Năng động như 5B

22/12/2007 15:27 GMT+7

Gần đây, tại Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM, khán giả được xem nhiều vở kịch sôi động, hào hứng hẳn. Ít ai biết đó là kết quả từ một chủ trương táo bạo của nhà hát: cho nghệ sĩ tự bỏ vốn đầu tư vào vở diễn.

Nghĩa là từ trong lòng nhà hát vốn đã là mô hình xã hội hóa cấp một, lại hình thành những nhóm nghệ sĩ xã hội hóa cấp hai, còn anh em đồng nghiệp gọi vui họ là ông bà bầu để phân biệt với ban giám đốc nhà hát. Đúng là không ai hơn được những nghệ sĩ từng gắn bó cả cuộc đời nghệ thuật của mình với nhà hát, khi nhà hát gặp khó khăn rất lớn về vốn liếng, nhân lực, thì họ không đành lòng bỏ đi, mà trụ lại, quyết chung tay gầy dựng lại thương hiệu 5B. Họ không muốn nhập cục với nhà hát, mà muốn có một khoảng cách để có được quyền tự chủ.

Thế là mô hình Nhóm ra đời. Người đi tiên phong là đạo diễn Công Ninh và diễn viên Mỹ Uyên với vở Cõi tình. Vé bán ào ào, tiền lãi cũng ào ào. Quá phấn khởi, Công Ninh làm tiếp hai vở Chuyến tàu đến thiên đường và Sống thử, cũng thành công không kém. Tiếp đó, Nguyễn Kháng Chiến đầu tư cho vở Kính thưa Ô sin, Cát Tường vở Đôi mắt của biển, Tuyết Thu vở Đôi bờ, Mỹ Uyên vở 270 gam, Trúc Thi vở Mưa giữa cuộc tình... Hầu như vở nào cũng thắng lợi, cũng có lãi.


Cảnh trong vở Đôi bờ  - ảnh: H.K

Tuy Chuyến tàu đến thiên đường chỉ hòa vốn, do kịch bản nặng về triết lý, nhưng đạo diễn Công Ninh vẫn hài lòng: “Tôi lấy lãi ở vở khác bù cho nó. Còn lãi lớn nó đem tới cho tôi là được dàn dựng đúng ý một kịch bản hay mà mình yêu thích. Xã hội hóa kiểu này cho phép anh em có thể làm bất cứ tác phẩm nào mình thích, không bị cơ chế ngăn trở”.  Giám đốc Nhà hát Huỳnh Minh Nhị khẳng định: “Tất nhiên nhà hát cũng có định hướng chứ không phải anh em muốn làm tác phẩm nào thì làm. Tác phẩm phải phù hợp với các tiêu chí của 5B. Nhưng có một ưu điểm: anh em muốn làm lớn làm nhỏ tùy ý, muốn mời ai thì mời, muốn thử nghiệm thì thử, không ai can thiệp...”. Nhờ đó, kịch bản không cần phải xếp hàng chờ đợi dài ngày, mà cứ có vốn, có người là lên sàn tập.

Một số diễn viên thậm chí không muốn phải chờ đợi, mà chủ động chọn vở chọn vai hợp với mình rồi tự bỏ vốn dựng vở để có vai. Như cô đào Cát Tường mấy năm bận rộn với trường dạy nghề trang điểm, khi quay lại sân khấu thì các đạo diễn đã quên cô. Nhớ nghề, Cát Tường đầu tư vở Đôi mắt của biển để được làm đào chánh, ngỡ là hòa vốn cũng đã tốt, không ngờ lại còn có lãi. Tuyết Thu sau khi nghỉ hai năm để sinh con, khi trở lại sân khấu cũng chờ vai mòn mỏi. Thế là cô đầu tư vào vở Đôi bờ, và cô đã diễn rất phong độ, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Trúc Thi là diễn viên mới ra trường, chờ đạo diễn để mắt tới thì còn lâu, bèn đầu tư để mình làm bầu cho chính mình. Chính vì xài đồng tiền xương máu của chính mình nên diễn viên luôn cố gắng tối đa trên sàn diễn, không hề có chuyện lơ là, bỏ sô. Hiệu quả vở diễn tất nhiên sẽ cao. 

Hầu hết nghệ sĩ đều rất ủng hộ mô hình này. Có lẽ 5B lại bắt đầu một thời kỳ mới, như cách đây 20 năm nó đã từng khai phá mô hình xã hội hóa, tạo điều kiện xuất hiện cho những nhân tố mới kế thừa cho làng kịch Sài Gòn.

 Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.