. Họ hàng, bố mẹ, anh chị em ruột nhà Biển và bà con xóm giềng ở Tràng Kỷ - Tân Trường - Cẩm Giàng - Hải Dương vẫn đinh ninh rằng cô ta tên thật là Lê Thị Xuân trong khi thực tế lại hoàn toàn khác. Người đàn bà sống cùng Biển vào thời điểm đó thực ra có tới 4 cái tên và ngay cả nhiều cơ quan chức năng vào thời điểm trước đó cũng không biết tên thật của cô ta là gì. Có lẽ xin trở lại một chút về những cái tên này để thấy được sự ly kỳ đằng sau những vụ án gây mê cướp tài sản mà người phụ nữ bí ẩn nói trên đã gây ra trong suốt một thời gian dài tại khu vực nhiều tỉnh thành phố miền Bắc.

Ninh Văn Biển cho biết đã từng trải qua 2 đời vợ và đầu năm 2000 trong khi đang lang thang tại Thái Nguyên thì gặp 1 phụ nữ có tên Lê Thị Xuân, dắt theo 2 đứa con nhỏ đến ở cùng và tình nguyện làm vợ hờ của y. Tết năm 2000, Biển đưa 3 mẹ con người đàn bàn này về quê và giới thiệu với mọi người đây là "vợ" của mình. Vì nghĩ cảnh "rổ rá cạp lại", sợ Biển buốn phiền sinh bệnh thêm nên người nhà cũng không gặng hỏi về Xuân nữa, họ lặng lẽ chấp thuận Biển và người đàn bà tên Xuân cùng 2 bé gái đi theo đó.

Xuân được coi là con dâu trong nhà và cũng được gia đình chồng chia cho mấy sào ruộng khoán để làm ăn, sinh sống. Đầu năm 2001, Biển mang theo vợ con từ biệt gia đình nói là vào Nam làm ăn, không ngờ đến tháng 4 thì xảy ra chuyện Biển bị bắt và phạt tù về hành vi gây mê cướp tài sản tại ga Kép. Xuân trở lại Hải Dương sống cùng nhà chồng và trong thời gian đó bà mẹ Biển thường thấy con dâu đón xe đi đâu đó mấy ngày, khi về có rất nhiều tiền và bảo là lãi do buôn đường dài. Xuân còn cho biết là có ai muốn vay tiền hì sẽ cho vay để lấy lãi và nhiều hàng xóm đã từng thấy Xuân mang 3.000USD bán cho một hiệu vàng trong vùng được 50 triệu đồng...

Khi xác định đúng người phụ nữ có tên trong CMND là Lê Thị Xuân, vợ 3 của Ninh Văn Biển, chính là thủ phạm đã gây ra nhiều vụ gây mê cướp tài sản công dân trên các bến xe, ga tàu và các phương tiện giao thông, cơ quan điều tra đã tìm theo địa chỉ trong đó thì phát hiện người torng ảnh không phải là Lê Thị Xuân thật mà đây là tên giả. Qua xác minh tại Trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên) về người đàn bà con nhân dạng như trong ảnh cùng 2 đứa con xem có tùng thụ án tại đây không thì các trinh sát và ĐTV phát hiện đối tượng này không phải tên Xuân mà là Ngân Thị Hải, SN 1958 ở Nghi Liên - Nghi Phương - Nghi Lộc, Nghệ An. Hải bị CATP. Hà Nội bắt giam về hành vi gây mê cướp tài sản tại ga Hà Nội vào năm 1993, bị tòa xử 12 năm tù giam, thụ án tại trại Phú Sơn 4 đến năm 2000 thì được đặc xá. Nguyên nhân mà thị có cái tên Lê Thị Xuân cũng là một câu chuyện ly kỳ, đó là sau khi ra tù vào tháng 3, thị không về nhà mà đến nhà một người bạn tù quen biết trong trại đang ở khu gần cầu Gia Bẫy, TP. Thái Nguyên. Người bạn tù đó không ai khác là Lê Thị Xuân, người Nghệ An. Sau khi ra tù, Xuân không về nhà mà đến sống cùng... chồng của một cô bạn tù khác đang thụ án 17 năm tù giam về tội ma túy trong trại Phú Sơn 4 chưa được ra. Ngân Thị Hải nương tựa Xuân rồi ăn cắp tài sản, giấy CMND mang tên Lê Thị Xuân bỏ trốn và tìm gặp Biển.

Khi lần ra được đến đây, các ĐTV đã mừng đến rơi nước mắt vì những vụ án bí ẩn, ly kỳ sắp được phá. Tuy nhiên, niềm vui đó vụt biến mất khi các anh đến địa chỉ mà Ngân Thị Hải khai trong hồ sơ để tìm kiếm, đó là huyện Nghi Lộc - Nghệ An, nhưng cái địa chỉ mà thị khai lại là "địa chỉ kép": Nghi Liên - Nghi Phương là 2 xã riêng biệt. Tại đây không có ai họ Ngân cả, không có công dân nào của xã như cô gái trong CMND. Có nghĩa là cái tên "Lê Thị Xuân", "Ngân Thị Hải"... mà thị vẫn sử dụng lâu nay thực ra cũng vẫn là... tên giả!

Lừa bán em gái của "bồ ruột" ra nước ngoài bất thành

Mọi công sức trong thời gian hàng năm trời của các CBCS công an tưởng chừng như đổ xuống sông xuống biển khi lần theo cái tên này và đã chạm phải ngõ cụt. Ban chuyên án phải họp lại với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH công an một số tỉnh thành để bàn giải pháp tháo gỡ. Đến tháng 10/2004 các trinh sát mới phát hiện được một manh mối ở xã Quỳnh Lộc, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Qua đây, các điều tra viên đã phát hiện Lê Thị Xuân, Ngân Thị Hải, Hải "quắt" tên thật là Bùi Thị Thanh, SN 1958 ở xóm 2, xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Lưu, Nghệ An. "Con cáo già" đội cùng lúc 3-4 cái tên giả, lừa hết khắp mọi nơi đã lộ rõ nguyên hình. Tuy nhiên, mọi việc lại một lần nữa bị đảo lộn hoàn toàn khi đến địa bàn này thì thị đã cao chạy xa bay. Xác minh được biết Bùi Thị Thanh đã từng có chồng ở quê nhưng vào năm 1992 phát hiện chồng bị ung thư, thị đã bỏ nhà, bỏ chồng con đi biệt tích khỏi địa phương. 11 năm sau, Thanh đột ngột quay về quê Quỳnh Lộc, Quỳnh Lưu, Nghệ An mang theo 2 đứa con gái riêng và xin được nhập lại hộ khẩu tại đây. Các cán bộ xã ở địa phương chỉ biết sau khi về quê, Thanh có vẻ rất rủng rỉnh tiền nong nhưng một tuần thuê xe ôm đi đâu đó vài ba ngày mới trở về, bảo với mọi người trong xóm rằng "đi buôn đường dài". Rồi Thanh thuê thợ xây một ngôi nhà mái bằng đẹp nhất xóm, xây xong không ở mà bán cho người trong làng với giá khoảng 60 triệu đồng. Lấy được 13 triệu tiền đặt cọc, Thanh đã khóa trái cửa bỏ đi biệt tích. Cuộc "mò kim đáy bể" như kiểu ú tim lại tiếp tục đến với các chiến sĩ công an khi mà thông tin về Thanh gần như trở về "mo".

Tiếp tục xác minh, đến cuối tháng 11/2004 các anh mới phát hiện Thanh đang cặp bồ với anh N., một cán bộ sống tại huyện Nghĩa Đàn. Dư luận trong vùng cho biết 2 đứa con của Thanh đã gọi anh N. là "bố" nhưng vì có người nhà biết chuyện, N. đã đưa mẹ con Thanh đến gửi nhờ cô em gái lấy chồng về huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Khi trinh sát lần theo dấu vết đến đây thì Thanh cũng đã đi khỏi và phải đến giữa tháng 11/2004 các anh mới lần ra nơi ở mới của mẹ con Thanh tại nhà cô em gái thứ 2 của anh N. ở tít tận huyện Thanh Chương. Trong thời gian ở đây, Thanh cũng đã nhiều lần rủ rê cô em "chồng hờ" góp vốn đi buôn đường dài lên Lạng Sơn hoặc đi XKLĐ sang Đài Loan. Khi bị bắt, Thanh cho biết rằng đã có ý định lừa em gái N. bán sang Trung Quốc nhưng chưa kịp thì bị CA bắt. Đầu tháng 12/2004, được sự hỗ trợ của Văn phòng CQĐT, CA huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), Ban chuyên án thuộc Cục CSĐT tội phạm về TTXH đã thực hiện lệnh bắt Bùi Thị Thanh. Qua khám nhà nơi thị đang ở, cơ quan công an đã thu được mtộ số tang vật gây án như rất nhiều thuốc Tây nghi là thuốc gây mê, một số củ nhân sâm và 5 dây chuyền vàng... giả, mỗi sợi nặng vài cây mà thị dùng để lừa đảo và phô trương khi dụ dỗ người khác. Theo kết quả điều tra, khai thác ban đầu thì thị Thanh đã gây ra ít nhất 11 vụ gây mê cướp tài sản trên địa bàn, mỗi vụ một thủ đoạn, một địa bàn. Đại tá Nguyễn Chí Việt - Phó cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH, Trưởng ban chuyên án - cho biết đây là một trong số những chuyên án phức tạp và ly kỳ nhất mà cơ quan này từng thụ lý.

Theo báo CA TPHCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.