Khi các cụ không chịu nghỉ hưu

16/11/2007 01:03 GMT+7

Cuối tháng 10.2007, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn ký quyết định thành lập 2 đoàn thanh tra xem xét chế độ nghỉ hưu và kéo dài thời gian công tác của cán bộ, viên chức tại 2 bộ: Giáo dục - Đào tạo, Y tế. Các cuộc thanh tra còn chưa bắt đầu thì các bộ này đã báo cáo ngay là có rất nhiều trường hợp quá tuổi nghỉ hưu nhưng chưa chịu nhường chỗ cho lớp trẻ.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 31.12.2006, trong ngành còn có 108 cán bộ trên tuổi nghỉ hưu còn đang làm việc. Bộ này giải thích là, do "đặc thù ngành" nên một số cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên gia đầu ngành tuy đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng "có kinh nghiệm và chuyên môn cao, có sức khỏe" nên được đơn vị và Bộ đề nghị kéo dài thời gian công tác.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nói rằng, Bộ đã biết Chỉ thị số 668/CT-TTg ngày 11.11.1994 của Thủ tướng về việc thực hiện chế độ nghỉ hưu với cán bộ, công chức và Bộ cũng đã ban hành công văn 7631/TCCB yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm chỉ thị này cũng như có hướng dẫn cụ thể. Trên thực tế, năm 2003 và 2004, Bộ Y tế đã giải quyết cho nghỉ hưu 91 người, cho thôi chức vụ 35 người khác. Năm 2005 cũng đã cho nghỉ hưu 60 người, cho thôi chức vụ 12 người. Năm 2006, cho nghỉ hưu 17 người trong đó có 5 chuyên gia cao cấp. Đến năm nay, Bộ Y tế cho nghỉ hưu thêm 97 người nhưng còn 57 người khác được giữ lại. Còn sang năm tới, theo Bộ này, số cán bộ đủ tuổi và quá tuổi cần phải giải quyết là 87 người.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng đã báo cáo Thủ tướng cho phép Bộ trưởng kéo dài thời gian công tác chuyên môn với một số cán bộ chuyên gia đầu ngành, giáo sư, chuyên viên cao cấp... Bình luận về việc này, một quan chức của Bộ Nội vụ cho rằng, nếu yêu cầu của lãnh đạo Bộ Y tế được chấp thuận lại sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực khác. "Sẽ lại có nhiều cán bộ quá tuổi lợi dụng khái niệm đặc thù ngành, rồi kinh nghiệm, trình độ... để tiếp tục ở lại không chịu nhường chỗ cho lớp trẻ".

Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng cho biết là đến hết tháng 9.2007, riêng cơ quan Bộ cũng còn 48 người đã quá hoặc đến tuổi nghỉ hưu nhưng không nói là do "đặc thù ngành" như Bộ Y tế mà lại giải thích "chưa giải quyết được do chưa làm được sổ bảo hiểm xã hội". Trong số các cụ đến tuổi nghỉ hưu còn làm ở Bộ, có cụ sinh năm 1935, có cụ sinh năm 1937, 1938... Cũng như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng thừa nhận: ở các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ về chế độ nghỉ hưu cho cán bộ, công chức nhưng ngay tại khối cơ quan Bộ thì làm chậm trễ, không đúng chế độ. "Tình hình này làm nảy sinh nhiều khó khăn cho chính cơ quan Bộ về quỹ lương cũng như công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ công chức", Bộ Giáo dục - Đào tạo báo cáo. Một quan chức của Bộ này nói: "Thái độ thiếu nghiêm túc trong việc chấp hành quy định tuổi nghỉ hưu của một số cán bộ đã ảnh hưởng không tốt đến nền nếp quản lý cơ quan, khiến Bộ cũng khó bổ sung lực lượng cán bộ trẻ".

Giải thích về nguyên nhân gây chậm trễ trong việc cho người quá tuổi nghỉ hưu (do chưa được cấp sổ bảo hiểm xã hội), ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Giáo dục - Đào tạo nói: Do quá trình sát nhập các bộ trước đây, do hồ sơ phải sơ tán trong chiến tranh và bản thân nhiều cán bộ, công chức khi tiếp nhận về cơ quan đã không nộp hồ sơ gốc, việc lưu trữ hồ sơ lại không đầy đủ... nên tài liệu, hồ sơ về cán bộ, công chức không đầy đủ. Do đó, việc lập sổ bảo hiểm xã hội rất khó khăn. Tuy nhiên, ông Bùi Mạnh Nhị cũng báo cáo rõ là, việc Bộ Giáo dục - Đào tạo còn nhiều người quá tuổi nghỉ hưu cũng còn do một số cán bộ, công chức "thiếu hợp tác", thậm chí cố tình không cung cấp tư liệu, hồ sơ bổ sung làm chậm tiến độ làm sổ bảo hiểm xã hội.

Trên đây mới là câu chuyện tại 2 bộ, còn ở nhiều bộ, ngành, đơn vị khác nếu thanh tra, kiểm tra rõ, theo Thanh tra Nội vụ sẽ còn rất nhiều trường hợp tương tự. Chuyện "măng đã lớn nhưng tre chẳng chịu già" hóa ra cũng khá nan giải.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.