TP.HCM mời gọi đầu tư bất động sản

04/11/2005 10:23 GMT+7

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tính vừa dẫn đầu đoàn 70 doanh nghiệp bất động sản sang Singapore và Malaysia để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.

Cuộc xúc tiến đầu tư lần này khác hẳn với những lần trước đây của giới chức thành phố và điều này sẽ hứa hẹn những cơ hội thu hút đầu tư mới của TP.HCM...

Sau đó, ông Terry Lee, Tổng giám đốc tập đoàn Fairdeal (Singapore) đã bay sang Việt Nam để tận mắt chứng kiến dự án mà ông quan tâm cho dù cách đó năm ngày ông đã có cuộc gặp "hoành tráng" với các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. Khu dân cư đô thị ở Nam Sài Gòn chính là một trong những dự án ông Lee quan tâm.

Không chỉ có ông mà rất nhiều nhà đầu tư Singapore và Malaysia cũng chú ý đến lĩnh vực bất động sản Việt Nam. Có lẽ cuộc hội nghị đầu tư với qui mô lớn được tổ chức hôm 25/10 tại Singapore và 27/10 tại Malaysia chưa đủ để thỏa mãn "cơn khát" thông tin của những nhà đầu tư bất động sản tiềm năng này.

Singapore thích nhà, Malaysia ưa siêu thị

Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC), Trưởng ban tổ chức, cho biết, bà không nghĩ hội nghị tổ chức ở Singapore có thể thu hút nhiều nhà đầu tư như thế mặc dù để tham gia các nhà đầu tư phải "mua vé vào cửa" với giá 200 đô la Singapore. 190 ghế chuẩn bị cho các nhà đầu tư ở Singapore không đủ để tiếp đón hơn 210 người.

Có lẽ sự hấp dẫn của hội nghị chính là những dự án bất động sản. Khoảng 27 dự án đầu tư bất động sản lớn đã được chào mời dưới nhiều loại hình và qui mô khác nhau như dự án khu Tây Bắc TP.HCM, khu dân cư Nam Rạch Chiếc, khu nhà ở Thạnh Mỹ Lợi ở quận 2, dự án Trường học quốc tế Fosco, và dự án Khu công nghệ cao Sài Gòn...

TP.HCM cũng chào mời những dự án khác như bãi đậu xe ngầm, khu vui chơi giải trí và khu động vật hoang dã Safari. Đặc biệt, dự án Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích trên 6,2 triệu m2 và nhiều hạng mục đầu tư như khu dân cư, khu thương mại, sân vận động, giải trí... được xem là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư Singapore.

Bà Hạnh cho biết doanh nghiệp Singapore rất quan tâm đến các khu dân cư và đô thị mới vì họ đánh giá được tiềm năng của thị trường này ở Việt Nam. Họ quan tâm nhiều đến các vấn đề liên quan đến dự án bất động sản như thủ tục, đền bù, giải tỏa, giấy phép đầu tư, quyền sở hữu và quyền chuyển nhượng bất động sản ở Việt Nam...

Đặc biệt, “các nhà đầu tư Singapore thích tham gia vào những dự án "sạch", những dự án không vướng chuyện đền bù giải tỏa", bà Hạnh nhận định. Theo bà, mặc dù quan tâm đến thị trường địa ốc và bất động sản nhưng các công ty ở Singapore rất thiếu thông tin về ngành này ở Việt Nam.

Theo bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TP.HCM, hầu hết các doanh nghiệp tham gia hội nghị đều được các nhà đầu tư Singapore "chăm sóc" kỹ. Họ tìm hiểu tất cả các dự án mà các doanh nghiệp Việt Nam kêu gọi và thậm chí cả những dự án còn trong "trứng nước". Bên cạnh các dự án chính của thành phố, những doanh nghiệp "tháp tùng" cũng chào mời dự án của mình.

Còn các công ty và tập đoàn ở Malaysia lại quan tâm nhiều hơn đối với siêu thị và trung tâm thương mại mặc dù các dự án chào hàng chỉ tập trung vào ngành bất động sản, xây dựng và hạ tầng cơ sở (RCI). Bà Hạnh cho biết giới đầu tư Malaysia nhìn thấy siêu thị, trung tâm thương mại là cơ hội còn nhiều "đất trống". Có những tập đoàn đề nghị "mua lại" Thương xá Tax, một hình thức tương tự mà Parkson từng làm đối với trung tâm thương mại của Saigontourist.

Các nhà đầu tư Malaysia không chỉ quan tâm lĩnh vực dịch vụ thương mại mà còn mở rộng sang lĩnh vực khách sạn. Tuy nhiên, theo bà Hạnh, một số vướng mắc trong thủ tục hành chính đã ít nhiều ngăn cản bước chân của doanh nghiệp Malaysia vào lĩnh vực dịch vụ và thương mại ở Việt Nam.

Kêu gọi đầu tư để "phá băng" thị trường

Khác với những chương trình xúc tiến đầu tư do thành phố tổ chức trước đây, chương trình lần này có trọng tâm, tập trung vào lĩnh vực TP.HCM cần thu hút. Bên cạnh đó thì "hàng chào bán" cũng rất rõ ràng, cụ thể với sự ủng hộ của lãnh đạo thành phố nên dễ dàng tạo lòng tin nơi các nhà đầu tư nước ngoài.

Bất động sản, xây dựng hạ tầng cơ sở là những lĩnh vực "nóng" mà thành phố muốn kêu gọi và khuyến khích đầu tư. Ngoài ra là dịch vụ cao cấp (khám chữa bệnh, giáo dục...), công nghệ thông tin và công nghệ cao.

Ông Trần Thái Nguyên, Giám đốc công ty chuyên về tư vấn thiết kế Ong & Ong của Singapore ở Việt Nam cho biết sau Trung Quốc, Việt Nam được các nhà đầu tư Singapore quan tâm nhiều nhất ở khu vực châu Á.

Mặc dù đánh giá 60% dân số trẻ, hứa hẹn thị trường lớn về nhà ở, nhưng các nhà đầu tư bất động sản Singapore muốn chờ đến khi Việt Nam chính thức tham gia vào WTO mới "đổ" tiền của vào. Để chuẩn bị cho cuộc "đổ bộ", các doanh nghiệp Singapore vẫn theo dõi các động thái thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là vấn đề liên quan đến thủ tục.

Dự kiến trong tháng 11, Hiệp hội các nhà đầu tư bất động sản Singapore (REDAS) sẽ tổ chức chuyến "thị sát" thị trường bất động sản ở TP.HCM trước khi có những quyết định đầu tư cụ thể.

Kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản không chỉ giải quyết những vấn đề của thành phố và người dân mà còn là giải pháp cứu nguy cho chính các công ty bất động sản trong nước. Bà Loan nhận định nhu cầu nhà ở tăng không chỉ từ người dân trên địa bàn mà còn cả những người ở tỉnh khác đến và làm việc ở TP.HCM, với dự báo sẽ có 9-10 triệu dân lưu trú trên địa bàn TP.HCM vào năm 2010. Nhu cầu về nhà ở, văn phòng còn tăng lên mạnh nếu tính đến sự gia tăng của cư dân quốc tế và những nhà đầu tư nước ngoài.

Làn sóng FDI đang tăng lên cùng cơ hội gia nhập WTO của Việt Nam và sự gia tăng này cũng tạo ra cơ hội đầu tư cao ốc văn phòng và nhà ở dành riêng cho khách quốc tế. Bà Loan còn nhận định rằng cơ hội giải phóng dự án khỏi tình trạng "đóng băng" hiện nay là có thể nhìn thấy khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Tình trạng nhiều doanh nghiệp bất động sản đang sống dở chết dở vì vốn, ngân hàng trong nước gần như "phong tỏa" khu vực này kể từ khi Chính phủ chủ trương tái lập trật tự thị trường bất động sản, sẽ có thể được giải tỏa khi các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào đây!

Theo Minh Quang
(Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.