Phải tin vào một con người có thực (*)

07/11/2007 22:37 GMT+7

Một trong ba nhân vật chính đã chết vì tai nạn xe cộ khi còn rất trẻ. Cái chết quá đột ngột khiến Vũ chẳng những không mất chỗ của mình trong cuộc sống mà còn can dự mạnh mẽ hơn, định đoạt cả cuộc đời những người đang sống.

Ba người gắn kết với nhau từ buổi còn thơ. Đã nhen nhóm một rung động trong họ nhưng chưa có cơ để thành một tình yêu. Cô gái cứ nhẹ nhàng dạo bước giữa hai chàng trai, "nói" với anh chàng này bằng thứ ngôn ngữ câm lặng mà đắm đuối khiến anh chàng kia điên đầu, rút dao đâm vào tay tình địch. Hành động này đã tạo một bước ngoặt trong mối quan hệ ba người. Với anh, người thứ ba, thì đó vĩnh viễn là cú sốc không thể chữa khỏi, một ám ảnh không thoát ra được.

Dưới ánh mặt trời là câu chuyện của những hồi tưởng, tra vấn, trầm tư. Một thế hệ con cháu sống cuộc sống không lấy gì vui, lại luôn nhớ đến những thế hệ trước còn nhiều điều đáng buồn hơn. Những cuộc đời đầy nhẫn nhục phải tự tìm lối, không cậy nhờ ai được, loay hoay cả đời, và có khi mất luôn cơ hội...

Sau tất cả những vụng dại của tuổi trẻ, anh đã thành người chủ một gia đình, nhưng vẫn bị cột chặt vào tình cảm thuở hai mươi, vẫn là kẻ bị phân thân. Thế giới của anh ở trong những cao ốc tinh tươm, những nhà hàng đắt tiền và câu lạc bộ golf của những người thành đạt, với những "vấn nạn" cao sang... Nhưng anh vẫn luôn là kẻ cô đơn, bất hòa với đời sống quanh mình. Anh lẩn trốn vào văn chương, sách vở, thư từ, nhật ký..., nhưng tất cả không phải là cuộc sống, chỉ khiến nảy sinh nhiều hơn những câu hỏi.

Còn nàng, qua bao thay đổi và qua khoảng cách không gian, vẫn hiểu rằng mình và anh có món nợ lớn mà nếu không trả thì không thể có được bình yên. Và một ngày, họ đã tìm đến, phó thác mình cho kẻ kia, tin rằng bằng cách đó có thể chữa khỏi căn bệnh, và thoát ra được.

Tiểu thuyết chấm dứt với cái chết của nàng, vì băng huyết, sau khi sinh cho anh một đứa con trai.

Thực ra, tất cả nhân vật trong Dưới ánh mặt trời cùng có một điểm chung lớn nhất: đó là bi kịch cá nhân lồng trong bi kịch cộng đồng, với những ngộ nhận và phân ly. Ám trong cuộc sống anh là bi kịch của người cha đã từng không nhìn nhận mẹ mình và không thể sống trọn vẹn với cả hai đời vợ. Bi kịch của nàng cũng không khác gì bi kịch của người mẹ "vừa giống như một anh hùng và đồng thời cũng là một bạo chúa đáng sợ". Nhưng người đàn bà bi kịch hơn đàn ông bởi họ luôn chịu trói buộc nhiều hơn: "Khi em lớn, em nghĩ rằng sự trưởng thành của một con người chính là vì họ biết nuốt các giọt nước mắt vào trong...".

Đây là tiểu thuyết đầu tiên của Vương Biên Hương, sau một chuỗi truyện ngắn trên Thanh Niên. Công thức quen của chị vẫn là những vấn-đề-ẩn trong một cốt truyện có vẻ rất bình thường. Nhân vật của chị vẫn là "những con người cô độc ngồi im lìm trên một cõi người, một cõi thuyền hay một cõi biển nào đó". Một số chương có thể được tách ra như những truyện ngắn độc lập, khẳng định một cách viết. Điều đáng nói, chị đã chạm vào một vùng cấm khá tế nhị: tình dục, dù là tình dục đã thể hiện thành hành động hay thứ tình dục bị dồn nén đến mức bệnh hoạn...

Vương Biên Hương, như những nhân vật của mình, cũng là kẻ chìm ngập trong sách vở và sự trầm tư. Và dẫu cho hai trong ba nhân vật chính đều chết thì đoạn kết vẫn là: "Điều quan trọng nhất là anh vẫn phải có niềm tin vào một con người có thực... Bởi nếu không, mọi thứ mà anh đang bám víu vào đều là vớ vẩn".

N.T.K.C

(*) Đọc Dưới ánh mặt trời, tiểu thuyết của Vương Biên Hương, NXB Lao Động, 2007.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.