EU với thỏa thuận sống còn

17/12/2005 22:58 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu u (EU) đã bế mạc ngày 17/12 sau 2 ngày họp tại Brussels (Bỉ) với một cú đột phá quan trọng: đạt được thỏa thuận về ngân sách của khối từ 2007-2013. Đây là thành công vô cùng quan trọng cho tương lai và uy tín của EU sau gần 1 năm trời không tìm được lối thoát cho vấn đề này.

Nếu các nhà lãnh đạo từ 25 nước không thông qua được ngân sách cho 7 năm tới, EU sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng niềm tin trầm trọng sau khi đã bị tổn thương khá nhiều với việc dân Pháp và Hà Lan bác bỏ hiến pháp chung châu u. Chưa hết, một thất bại sẽ làm tê liệt tài chính EU và ngăn cản sự phát triển của các thành viên nghèo nhất. Để đi đến thỏa thuận này, 25 thành viên đã chia làm hai phe trong các cuộc thương thảo căng thẳng - một phe do Thủ tướng T.Blair của Anh (nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU) đứng đầu và một phe "dưới trướng" Tổng thống Pháp J.Chirac. Mấu chốt của những bất đồng về một ngân sách chung là London không muốn từ bỏ số tiền bồi hoàn sau khi nước này đóng góp vào ngân sách EU ("chiến công" của cựu Thủ tướng M.Thatcher năm 1984), đồng thời phản đối tình trạng trợ giá nông sản quá nhiều của một số nước, đặc biệt là Pháp và yêu cầu EU phải trở nên cạnh tranh hơn để đương đầu với những thử thách từ toàn cầu hóa; tập trung ngân sách cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, khoa học và kỹ thuật. Ngược lại, Paris muốn một sự thay đổi chậm hơn nhằm bảo vệ chính sách trợ giá nông sản và an sinh xã hội quá ư hào phóng của mình, như là cách để đảm bảo cuộc sống người dân nông thôn mà nước này cho rằng đang bị toàn cầu hóa đe dọa.

Tuy nhiên, nói như Chủ tịch Ủy ban châu u (EC) J.Barroso: "Không có sự đoàn kết, không có liên minh" và như chính Thủ tướng Blair: "Một thỏa thuận để châu u tiến về phía trước", cuối cùng các bên cũng phải đi đến thỏa hiệp sau "những cuộc trao đổi cực kỳ phức tạp" (lời ông Blair). Theo đó, ngân sách EU 2007-2013 sẽ là 862,4 tỉ euro (1,04 ngàn tỉ USD), tương đương 1,045% GDP của khối. Khoản tăng này có được đa phần là do Anh chấp nhận bỏ khoản hoàn lại trị giá 10,5 tỉ euro trong 7 năm (đề nghị ban đầu của London là 8 tỉ nhưng bị nhiều nước chỉ trích là quá "hẻo"), và số tiền trên được dùng để thúc đẩy kinh tế của 10 thành viên mới. Đổi lại, EU, nhất là Pháp, đồng ý xem xét lại các khoản chi tiêu trong năm 2008-2009, qua đó có thể dẫn đến những cắt giảm mới về trợ giá nông sản. Cũng tại hội nghị lần này, Macedonia đã được trao quy chế ứng viên chính thức gia nhập EU.

Vậy là năm hết tết đến, các nhà lãnh đạo EU chắc hẳn sẽ rất hài lòng bởi đã giải quyết được một vấn đề khiến họ nhức đầu suốt thời gian qua. Nếu nói đây là thắng lợi rực rỡ thì e hơi quá nhưng ít ra thì đó cũng là một thành công trong nỗ lực của EU nhằm định hình tương lai và tái lập niềm tin vào sự đoàn kết của khối.

Xuân Anh
(AP, BBC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.