Vẫn chưa thống nhất được khái niệm về blog

27/11/2008 20:21 GMT+7

(TNO) Đại diện cơ quan quản lý cho biết thông tư về quản lý blog dự kiến được ban hành vào tháng 12.2008 sẽ chỉ định hướng những việc các blogger nên tránh mà không can thiệp vào vấn đề riêng tư của blogger. Tuy nhiên khái niệm thế nào là blog được đưa ra trong bản dự thảo lần thứ 5 vẫn chưa được thống nhất.

Bản chất của thông tư này là không can thiệp vào vấn đề riêng tư của các blogger mà chỉ định hình để xác định khái niệm blog là gì, từ đó đưa ra phạm vi điều chỉnh gói gọn trong khái niệm đó.

Thông tư cũng nêu rõ việc nào được khuyến khích, ủng hộ, tạo điều kiện phát triển blog và việc nào các blogger nên tránh, đó là ý kiến được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đưa ra tại Hội thảo xây dựng thông tin về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân (blog) được tổ chức chiều ngày 27.11 tại Hà Nội.

Trước câu hỏi tại sao lại cần phải có một thông tư riêng cho việc quản lý blog, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết hoạt động của blog trong thời gian qua không chỉ được quan tâm ở VN mà ở nhiều nước trên thế giới cũng chú ý đến vấn đề này. Chính vì vậy, việc tách ra thành thông tư riêng là để tạo cơ sở pháp lý cho người sử dụng blog khi tham gia hoạt động này. "Đây cũng là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng khi phát hiện sai phạm trong hoạt động này có điều kiện để xử lý. Do tính chất của việc này rất phức tạp, nhạy cảm nên việc tạo ra 1 văn bản pháp lý cũng là điều cần thiết", ông Doãn nói.

Theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn trong hơn 10 năm qua tốc độ phát triển internet tại VN tăng rất nhanh. Tỷ lệ 24% dân số VN sử dụng internet là một tỷ lệ cao trong khu vực. Tất cả việc ứng dụng internet đều được khuyến khích và đặc biệt là việc sử dụng internet vào các mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp kiến thức học tập... Những điều đó hoàn toàn được khuyến khích và được nêu rõ trong thông tư này. Bên cạnh đó thông tư này cũng đưa ra những định chế để hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực có thể xảy ra.

Theo ông Đỗ Quý Doãn, thông tư này được xây dựng không phải để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến blog mà mang tính định hướng, tạo hành lang pháp lý cơ bản, ngoài ra còn để giải quyết vấn đề tư tưởng, xã hội, vấn đề mang tính đối ngoại. "Lúc đầu nghe nói sẽ có văn bản trong hoạt động blog chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ Nhà nước đang lại muốn hạn chế cấm đoán nhưng rõ ràng trong dự thảo văn bản này chúng ta thấy những điều khoản vừa tạo điều kiện cho sự phát triển của blog lại có những vấn đề định hướng để những người tham gia blog hoạt động một cách lành mạnh. Đây là một văn bản vừa mang tính xã hội cao, có tính pháp lý nhưng vấn đề nêu ra cũng nhẹ nhàng không nặng nề gì", ông Doãn nói.

Mặc dù dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 12.2008 thế nhưng tại Hội thảo khái niệm thế nào là blog do Ban soạn thảo đưa ra vẫn chưa hoàn toàn được đồng tình và đã nhận được những ý kiến phản biện khá xác đáng.

Theo dự thảo, trang thông tin điện tử cá nhân (blog) được dùng để thể hiện những thông tin mang tính chất cá nhân phục vụ nhu cầu lưu trữ hoặc trao đổi, chia sẻ với một nhóm người hoặc với cộng đồng sử dụng dịch vụ internet và blog được đăng ký khởi tạo trên internet bởi chủ thể sở hữu blog. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, đại diện của công ty Vinagame cho rằng nên xem xét khái niệm chủ sở hữu blog vì không chỉ có người khởi tạo blog mà nhà cung cấp dịch vụ này cũng đồng thời là chủ sở hữu. 

Trả lời về vấn đề này Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn thừa nhận về mặt khái niệm, Ban soạn thảo vẫn còn phân vân nhất ở chỗ xác định như thế nào là blog để có thể bao hàm hết các nội hàm của khái niệm này. Nếu sử dụng được nguyên văn thì sẽ rất dễ hiểu tuy nhiên do đây là văn bản quy phạm, Ban soạn thảo muốn Việt hóa nên sử dụng khái niệm trang thông tin điện tử cá nhân. "Tuy nhiên việc giải thích bằng tiếng Việt đôi khi lại bị dài ra, hoặc đa nghĩa ví dụ chủ sở hữu của trang blog không chỉ là người khởi tạo ra trang blog mà còn là nhà cung cấp dịch vụ nên rất dễ gây nhầm lẫn, đây là những ý kiến rất đáng tiếp thu", Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nói. 

Còn theo luật sư Nguyễn Ngọc Hưng, đại diện của mạng xã hội tamtay.vn thì với việc xây dựng một thông tư riêng cho blog dường như cơ quan quản lý đang tập chung vào giải quyết hiện tượng thay vì bản chất. Trên thực tế trang thông tin điện tử (TTĐT) cá nhân gọi là blog bản chất của nó cũng là đưa tin như các trang điện tử khác, vậy nên đưa thông tư chung về việc đưa thông tin lên mạng internet như vậy sẽ rộng và bao hàm cả các trang TTĐT  khác trong đó bao hàm cả blog.

Cũng theo luật sư Hưng, 3 chủ thể tham gia vào hoạt động này là cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và người sử dụng. Khi soạn thảo thông tư này Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nên cân nhắc hài hòa giữa các bên. Nếu việc quản lý các mạng xã hội trong nước quá chặt thì người sử dụng sẽ có xu hướng tìm đến các nơi khác có môi trường thông thoáng, tự do, thoải mái hơn và điều này vô hình chung lại gây thiệt hại cho các nhà cung cấp trong nước, luật sư Hưng nhận định.

Một vấn đề khác, theo luật sư Hưng chưa được dự thảo đề cập đó là sự tham gia của bên thứ 3 vào hoạt động blog. Bên thứ 3 ở đây được hiểu là cá nhân hoặc tập thể thấy một nội dung nào đó được lên trang TTĐT cá nhân xâm phạm vào quyền lợi của mình. Luật sư Hưng cho biết theo qui định của hầu hết các mạng xã hội khi một bên thứ 3 có yêu cầu, kèm theo các bằng chứng xác đáng thì doanh nghiệp, chủ sở hữu trang phải dỡ bỏ thông tin được đưa lên đồng thời thông báo đến người đăng tải. Trong trường hợp yêu cầu dỡ bỏ thông tin không đúng thì bên thứ 3 cũng phải có trách nhiệm đối với những thiệt hại việc dỡ bỏ sai đó gây ra chứ không nên để chủ sở hữu trang TTĐT cá nhân hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm.

T.Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.